MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng tuổi nghỉ hưu: Người trẻ ra đường chạy xe ôm?

Nhiều bạn đọc cho rằng đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) thiên về cảm tính và thiếu thực tiễn.

Tại các hội thảo góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do LĐLĐ TP tổ chức mới đây, nhiều cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở cho biết qua khảo sát, phần lớn người lao động (NLĐ) trực tiếp sản xuất, đặc biệt là các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu. Gởi ý kiến đến Báo Người Lao động, rất nhiều bạn đọc cũng bày tỏ ý kiến không đồng tình.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Người trẻ ra đường chạy xe ôm? - Ảnh 1.

Tăng tuổi nghỉ hưu là lấy mất đi cơ hội việc làm của người trẻ và là làm tăng thêm số lao động trẻ được chạy xe ôm ...

Xung quanh giải trình của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về lý do tăng tuổi nghỉ hưu (hiện nay tuổi nghỉ hưu phổ biến trên thế giới là trên 60 tuổi đối với nữ và trên 62 tuổi đối với nam), đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM- cho rằng viện dẫn này chưa đưa ra được các dẫn chiếu, tương quan về ngành nghề, công việc mà người lao động (NLĐ) các nước có độ tuổi nghỉ hưu trên 60 tuổi với nữ và trên 62 tuổi với nam để so sánh với trường hợp NLĐ tại Việt Nam.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Người trẻ ra đường chạy xe ôm? - Ảnh 2.

Tăng để làm gì trong khi lực lượng lao động của ta không hề thiếu, thậm chí là dư thừa

Đồng tình với ý kiến này, bạn đọc Nguyễn Ngọc Thiệp, bày tỏ: "Rõ ràng đây là đề xuất cảm tính và thiếu thực tiễn, đúng ra cần nghiên cứu giảm tuổi hưu cho nhiều ngành nghề khác mới đúng". Một bạn tên Hoàng thì gay gắt hơn: "Mấy ông bà trong ban soạn thảo chỉ ngồi phòng máy lạnh, họ có biết NLĐ vất vả lắm không? Muốn tăng tuổi nghỉ hưu chỉ có những ai muốn ngồi thêm giữ ghế hưởng lộc thôi".

Còn bạn đọc tên Hùng thì nêu chính kiến: "Tăng tuổi nghỉ hưu để làm gì khi hàng năm biết bao nhiêu nghìn cử nhân, kỹ sư ra trường không có việc làm, phải bỏ bằng Đại học để đi làm công nhân cuả các công ty, doanh nghiệp nước ngoài, rồi xuất khẩu lao động.. CN may, điện tử chưa đền 50 tuổi đã mờ cả mắt, tay đã run thì tăng tuổi nghỉ hưu để làm gì?". Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Đăng Quý, đặt vấn đề: "Tại sao phải tốn giấy mực cho vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu? Hãy làm cuộc khảo sát trực tiếp NLĐ rồi đề xuất".Thực tế hơn, bạn đọc có nick ab@gmail.com , đơn cử ví dụ: "Năm nay tôi 56 tuổi, 4 năm nữa sẽ về hưu. Nghe tăng tuổi hưu tốt rất buồn. Tuổi thọ nước ta tăng, nhưng đa số là sức khỏe kém. 50, 60 tuổi đã lăn lộn trong bệnh viện".

Theo bạn đọc Nguyễn Hồng Sơn, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ còn nhiều bất cập và không thực tế. Thậm chí, đó là cái cớ để NLĐ bị trừ % khi tính tuổi nghỉ hưu. "Doanh nghiệp thì cần NLĐ trẻ khỏe, ngoài 50 tuổi là họ xếp vào không đáp ứng được công việc. Nghỉ hưu là bị trừ quá nhiều..."- bạn đọc Nguyễn Hồng Sơn, góp ý. Bạn đọc Tu – ha, viết hài hước: "Công nhân mà được làm khu vực có điều hòa, chế độ chăm sóc sức khỏe hằng quý, ăn uống có kiểm định hằng ngày thì hãy nâng tuổi nghỉ hưu. Bạn đọc Trần Văn Tuấn, đặt vấn đề: "Ban soạn thảo đã khảo sát có bao nhiêu người%/tổng số đang làm việc ở lĩnh vực tư nhân và có bao nhiêu người % /tổng số đang làm việc ở khu vực Nhà nước. Chỉ có làm ở lĩnh vực nhà nước mới có trên 60 tuổi; lĩnh vực tư nhân như ở các khu công nghiệp thì 40 tuổi người ta đã không muốn tuyển lao động rồi".

Nhiều bạn đọc bày tỏ sự đồng tình với cách đặt vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu của Báo Người Lao động. Đồng thời, cho rằng cứ giữ nguyên quy định về tuổi nghỉ hưu như cũ. "Nếu NLĐ đã nghỉ hưu mà còn sức khỏe tự tìm việc hợp mình là tốt nhất. Bạn đọc tên PIN, góp ý thẳng: "Tăng tuổi nghỉ hưu là lấy mất đi cơ hội việc làm của người trẻ và là làm tăng thêm số lao động trẻ được chạy xe ôm ...". Bạn đọc Manh Dung, thì viết: "Tăng để làm gì trong khi lực lượng lao động của ta không hề thiếu, thậm chí là dư thừa hay tăng chỉ nhằm mục đích tăng thu cho quỹ BHXH và bớt chi khi NLĐ nghỉ hưu?"



Theo Hoàng Triều

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên