Ngân hàng tuần qua: Tăng trưởng tín dụng thấp kỷ lục, nhiều loại lãi suất chủ chốt giảm sâu, giai đoạn tiền rẻ đang dần trở lại?
Lãi suất trên cả thị trường 1 và thị trường 2 đều giảm rất mạnh trong tuần qua. Trong khi tăng trưởng tín dụng đến ngày 15/6 mới chỉ đạt 3,36% so với cuối năm 2022.
- 25-06-2023Lãi suất giảm nhanh và mạnh
- 24-06-2023Ngày 24/6: Một ngân hàng giảm “sốc” lãi suất huy động
- 23-06-2023Các thị trường tài sản hồ hởi sau khi lãi suất giảm liên tục
NHNN chính thức giảm một loạt các mức lãi suất điều hành
Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một loạt lãi suất điều hành sẽ được điều chỉnh giảm từ đầu tuần qua (19/6).
Đây là lần giảm lãi suất điều hành thứ 4 liên tiếp của NHNN chỉ trong vòng hơn 3 tháng qua. Với 4 lần giảm kể từ giữa tháng 3, các loại lãi suất chính sách của NHNN đã giảm tổng cộng 1,5 – 2 điểm % và đã đảo ngược phần lớn mức tăng trong 2 lần điều chỉnh năm 2022 (tăng tổng cộng 2 điểm % mỗi loại lãi suất).
Trong đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm về bằng mức thấp kỷ lục duy trì trong giai đoạn từ tháng 10/2020 – tháng 9/2022. Trong khi lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn chỉ còn cao hơn 0,5 điểm % so với giai đoạn này.
Nói về quyết định giảm lãi suất điều hành mới đây, NHNN cho biết việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành c khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Nhiều loại lãi suất chủ chốt trên thị trường giảm sâu
Ngay sau động thái của NHNN, nhiều loại lãi suất chủ chốt trên thị trường đã giảm rất sâu.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 20/6 đã giảm về còn 0,55%/năm. Đây là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6/2022 và chỉ bằng 1/8 so với mức ghi nhận hồi đầu tháng 6.
Lãi suất qua đêm liên ngân hàng giảm sâu cho thấy chi phí vay mượn lẫn nhau giữa các nhà băng đã giảm rất mạnh trong những tuần qua. Đi cùng với đó, giá trị giao dịch liên ngân hàng vẫn được giữ ở mức cao (230.000 – 240.000 tỷ/phiên) thể hiện sự dồi dào về thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Sự dồi dào về thanh khoản còn được thể hiện một cách rất rõ nét và toàn diện hơn khi không có bất kỳ thành viên nào cần đến gói hỗ trợ của NHNN trên kênh thị trường mở (OMO) trong suốt 3 tuần gần đây, dù lãi suất OMO đã liên tục giảm.
Những diễn biến tại thị trường liên ngân hàng hiện tại khá tương đồng với giai đoạn "tiền rẻ" duy trì từ đầu năm 2020 đến giữa tháng 7/2022 – khoảng thời gian lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp và Nhà điều hành rất ít phải hỗ trợ thanh khoản hệ thống qua kênh OMO.
Không chỉ trên thị trường 2, tình trạng dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng đã ngấm sâu sang thị trường 1, khi lãi suất huy động liên tục giảm rất mạnh trong những tháng gần đây.
Chỉ trong tuần qua, các ngân hàng đã đồng loạt giảm 0,2-0,3%/năm toàn bộ các kỳ hạn lãi suất tiền gửi. Thậm chí, một số nhà băng như ABBank, LPBank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank còn giảm tới 0,5-0,8 điểm %.
Khảo sát ngày 25/6 tại hơn 30 ngân hàng thương mại trên thị trường, chỉ còn một vài nhà băng niêm yết lãi suất huy động từ 8%/năm trở lên như GPBank, Oceanbank, Saigonbank. Trong khi đó hầu hết các ngân hàng lớn đã đưa lãi suất xuống dưới 7,5%/năm. Đặc biệt, nhóm Big 4 giảm lãi suất huy động cao nhất xuống 6,3%/năm, chỉ còn cao hơn khoảng 0,7 điểm % so với mức thấp kỷ lục ghi nhận vào hồi tháng 7, tháng 8/2022 - giai đoạn trước khi cuộc đua lãi suất tăng huy động xảy ra.
Tăng trưởng tín dụng vẫn rất chậm
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước . Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Ông Đào Minh Tú nhận xét, tín dụng vẫn còn tăng chậm: “Ở góc độ NHNN cũng rất muốn tăng tín dụng, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn cấp tín dụng, mà tăng phải đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Chúng tôi xác định, việc tăng tín dụng là nhiệm vụ quan trọng phải triển khai quyết liệt trong thời gian tới. Mức 3,36% thấp, nhưng cũng do tính khách quan của nền kinh tế nhu cầu vốn thấp”.
Phó Thống đốc cho biết, tháng 2 NHNN đã giao room tín dụng cho các NHTM cả nước là 11%, theo định hướng cả năm 14-15%. Đến nay mức 14-15% vẫn là mục tiêu cả năm. Dù vậy đến 15/6, tín dụng mới chỉ tăng 3,36%. Có thể thấy hạn mức không thiếu, huy động vốn cũng không phải thấp, khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng đầy đủ sẵn sàng. Tuy nhiên khả năng hấp thụ vốn yếu, bởi nhiều nguyên nhân, có từ ngân hàng, từ những lý do khách quan của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới. Doanh nghiệp hiện nay khá khó khăn, dòng tiền đứt đoạn, tồn hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng. Sức mua cũng suy yếu dẫn tới nhu cầu vay vốn thấp.
Chính phủ yêu cầu NHNN phân bổ hết room tín dụng cả năm cho từng ngân hàng
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 225/TB-VPCP ngày 15/6/2023 thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.
Tại văn vản, Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; khẩn trương có ngay các giải pháp thiết thực, cụ thể để giảm mặt bằng lãi suất.
Trong đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu NHNN xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý trong năm 2023, phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6 năm 2023 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm 2023; chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.
Tại Hội nghị giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm cho từng tổ chức tín dụng để các tổ chức tín dụng chủ động kế hoạch cung ứng vốn cho nền kinh tế; yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước tích cực, chủ động hơn nữa, đóng vai trò chủ lực trong cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc triển khai thực hiện, không để xảy ra tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Việt Nam tiếp tục không nằm trong Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ
Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngày 17/6/2023 vừa qua, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, tiếp tục dựa trên ba tiêu chí để xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính, cụ thể là: (i) thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ; (ii) thặng dư cán cân vãng lai; và (iii) can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Tại Báo cáo này, Bộ tài chính Hoa Kỳ đưa 7 nền kinh tế vào Danh sách giám sát, bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Malaysia,, Singapore, Thụy Sĩ và Đài Loan (Trung Quốc). Đồng thời, Bộ tài chính Hoa Kỳ kết luận không có đối tác thương mại lớn nào của Hoa Kỳ thao túng tiền tệ trong giai đoạn từ tháng 01-12/2022. Trong giai đoạn nêu trên, Việt Nam vượt ngưỡng 1 tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Hoa Kỳ, do đó BTC Mỹ tiếp tục không đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát.
Nhịp sống Thị trường