MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng tín dụng quý I/2023 - Bất ngờ vị trí quán quân và “đội sổ”

06-05-2023 - 21:19 PM | Tài chính - ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng quý I/2023 - Bất ngờ vị trí quán quân và “đội sổ”

Tốc độ tăng trưởng tín dụng quý I/2023 tương đối phân tán giữa các ngân hàng, đồng thời khác biệt rõ rệt so với tăng trưởng quý I năm ngoái.

Nội dung chính

 -MSB, một ngân hàng quy mô tương đối nhỏ về cho vay, có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống, đạt 13,4% chỉ trong 3 tháng đầu năm

- VietBank (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín) giảm tín dụng sâu nhất hệ thống, tới 3,33% trong quý I/2023 - trong khi năm trước ngân hàng này thuộc Top 3 ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống

- Tăng trưởng tín dụng không phụ thuộc vào ý chí lãnh đạo các nhà băng.

Tăng trưởng tín dụng toàn ngành quý I/2023 chỉ đạt 2,06%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 5,04% cùng kỳ 2022. Đến hết tháng 4, tăng trưởng tín dụng đạt 2,75% - theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước.

Đã có 27 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý I với con số cụ thể về cho vay/tín dụng trong ba tháng đầu năm. So với cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng quý I/2023 phân tán rõ rệt giữa các ngân hàng do đặc thù của từng ngân hàng cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, nhu cầu vay vốn sụt giảm.

  • Dữ liệu tăng trưởng tín dụng được tạm tính bằng tăng trưởng giá trị cho vay khách hàng tại cuối mỗi kỳ, chưa tính dự phòng rủi ro. So với số liệu các ngân hàng công bố có thể có sai số.
  • - Dữ liệu báo cáo tài chính được sử dụng từ ứng dụng FiinPro.
  • - Dữ liệu được tính toán dựa trên báo cáo tài chính của các ngân hàng đã công bố thông tin.
  •  Bất ngờ vị trí quán quân

Với quy mô các khoản cho vay chưa đến 137.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) trong riêng quý I/2023 lên tới 13,4%. So với mục tiêu  tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế là 14,5%, MSB chỉ còn hạn mức 1,1% trong 9 tháng cuối năm.

Theo thông tin từ VnDirect, mức tăng trưởng tín dụng MSB được cấp trong lần 1 cao nhất hệ thống ngân hàng, đạt 13,5%. Như vậy chỉ trong 1 quý, ngân hàng này đã sử dụng hết “room” được cấp.

Tuy nhiên, hạn mức tín dụng được cấp riêng cho mỗi ngân hàng là khác nhau, có thể cao hoặc thấp hơn mục tiêu tăng trưởng chung, và được cấp thêm nhiều lần trong năm. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng trong năm của mỗi ngân hàng được tính dựa trên số dư tín dụng cuối năm và đầu năm.

Do vậy, nếu dòng tiền xoay vòng tốt, các ngân hàng hoàn toàn có thể cho vay liên tục trong năm mà vẫn tuân thủ hạn mức tín dụng được NHNN giao. MSB cũng kỳ vọng sẽ được NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng vào tháng 6 tới.

Về giá trị tuyệt đối, tín dụng của MSB tăng hơn 16.000 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm. Trong đó, riêng cho vay mảng Thương mại công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng đã tăng hơn 4.600 tỷ đồng và cho vay cá nhân tăng hơn 3.400 tỷ đồng. Cho vay bất động sản và Nông nghiệp đều tăng xung quanh 1.000 tỷ đồng mỗi ngành trong quý I/2023.

Dù tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đứng đầu, mức tăng tuyệt đối của MSB trong quý I/2023 chỉ đứng thứ 9 hệ thống, do quy mô tín dụng của MSB chỉ ở mức trung bình thấp.

Tăng trưởng tín dụng cao là động lực giúp MSB tăng trưởng lợi nhuận trong quý I vừa qua.

Ngân hàng lãi ròng 1.218 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Riêng Thu nhập lãi thuần (thu nhập từ hoạt động cho vay) của MSB tăng trưởng 9,8%, đạt 2.157 tỷ đồng.

Quý I năm ngoái, MSB cũng thuộc nhóm tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống, đạt 8,88%, sau SEABank, MBBank và HDBank. Như vậy trong quý I, MSB đồng thời vượt qua 3 ngân hàng để vươn lên vị trí đứng đầu.

Đứng thứ hai trong hệ thống về tăng trưởng tín dụng là Techcombank với mức tăng 10,68% trong quý I/2023. Techcombank cũng là ngân hàng có mức tăng tuyệt đối lớn thứ hai hệ thống, đạt gần 45.000 tỷ đồng, chỉ xếp sau “ông lớn” VietinBank.

Đáng chú ý, mức tăng của Techcombank chủ yếu đến từ cho vay mảng bất động sản. Cuối quý I/2023, Techcombank có số dư cho vay bất động sản gần 148.000 tỷ đồng, tăng gần 40.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Tăng trưởng tín dụng mảng bất động sản của Techcombank phù hợp với kết quả tăng trưởng tín dụng mà Thống đốc NHNN vừa công bố ngày 5/5 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết mức tăng trưởng tín dụng bất động sản trong 4 tháng đầu năm đạt 3,51% trong khi mức tăng trưởng chung toàn hệ thống chỉ đạt 2,75%. Như vậy dù tăng trưởng chậm, động lực tăng trưởng chính của hệ thống tín dụng Việt Nam vẫn phụ thuộc mảng bất động sản.

“Suýt” thành quán quân năm 2022, VietBank “đội sổ” vào quý I/2023

Năm 2022, VietBank (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín) thuộc Top 3 ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống, đạt gần 26%. Là ngân hàng nhỏ, giá trị cho vay của VietBank chỉ dao động xung quanh 60.000 - 65.000 tỷ đồng cuối mỗi quý.

Trong quý I/2023, VietBank là ngân hàng có tín dụng sụt giảm mạnh nhất, tới 3,33% - còn hơn 61.500 tỷ đồng. Dù tín dụng giảm, thu nhập lãi thuần của VietBank vẫn tăng trưởng 31,5% so với cùng kỳ 2022. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế của VietBank tăng 73%, đạt 158 tỷ đồng quý I/2023.

Trong nhóm 8 ngân hàng có tín dụng sụt giảm trong quý I/2023, có ba ngân hàng có quy mô tín dụng hơn 100.000 tỷ đồng gồm Eximbank (EIB), ACB và VIBBank (VIB). Cả ba ngân hàng này trong quý I năm ngoái đều đạt mức tăng trưởng trên 5% và tăng trưởng 2 chữ số trong năm 2022.

Riêng VIB, lãnh đạo ngân hàng còn kỳ vọng hạn mức tín dụng được cấp cho năm 2023 lên tới 25%, đồng thời đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên giả định đó. Tuy vậy, kết quả tăng trưởng tín dụng của VIB dường như đi ngược lại kỳ vọng của lãnh đạo ngân hàng.

Với các ngân hàng bị giảm tín dụng trong quý I vừa qua, hạn mức còn lại cho 9 tháng cuối năm có thể tương đối “rộng rãi”. Tuy nhiên, vướng mắc của các nhà băng hiện tại có thể không đến từ hạn mức tín dụng được NHNN cấp, mà đến từ nhu cầu sụt giảm của cả khối doanh nghiệp và hộ gia đình.

Theo Hồng Minh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên