Tăng tỷ lệ cà phê nhân chế biến sâu
Lâu nay, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu cà phê nhân, cà phê chế biến sâu còn rất nhiều hạn chế nên giá trị gia tăng còn thấp.
- 13-03-2017Chuỗi cà phê doanh nhân và chiếc tù và hàng tổng
- 13-03-2017Lợi nhuận cà phê, nước ngoài hưởng
- 11-03-2017Việt Nam sắp soán ngôi xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới của Brazil
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành hàng cà phê Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ cà phê chế biến sâu (cà phê rang xay, cà phê hoà tan) tăng lên trên 25% trong tổng sản lượng cà phê nhân toàn quốc, nhằm góp phần nâng cao giá trị gia tăng của ngành hàng cà phê Việt Nam.
Cà phê rang xay (cà phê bột) chủ yếu dành cho thị trường nội địa nên các địa phương, đơn vị chủ trương không đầu tư xây dựng mới nhà máy mà tập trung nâng cao công suất thực tế, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đưa sản lượng cà phê rang xay từ 26.000 tấn/năm hiện nay tăng lên 50.000 tấn/năm (đạt 90% công suất thiết kế của các nhà máy) vào năm 2020.
Riêng đối với cà phê hoà tan, các địa phương, doanh nghiệp ưu tiên tiếp tục khuyến khích mời gọi, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư trong, ngoài nước xây dựng các nhà máy chế biến cà phê hoà tan thành sản phẩm hàng hoá có giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Theo đó, chế biến cà phê hoà tan nguyên chất đạt 55.000 tấn/năm vào năm 2020 và tăng lên 120.000 tấn/năm vào năm 2030. Chế biến cà phê hoà tan phối trộn (“3 trong 1”, “2 trong 1”) đạt 200.000 tấn sản phẩm/ năm vào năm 2020 và đến năm 2030 đạt trên 230.000 tấn/ năm vào năm 2030.
Đến năm 2030, ngành hàng cà phê Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu và tiêu dùng nội địa cà phê chế biến sâu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 25% tổng giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến cà phê. Thực tế, hiện nay, theo các chuyên gia cho biết, cà phê chế biến sâu là khâu cho giá trị gia tăng cao nhất từ 70 - 100 triệu đồng/tấn cà phê quy nhân, thế nhưng, lâu nay ngành hàng cà phê Việt Nam chế biến sâu chỉ mới chiếm 10% trong tổng sản lượng cà phê nhân trong cả nước, chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân (cà phê hạt) nên giá trị gia tăng thấp.
Ngay tại Đắk Lắk, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê của cả nước nhưng ngành cà phê chế biến sâu cũng còn nhiều hạn chế, chiếm chưa đến 10% trong tổng sản lượng cà phê nhân hàng năm của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 252 cơ sở chế biến cà phê, trong đó có 96 cơ sở chế biến cà phê nhân, 154 cơ sở chế biến cà phê bột (chủ yếu là của tư nhân, nhỏ lẻ), 2 cơ sở chế biến cà phê hoà tan.
Năm 2016, tỉnh Đắk Lắk đã chế biến được 5.280 tấn cà phê hoà tan và 21.550 tấn cà phê bột. Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất sản phẩm cà phê bột, cà phê hoà tan có thương hiệu, uy tín như Trung Nguyên, An Thai, Đắk Co, Uy Tín, Trường Giang…
Trong niên vụ 2015- 2016 tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu cà phê hoà tan đạt 4.520 tấn, chiếm tỷ lệ 2,3% số lượng cà phê nhân xuất khẩu, nhưng kim ngạch xuất khẩu đạt 26,826 triệu USD, chiếm tỷ lệ 7,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân của tỉnh.
Hiện nay, cả nước có tổng diện tích cà phê 643.159 ha, sản lượng cà phê nhân năm 2016 đạt trên 1,459 triệu tấn, tăng 5.500 tấn so với niên vụ trước. Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, trong đó đứng thứ nhất thế giới nhiều năm liền về sản xuất và xuất khẩu cà phê vối. Tuy nhiên, lâu nay, nước ta chủ yếu vẫn xuất khẩu cà phê nhân, cà phê chế biến sâu còn rất nhiều hạn chế nên giá trị gia tăng còn thấp.
TTXVN ( Tin tức)