Tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn con số 12%
Kinh tế vĩ mô phục hồi, khả năng hấp thụ vốn tốt cùng áp lực lạm phát chưa nhiều sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2021...
Mặc dù nền kinh tế phải chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng vẫn gây nhiều bất ngờ trong những tháng cuối năm 2020. Vậy tốc độ tăng trưởng này còn giữ được trong năm 2021? VnEconomy đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2020?
Từ đầu năm ngoái, các ngân hàng thương mại đã cùng nhau đưa ra gói tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19. Nhưng thực tế có bao nhiêu doanh nghiệp được hưởng?
Vay ngân hàng không hề dễ, đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì càng khó vì thiếu tài sản thế chấp.
Do đó, các gói hỗ trợ chưa thực sự phát huy hiệu quả bởi vẫn chủ yếu hướng đến những khách hàng thân thiết của ngân hàng và khách hàng có khả năng trả nợ.
Mặt khác, khi nhu cầu vay vốn giảm bởi dịch dịch bệnh, ngân hàng đồng thời siết tín dụng vì lo ngại rủi ro nợ xấu nên tín dụng nửa đầu năm không thể tăng.
Đến cuối năm, tốc độ phục hồi của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế khá tốt, khéo theo tăng trưởng tín dụng cũng bứt tốc.
Tính đến cuối tháng 7/2020, tăng trưởng tín dụng chỉ mới hơn 4% nhưng đến 21/12/2020 đã đạt 10,14%. Thậm chí, chỉ trong 10 ngày cuối cùng của năm, chỉ số này đã vọt lên 12,13%.
Như vậy, nếu gộp cả yếu tố mùa vụ thì đây vẫn là mức tăng trưởng đột biến.
Theo ông, tốc độ tăng trưởng này còn được giữ trong năm 2021 không?
Yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng theo tôi vẫn là tình hình dịch bệnh. Hiện đã có nhiều tin tức tốt về vắc xin, nhưng để có thể tiêm chủng cho toàn bộ 90 triệu người dân Việt Nam thì còn khá lâu.
Ngoài ra, những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 bắt đầu ngấm hơn. Khả năng vay của cá nhân cũng như của doanh nghiệp sẽ giảm nếu doanh thu, thu nhập của họ giảm.
Do đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ chậm trong nửa đầu năm và bứt tốc ở nửa cuối năm khi doanh nghiệp được gia cố khả năng chống chịu.
Theo ông, ngành nào sẽ là động lực để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2021?
Những ngành trong năm vừa qua thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thì vẫn sẽ là động lực cho năm 2021.
Trong đó, ngành nông nghiệp luôn luôn là bệ đỡ cũng như xương sống của cả nền kinh tế. Rồi ngành xuất khẩu hy vọng cũng tăng trưởng tốt trong năm nay, mặc dù các thị trường lớn của Việt Nam bị ảnh hưởng nhưng chúng ta vẫn có thể có sức xuất khẩu lớn.
Đặc biệt, ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực có tiềm năng hồi phục, tăng trưởng mạnh khác như bán buôn bán lẻ, xăng dầu, phục vụ nhu cầu đời sống…
Lãi suất đang duy trì ở mặt bằng thấp, theo ông còn dư địa để giảm không? Và nếu giảm thì có trở thành động lực để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm tới?
Lãi suất thì còn dư địa để giảm. Hiện lãi suất huy động tại nhiều quốc gia trên thế giới còn ở mức âm.
Tại Việt Nam thì chắc là không âm vì nếu âm, dân sẽ rút tiền để đi mua vàng và bất động sản chứ không cất tiền trong ngân hàng nữa. So với lạm phát mục tiêu 4% mà Chính phủ đề ra, mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng vẫn cao hơn từ 1,5%-3%.
Trong trường hợp giảm, tôi nghĩ lãi suất sẽ giảm trong quý 1 đối với cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay, vì nền kinh tế tiếp tục bị tác động mạnh bởi Covid-19, rất cần cú đẩy mới.
Qua quý 2/2020 để xem tình hình thực tế có ổn định trở lại hay không, có phục hồi được hay không? Nếu phục hồi được thì nền kinh tế sẽ được hâm nóng vào nửa cuối năm 2021, kéo theo mức lãi suất sẽ lại bị đẩy lên.
Nhưng tóm lại, nhu cầu vay nợ có thể được hỗ trợ phần nào bởi lãi suất cho vay thấp và việc các ngân hàng có thể cân nhắc nới lỏng tiêu chuẩn cho vay về tương đương mức trước Covid-19 khi nhận thấy những dấu hiệu phục hồi rõ rệt hơn của nền kinh tế.
Có thông tin cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang phân bổ tín dụng cho các ngân hàng thương mại theo quý. Đây có phải phương pháp điều hành mới không thưa ông?
Nó là phương pháp điều hành mới.
Nhưng tôi luôn tán thành phương án ngân hàng nào có thể tăng trưởng tín dụng trong thời gian này thì cần khuyến khích.
Bởi lẽ, các ngân hàng có đầy đủ các công cụ để quản lý rủi ro. Trong đó gồm chỉ tiêu về dư nợ trên huy động, chỉ tiêu bảo toàn vốn, chỉ tiêu vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn… Những chỉ tiêu đó sẽ kiểm soát được lượng tín dụng đẩy ra ngoài lưu thông hơn là đưa một hạn mức cụ thể.
Mặt khác, hạn mức năm nào cũng có sự điều chỉnh cả. Hãy để cho các ngân hàng tự lo liệu tình trạng tín dụng của họ dựa trên sức khỏe tài chính. Nhà điều hành nên kiểm tra sức khoẻ tài chính hơn là đóng mở vòi tín dụng.
Vậy theo ông, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% có hợp lý trong năm nay?
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ tuỳ theo tăng trưởng kinh tế. Thường thì tôi hay dựa vào tỷ lệ 2,5 lần giữa tăng trưởng tín dụng trên GDP.
Ví dụ, tăng trưởng GDP khoảng 5% thì tín dụng sẽ tăng đâu đó khoảng 12,5% là hợp lý.
Thế giờ Việt Nam muốn tăng trưởng GDP khoảng 6%, thậm chí 6,5% thì mức tăng trưởng tín dụng phải cao hơn nhiều so với mức 12% đề ra.
Đồng thời, với những thuận lợi đang có như nền kinh tế dần phục hồi, khả năng hấp thụ vốn tốt, áp lực lạm phát chưa nhiều..., tôi cho rằng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn con số 12%.
VnEconomy