MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng tín dụng thấp nhất 10 năm, ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, "đốt đuốc" tìm khách hàng vay

30-06-2023 - 13:49 PM | Tài chính - ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng thấp nhất 10 năm, ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, "đốt đuốc" tìm khách hàng vay

Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn sụt giảm, NHNN và các ngân hàng thương mại đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm lãi suất cho vay, kích thích cầu tín dụng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 20/6/2023 mới chỉ đạt 3,13%, thấp hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ năm trước (8,51%). Tổng cục Thống kê nhận định nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, ngoài ra một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho biết, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 15/6 đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022 .

Với định hướng năm 2023 là tín dụng phải tăng 14-15% thì mức tăng trưởng hiện tại đang thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra của NHNN. So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng hiện mới chỉ đạt 8,94% - mức tăng trưởng YoY thấp nhất trong 10 năm qua.

Tăng trưởng tín dụng thấp nhất 10 năm, ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, "đốt đuốc" tìm khách hàng vay - Ảnh 1.

Tăng trưởng tín dụng (YoY) trong 10 năm qua. (Nguồn: Wichart)

Theo Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú, NHNN đã giao room tín dụng cho các NHTM là 11%, theo định hướng cả năm 14-15%. Đến nay mức 14-15% vẫn là mục tiêu cả năm. Dù vậy đến 15/6, tín dụng mới chỉ tăng 3,36%. Có thể thấy hạn mức không thiếu, huy động vốn cũng không phải thấp, khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng đầy đủ sẵn sàng. Tuy nhiên khả năng hấp thụ vốn yếu, bởi nhiều nguyên nhân, có từ ngân hàng, từ những lý do khách quan của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới. Doanh nghiệp hiện nay khá khó khăn, dòng tiền đứt đoạn, tồn hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng. Sức mua cũng suy yếu dẫn tới nhu cầu vay vốn thấp.

“Hiện nay thanh khoản các tổ chức tín dụng đều đang rất dồi dào, kể cả các NHTM Nhà nước, các NHTM cổ phần lớn, nhỏ. Các doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế cần vốn và đảm bảo khả năng trả nợ chắc chắn sẽ được vay vốn”, Phó Thống đốc khẳng định.

Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn sụt giảm, NHNN và các ngân hàng thương mại đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm lãi suất cho vay để kích thích cầu tín dụng.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Đồng thời, NHNN tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với các biện pháp điều hành và chỉ đạo của NHNN, đến nay, lãi suất cho vay VND bình quân đối với các khoản vay mới hiện ở mức khoảng 8,9%/năm, giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022.

Mới đây, loạt nhà băng như Agribank, Vietcombank, BIDV, MSB, LPBank,… tiếp tục công bố thêm chương trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu, hoặc/và triển khai các gói tín dụng ưu đãi với quy mô lớn hàng chục nghìn tỷ đồng.

NHNN cũng vừa tiếp tục có văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất tiền gửi; niêm yết công khai lãi suất tiền gửi. Đồng thời, các nhà băng phải tuân thủ cam kết giảm lãi suất cho vay. Trong đó, các ngân hàng phải giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Dù vậy, NHNN khẳng định sẽ không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá và tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: "Dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,36% so với cuối năm 2022, chưa phải con số tín dụng nhanh. NHNN cũng rất muốn tăng trưởng tín dụng nhưng không phải tăng tín dụng bằng cách hạ chuẩn tín dụng, đẩy tín dụng ra thị trường, bất chấp tín dụng có lành mạnh hay không lành mạnh trong tương lai. Tăng trưởng tín dụng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng, đảm bảo hiệu quả tín dụng với nền kinh tế, đó là bài toán khó".

Về phía các ngân hàng, tại toạ đàm "Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” do báo Dân Trí tổ chức ngày 22/6, ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban Chính sách Tín dụng Agribank - cho biết, ngân hàng đã chủ động tiếp cận với khách hàng để cho vay tuy nhiên tăng trưởng tín dụng vẫn rất thấp.

"Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mà Agribank tìm hiểu thì tạm ngừng hoạt động hoặc cầm chừng. Có doanh nghiệp đơn hàng giảm hơn 50%, thậm chí không còn đơn hàng" - ông Bách nói. Theo ông Bách , trong tệp khách hàng này có khoảng hơn 10% doanh nghiệp mà ngân hàng đem vốn đến mời chào nhưng lại không có nhu cầu vay.

Xuất phát từ thực tế doanh nghiệp nói khó vay vốn, khó tiếp cận vốn nhưng ngân hàng cũng nói cần khách, ông Ngô Bình Nguyên - Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) - cho biết ngành ngân hàng kinh doanh lĩnh vực tiền tệ, cần phải hướng dòng tiền tín dụng vào các doanh nghiệp có năng lực tổ chức kinh doanh, phương án kinh doanh, tài sản đảm bảo tốt và định hướng phát triển dài hạn.

"Việc trên thị trường các tổ chức tín dụng chọn lựa và cố gắng thu hút các khách hàng có chất lượng tốt là một điều không có gì sai cả", ông Nguyên khẳng định. Theo ông, điều này cũng giúp cho nền kinh tế và việc thực thi chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đi đúng mục đích và lành mạnh.

Phát biểu tại cuộc họp giữa các bộ, ngành và một số ngân hàng thương mại mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cũng cho rằng, trong thực tế, bên cạnh câu chuyện về khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với ngân hàng, còn có một câu chuyện khác là "các ngân hàng cũng đang đỏ mắt tìm doanh nghiệp để cho vay. Ngân hàng nào cũng muốn tìm khách hàng tốt để giải ngân. Chẳng có ngân hàng nào muốn giữ tiền trong két. Bởi nếu khư khư ôm vốn thì ngân hàng cũng "khó mà sống khỏe".

"Tiếp cận tín dụng là điểm giữa của con đường, cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng phải chủ động tìm đến nhau, phải có sự chủ động từ cả 2 phía", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi ví von.

Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên