Tăng tuổi nghỉ hưu: Chẳng công nhân nào muốn!
Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ băn khoăn về phương án tăng tuổi nghỉ hưu cũng như quy định về tăng giờ làm thêm trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi).
- 29-05-2019Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu: Chính phủ cần thống kê các công việc có tính đặc thù
- 29-05-2019Chính thức đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nữ lên 60, nam lên 62
- 21-05-2019Tăng tuổi nghỉ hưu: Chọn lộ trình nào?
- 19-05-20192 phương án tăng tuổi nghỉ hưu, quy định quyền nghỉ hưu sớm
Ngày 29-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và sau đó Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ.
Cần cơ chế linh hoạt về tuổi nghỉ hưu
Dự thảo luật đưa ra 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu: Phương án 1: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Thảo luận tại tổ, nội dung này được nhiều đại biểu (ĐB) tranh luận, cho ý kiến với nhiều băn khoăn. ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) thẳng thắn: "Tăng tuổi nghỉ hưu ảnh hưởng đến công chức, viên chức thôi, chứ chẳng công nhân nào mong muốn vì họ cũng đã làm hết sức rồi" - bà Lan nhấn mạnh.
ĐB Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương : Đau lòng khi phải đồng tình tăng giờ làm thêm
ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cũng nêu quan điểm không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu, bởi các lý do Chính phủ đề xuất chưa đủ sức thuyết phục và nếu lấy ý kiến thì không có NLĐ nào muốn tăng độ tuổi lao động. ĐB Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, khẳng định qua tham khảo ý kiến, những lao động nữ trực tiếp sản xuất phản ứng gay gắt về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Vì vậy, bà Hạnh đề nghị phải có một cơ chế cho lao động nữ được quyền nghỉ hưu ở tuổi 55 và lao động nam được quyền nghỉ hưu ở tuổi 60. Ngoài ra, khi NLĐ cảm thấy không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc thì cần cho họ quyền được nghỉ hưu, dù họ có thể hưởng mức lương hưu thấp, điều mà hiện nay luật chưa cho phép.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh tổ chức Công đoàn cơ bản đồng tình với dự thảo. Tuy nhiên, với bộ phận NLĐ trực tiếp không muốn tăng, ban soạn thảo cần tính toán cho hợp lý.
Buộc phải làm thêm giờ
Dự thảo luật cũng quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).
ĐB Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng ông đồng ý chủ trương tăng khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm. Việc đồng tình là vì thu nhập của NLĐ rất thấp, không tăng giờ làm thêm thì không đủ cuộc sống tối thiểu. Thực tế nhiều nơi cũng đang lách luật, có nơi NLĐ đã làm thêm tới 500 giờ/năm. Dù vậy, ông Hiểu đề xuất cùng với tăng giờ làm thêm phải xây dựng phương án trả tiền làm thêm giờ lũy tiến nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. "Chẳng hạn giờ làm thêm thứ nhất 5 USD thì làm thêm giờ thứ 2 phải được trả 6, 7 USD... Lý do, ngoài việc chi phí để NLĐ đầu tư tái sản xuất sức lao động thì thực tiễn đã cho thấy, càng làm thêm nhiều giờ thì nguy cơ tai nạn lao động càng cao" - ông Hiểu biện giải.
ĐB Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam : Cần tính toán hợp lý việc tăng tuổi nghỉ hưu Ảnh: Văn Duẩn
ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, nói ông cũng đồng tình với đề xuất của Chính phủ trong việc nâng thêm giờ làm nhưng chỉ tập trung vào một số ngành nghề như: da giày, dệt may xuất khẩu có tính chất thời vụ mà không diễn ra cả năm.
Trong khi đó, ĐB Trần Thị Diệu Thúy đề nghị nếu muốn tăng giờ làm thêm, phải giảm giờ làm chính thức từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần cho NLĐ, tức là ngày thứ bảy chỉ làm nửa ngày. Nếu muốn NLĐ làm cả ngày thứ bảy thì nửa ngày còn lại chủ DN phải trả thêm tiền và phải trả theo lũy tiến.
Nêu quan điểm về đề xuất tăng giờ làm thêm, ĐB Bùi Văn Cường (Gia Lai) khẳng định đây là nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, cũng như mong muốn của một bộ phận NLĐ cần có thêm thu nhập. Vì vậy phải dung hòa điều này. Quan điểm của tổ chức Công đoàn là đồng ý nâng giờ làm thêm. Dù vậy, tiền làm thêm giờ phải trả theo lũy tiến, mục đích là để chủ doanh nghiệp cân nhắc khi quyết định có huy động NLĐ làm thêm giờ hay không và để bảo đảm quyền lợi chính đáng của NLĐ.
"Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị giảm giờ làm chính thức từ 48 giờ/tuần như quy định hiện hành giảm xuống còn 44 giờ/tuần" - ông Cường kiến nghị.
Không thể không tăng tuổi nghỉ hưu
Trao đổi bên hành lang QH về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ đề xuất chọn phương án 1 vì phương án này phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo phương án 1, đến năm 2028 mới có người nam đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62 và đến 2035 người nữ đầu tiên mới nghỉ hưu ở độ tuổi 60.
"Tôi rất muốn chúng ta hiểu một cách đầy đủ về tăng tuổi nghỉ hưu và đến lúc này chúng ta không thể không tăng tuổi nghỉ hưu. Nếu đến 2035 không điều chỉnh thì Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng già hóa dân số như Nhật Bản hay một số nước hiện nay" - Bộ trưởng Dung nói.
Đề nghị không thay đổi giờ làm việc trên cả nước
Về bổ sung 1 ngày nghỉ lễ vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và đánh giá tác động đầy đủ về vấn đề này. Phát biểu tại tổ, nhiều đại biểu cũng chung ý kiến như cơ quan thẩm tra. Về quy định thời gian nghỉ Tết âm lịch và thời gian làm việc của cơ quan hành chính, cơ quan thẩm tra thấy rằng các vấn đề này đang được thực hiện ổn định, không phát sinh vướng mắc trên thực tiễn, do đó đề nghị kế thừa quy định hiện hành.
ĐB Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Tăng tuổi nghỉ hưu tác động đến lao động trẻ
Cần lưu ý là nước ta tăng tuổi hưu lúc này đúng vào thời kỳ đang quyết liệt tinh giản biên chế. Hơn nữa, giải quyết công ăn việc làm cho NLĐ cũng còn khó khăn. Mỗi năm cả nước vẫn có tới hơn 1 triệu lao động thất nghiệp, trong đó có vài trăm ngàn cử nhân. Vì vậy đây cũng là yếu tố cần tính toán, bởi người trẻ mà thiếu việc làm thì hậu quả xã hội rất lớn.
Theo tôi, chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu với toàn bộ công chức, phần lớn viên chức và chỉ một bộ phận NLĐ.
ĐB Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương:
Phải bảo đảm quyền lợi của NLĐ
Nếu nói chúng tôi đồng thuận với việc tăng giờ làm thêm là rất đau lòng, bởi việc làm thêm vắt kiệt sức của NLĐ. Nhưng nếu CĐ không đồng thuận thì NLĐ sẽ phản ứng. Tiền lương không bảo đảm cuộc sống tối thiểu nên NLĐ buộc phải làm thêm giờ.
Từ thực tiễn trên, theo tôi, vấn đề tiền lương của NLĐ phải là điều tiên quyết cần xem xét để cho phép tăng giờ làm thêm. Việc tính tiền lương làm thêm giờ phải tăng theo lũy tiến. Ngoài ra, mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ phải bảo đảm quyền lợi của NLĐ, bởi rất nhiều hệ lụy khi NLĐ phải làm thêm giờ: không có thời gian chăm sóc gia đình, bản thân, tương lai con cái họ...
ĐB Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH:
Tại sao nam tăng 2 mà nữ tăng 5?
Việc nâng tuổi nghỉ hưu là phù hợp với thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, vì sao nam tăng thêm 2 năm, còn nữ tăng thêm 5 năm? Như vậy có phù hợp với tâm sinh lý của phụ nữ hay không? Tại sao không phải nam tăng 2 thì nữ cũng tăng 2, nam tăng 5 thì nữ tăng 5?... Đây là những vấn đề cần phân tích, tính toán hợp lý.
Người lao động