MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tạo đòn bẩy cho đầu tàu kinh tế Tp.Hồ Chí Minh - Bài 1: Ngày càng ì ạch

Vấn đề đầu tàu kinh tế Tp. Hồ Chí Minh có dấu hiệu hụt hơi, giảm tốc đã được đề cập đến trong nhiều năm qua với các chỉ số đáng lo ngại trong tăng trưởng. Vấn đề này càng đáng báo động hơn do tác động lớn bởi dịch COVID-19 và tình hình phức tạp của tình hình thế giới thời gian qua. Mặc dù đã được nhận diện và cũng có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng kết quả chưa được như mong muốn nếu không muốn nói vẫn còn một số lĩnh vực có chiều hướng

Trước thực tiễn tại Tp. Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam xin giới thiệu tới bạn đọc chùm 5 bài viết có tiêu đề" Tạo đòn bẩy cho đầu tàu kinh tế Tp. Hồ Chí Minh", nhằm phản ánh những khó khăn, bất cập mà thành phố đang gặp phải cũng như nỗ lực của trung ương và thành phố trong xây dựng các giải pháp để tạo bệ đỡ cho đầu tàu kinh tế Tp. Hồ Chí Minh tăng tốc trong thời gian tới.

Bài 1: Ngày càng ì ạch

Nhiều chỉ số kinh tế của Tp. Hồ Chí Minh - nơi được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước - giảm sút trong nhiều năm qua, thậm chí có dấu hiệu tụt hậu so với các địa phương khác trong khu vực cũng như cả nước.

Tốc độ tăng trưởng chậm dần

Tạo đòn bẩy cho đầu tàu kinh tế Tp.Hồ Chí Minh - Bài 1: Ngày càng ì ạch - Ảnh 1.

Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung nguồn vốn, giao dịch, hàng hóa, tài chính...sẽ được vận dụng tối ưu nhằm xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh đến năm 2025. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Mặc dù đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt vùng Đông Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, tuy nhiên Tp. Hồ Chí Minh trong những năm gần đây đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Theo đánh giá của Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, so với giai đoạn trước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố có xu hướng chậm lại, đóng góp của kinh tế thành phố vào GDP cả nước ngày càng giảm qua các giai đoạn 5 năm.

Nếu tính theo GDP, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2006 - 2010 là 11,4% và giai đoạn 2011 - 2015 là 9,6%. Nếu tính theo GRDP, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011 – 2015 là 7,2% và giai đoạn 2016 – 2020 là 6,4%. Dưới tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,16% trong năm 2020 và suy giảm ở mức -5,36% trong năm 2021; hầu hết các ngành kinh tế tăng trưởng chậm lại hoặc suy giảm; các khu vực kinh tế đều gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng tạm ngừng hoạt động và thất nghiệp gia tăng.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch phân tích thêm, trong giai đoạn 20 năm (1991-2010), tốc độ tăng GDP trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh bình quân 10,5%/năm và cao hơn mức bình quân tăng trưởng GDP của cả nước khoảng 1,5 lần. Nhưng trong 10 năm (2011-2020), tốc độ này giảm chỉ còn 7,2%/năm và năm 2020, lần đầu tiên tính từ ngày thống nhất đất nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tp. Hồ Chí Minh chỉ bằng khoảng 45% so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Qua đó cho thấy, từ năm 2010 đến nay, sự phát triển của thành phố đã bộc lộ sự giảm tốc, thậm chí tụt hậu so với cả nước ở một số lĩnh vực như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu, tính hấp dẫn của môi trường cạnh tranh… Suy giảm mạnh nhất trong cơ cấu kinh tế Tp. Hồ Chí Minh so với cả nước là lĩnh vực công nghiệp. Năm 2010, công nghiệp thành phố chiếm 15,38% giá trị tăng thêm ngành công nghiệp cả nước, đến năm 2021 chỉ còn chiếm 8,7%, giảm 6,68 điểm phần trăm so với năm 2010.

Ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, kết quả sụt giảm tỷ trọng của ngành công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước phản ánh thực tế thành phố không còn nhiều nguồn lực cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là nguồn lực đất đai. Diện tích đất sạch cho phát triển công nghiệp còn thấp, một số khu công nghiệp được quy hoạch nhưng khó triển khai thực hiện. Sự hạn chế về diện tích đất khu công nghiệp so với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ảnh hưởng đến thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt những dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, đòi hỏi nhiều diện tích.

Tương tự trong lĩnh vực xuất khẩu, nếu năm 2001, Tp. Hồ Chí Minh chiếm ưu thế nổi bật về hoạt động xuất khẩu, đóng góp hơn 51% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước thì đến năm 2018, Tp. Hồ Chí Minh chỉ chiếm 15,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tính đến năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm hơn 61% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.

Đáng chú ý, nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm gần 37% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố đều đến từ khối doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, các mặt hàng khác như đồ gỗ, nông, thuỷ sản xuất qua Tp. Hồ Chí Minh là sản phẩm của các tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguyên nhân của sự sụt giảm của kinh tế thành phố cũng được lãnh đạo Tp.Hồ Chí Minh nhìn nhận, bên cạnh yếu tố khách quan từ bối cảnh không thuận lợi, thì nguyên nhân chủ quan dẫn đến vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của thành phố đối với cả nước có phần giảm sút trong những năm gần đây. Bởi do còn có mặt hạn chế trong quản lý, điều hành và sự thiếu đầu tư tương xứng, có hiệu quả để bồi đắp các động lực tăng trưởng, sự chậm khắc phục các điểm nghẽn kéo dài qua nhiều năm, đặc biệt là quá tải cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội, giao thông, thoát nước, y tế, giáo dục, nhà ở...

Mất dần vị thế

Tạo đòn bẩy cho đầu tàu kinh tế Tp.Hồ Chí Minh - Bài 1: Ngày càng ì ạch - Ảnh 2.

Sản xuất linh kiện điện tử kỹ thuật cao tại một công ty trong Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh (tư liệu) minh họa: TTXVN

Với nhiều chỉ số sụt giảm như trên cũng khiến cho kinh tế Tp.Hồ Chí Minh ngày càng mất dần vị thế; trong đó có nhiều lĩnh vực vốn là thế mạnh của thành phố nhưng đang dần mờ nhạt.

Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 5/2023, Tp. Hồ Chí Minh thu hút 11.734 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư đạt hơn 56,71 tỷ USD; đứng đầu cả nước về số dự án còn hiệu lực. Tuy nhiên, thời gian gần đây khả năng thu hút nguồn vốn ngoại có xu hướng chững lại và chịu áp lực cạnh tranh từ nhiều địa phương khác.

Ông Nguyễn Phúc, chuyên gia hướng dẫn đầu tư của Công ty Luật HM&P, cho rằng những lợi thế trước đây của Tp. Hồ Chí Minh ngày càng giảm dần theo thời gian; các kênh thông tin đầu tư của thành phố còn thiếu và khó tiếp cận. Cùng lúc đó, các địa phương khác dần năng động và nhiệt tình hướng dẫn doanh nghiệp triển khai thủ tục đầu tư hơn.

Thực tế, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tp. Hồ Chí Minh năm 2022 đã giảm 13 bậc, từ vị trí 14 xuống vị trí thứ 27. Đáng chú ý, hai chỉ số có kết quả thấp nhất là "tính năng động của chính quyền tỉnh" đứng thứ 62/63 tỉnh thành và “chi phí không chính thức” xếp thứ 60/63 tỉnh thành cho thấy sự đánh giá bộ máy hành chính còn nhũng nhiễu, phiền hà. Các chỉ số khác như “chi phí gia nhập thị trường” xếp thứ hạng 43; “tiếp cận đất đai” xếp thứ 54 cũng dưới mức trung bình.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, thu hút đầu tư những năm tới sẽ gặp thách thức vì các nhà đầu tư hiện nay quan tâm nhiều đến yếu tố bền vững, môi trường sống, trong khi đó Tp. Hồ Chí Minh đang đối mặt với nhiều vấn đề của đô thị lớn như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm không khí…

Dệt may, một trong những ngành sản xuất xuất khẩu tỷ đô cũng dần hụt hơi trong cuộc đua cạnh tranh. Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngành công nghiệp dệt may của Tp. Hồ Chí Minh đang dần mất lợi thế, bị thu hẹp, chưa có tính bền vững và sức cạnh tranh cao. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp từ trước đến nay chỉ tập trung nhiều vào gia công mà chưa đầu tư, liên kết hệ sinh thái cùng gia tăng chuỗi giá trị.

Trong khi đó, bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Tp. Hồ Chí Minh phân tích, mặc dù là trung tâm kinh tế của cả nước nhưng cơ sở hạ tầng của Tp. Hồ Chí Minh chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ phát triển của ngành logistics. Nhiều dự án chậm tiến độ (tuyến metro, đường Vành đai 3, 4), một số dự án còn thiếu vốn, trong khi đó tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Các trung tâm logistics, ICD (cảng cạn), trung tâm phân phối hiện có còn phân bố rời rạc, thiếu đồng bộ cũng là những nút thắt của hoạt động logistics, vận tải hàng hoá.

Bên cạnh đó, dù được định hướng trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu nhưng hầu hết nhà kho trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đều có diện tích nhỏ, xu hướng kho thu hẹp và chuyển dịch sang các tỉnh lân cận. Tp. Hồ Chí Minh cũng chưa có trung tâm logistics đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến 2020, định hướng đến năm 2030.

Phân tích tình trạng “giảm tốc” kinh tế của Tp. Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dũng, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho rằng, sự vượt trội của thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại. Nguyên nhân xuất phát từ hạn chế trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và khó khăn trong thăng tiến lên nấc cao hơn của chuỗi giá trị và xác lập cơ cấu kinh tế hiện đại. Điển hình là hoạt động của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao chưa có sự đột phá, chưa thu hút được nhiều tập đoàn lớn. Tp. Hồ Chí Minh chưa phát huy được thế mạnh của một trung tâm khoa học - công nghệ trong việc nâng cao năng suất và chất lượng phát triển, chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bài 2: Loay hoay với 'chiếc áo chật'


Theo Anh Tuấn - Tiến Lực - Xuân Anh

Báo Tin Tức

Trở lên trên