Tạo ra khác biệt với việc dậy sớm: 6 bước nói cho bạn biết làm sao để có một buổi sáng sớm chất lượng
Tác giả nổi tiếng Hal Elrod trong cuốn “The miracle morning” (Tạm dịch: “Buổi sáng kỳ diệu”) chỉ ra rằng: “Chỉ cần chúng ta thức dậy thật sớm mỗi ngày với sự nhiệt huyết, và ai rồi cũng có thể thay đổi cuộc đời mình.” Vì vậy, nếu không muốn sống một cuộc sống tạm bợ, chúng ta phải thay đổi, và thay đổi này nên được bắt đầu từ việc dậy sớm.
- 26-11-202010 bài Ted talk ý nghĩa đáng học nhất, tiếp thêm năng lượng để vượt qua sự thất bại, nâng cao sự tự tin: Ứng dụng linh hoạt đảm bảo cuộc sống sẽ tốt lên không ngờ!
- 26-11-2020Huyền thoại bóng đá Diego Maradona qua đời ở tuổi 60 vì đau tim
- 25-11-2020Đừng chờ đợi những điều tốt đẹp xảy ra với bạn, cách tốt nhất để đạt được cuộc sống bạn muốn là đứng dậy và làm việc!
- 25-11-20205 danh ngôn để đời của Benjamin Franklin - người đàn ông trên tờ 100 USD: Nghèo không phải điều đáng xấu hổ, nhưng che giấu và chấp nhận nó thì có
"Nghe nói cậu kiếm tiền bằng việc viết lách, thật ngưỡng mộ. Tôi cũng muốn như vậy nhưng không có thời gian", tôi rất thường xuyên nghe thấy những lời biện hộ như vậy.
Nhưng thực tế lại là, sau khi tan làm bạn lựa chọn nằm lười ra đó lướt Tiktok, Instagram hay Facebook, trong khi người thành công họ lựa chọn dậy sớm để học tập, và lên kế hoạch cho mỗi một mục tiêu.
Nguyên nhân khiến phần lớn chúng ta không thể thành công tới từ những nhận thức sai lầm mà chúng ta sở hữu, một cuộc sống lộn xộn là vì không có tiền, việc làm mãi không xong là vì không có thời gian.
Chẳng hạn như việc chúng ta dành phần lớn thời gian đi để suy nghĩ, nhưng cuối cùng lại dừng ở bước nghĩ; chúng ta đều biết mình nên làm gì, chỉ có điều chúng ta thiếu đi sự kiên trì cho nó.
Tác giả nổi tiếng Hal Elrod trong cuốn "The miracle morning" (Tạm dịch: "Buổi sáng kỳ diệu") chỉ ra rằng: "Chỉ cần chúng ta thức dậy thật sớm mỗi ngày với sự nhiệt huyết, và ai rồi cũng có thể thay đổi cuộc đời mình."
Vì vậy, nếu không muốn sống một cuộc sống tạm bợ, chúng ta phải thay đổi, và thay đổi này nên được bắt đầu từ việc dậy sớm.
Lấy ví dụ thực tế là tôi, tôi sẽ cùng bạn diễn giải cuốn sách này, rút ra cách sử dụng 6 bước của một buổi sáng sớm để thay đổi bản thân, xóa bỏ suy nghĩ rằng mình không có thời gian, từ đó cân bằng hơn giữa cuộc sống và công việc, đồng thời bồi dưỡng cho mình một thói quen sống tốt.
01
Duy trì sự "tĩnh tâm có chủ ý"
Rất nhiều người có thói quen lướt điện thoại trước khi đi ngủ, cứ lướt cứ lướt tới 1,2h sáng lúc nào không hay, và rồi đi vào giấc ngủ với một đống những thông tin vô ích. Để rồi ngày thứ hai thức dậy trong bộ dạng mệt mỏi, thiếu ngủ và vội vội vàng vàng.
Nhưng bạn có biết không? Hành vi của buổi sáng sớm sẽ ảnh hưởng tới tư duy và trạng thái của cả ngày, và nó quyết định biểu hiện của bạn trong ngày hôm đó.
Để tránh tình trạng ngày nào cũng làm việc trong sự uể oải, tôi muốn chia sẻ với các bạn một bí quyết nhỏ: mỗi ngày trước khi đi ngủ, hãy để điện thoại ở phòng khách.
Rồi sau đó trèo lên giường và suy nghĩ một cách tích cực rằng: "Hôm nay mình phải đi ngủ lúc 10h30, ngày mai 5h30 dậy, tổng cộng là 7 tiếng. Chất lượng giấc ngủ như vậy vừa hay đảm bảo được tinh thần tỉnh táo cho cả ngày."
Ngoài ra, trước khi đi ngủ, thay vì ngồi nghịch điện thoại, bạn có thể ngồi lên kế hoạch hay danh sách những việc cần học, cần làm, cần thực hiện vào ngày hôm sau.
Ngày thứ hai, bạn sẽ được đánh thức bởi mục tiêu mạnh mẽ trong lòng, nó hối thúc bạn dậy để làm cái này làm cái kia, hơn nữa, sau khi thức dậy, bạn cũng đã rõ ràng được rằng hôm nay mình phải làm những gì với một tâm thái ung dung, bình tĩnh, không vội vàng.
Mahatma Gandhi từng nói: "Tâm có tĩnh, tâm hồn mới có thể nhìn thấy con đường phía trước rõ ràng hơn, phân biệt được thiện ác, nhận thức được thật giả."
Thời gian buổi sáng là khoảng thời gian tuyệt vời nhất, đại não linh hoạt, rất thích hợp để học tập hay ngẫm nghĩ về một vấn đề nào đó. Đây đồng thời cũng là khoảng đầu tư tốt nhất kéo dãn khoảng cách giữa bạn và những người khác.
02
Tự khẳng định bản thân
Trong tâm lý học, có một nghiên cứu chỉ ra rằng: chỉ cần có cái nhìn tích cực về bản thân, tự khẳng định mình, bạn sẽ có thể cải thiện hiệu suất của chính mình.
Vậy làm sao để chúng ta có thể "cấy ghép" cho mình một mô hình tư duy tích cực về sự tự khẳng định bản thân? Bằng cách thông qua những ước mơ của mình, bạn có thể viết ra một tuyên ngôn "tự khẳng định" đầy năng lượng tích cực.
Tìm một nơi an tĩnh, lấy ra giấy và bút, dũng cảm "ảo tưởng" một chút: nếu có rất nhiều tiền và thời gian, bạn sẽ làm gì?
Thứ thực sự quan trọng với bạn là gì? Vì sao những thứ ấy lại quan trọng?
Bạn có thể tập trung nội dung của tuyên ngôn đó vào những lĩnh vực mà bạn muốn đạt được đột phá nhất, chẳng hạn như sức khỏe, trí tuệ, cảm xúc, tài chính hay các mối quan hệ giữa các cá nhân.
Nếu bạn không biết viết, hãy sử dụng những câu nói nổi tiếng để biểu đạt tiếng lòng của mình.
Chẳng hạn như tuyên ngôn của tôi là: chỉ cần bạn có một cuốn sách và một cuốn sổ làm cẩm nang du lịch, bất kì lúc nào, bạn cũng có thể trở thành một khách lữ hành ở bất kì nơi nào trên thế giới.
Ý nghĩa khích lệ của câu nói này chính là: bất kể là ở đâu, chỉ cần có sách và một cuốn sổ cẩm nang, bạn có thể tới bất kì đâu du lịch và học tập.
Vì sao tôi lại muốn điều này, bởi lẽ mục tiêu của tôi là muốn đem lại giá trị cho người khác, và sách và cẩm nang là hai thứ truyền đi những giá trị ấy.
Việc tôi cần làm đó là sau khi đọc xong một cuốn sách sẽ viết lại những cảm nhận thú vị về nó, có thể viết review, bản thảo rồi đăng lên các nền tảng xã hội khác nhau, để mọi người thấy được giá trị của cuốn sách, khích lệ tinh thần yêu đọc sách nơi mọi người.
Ngoài việc dùng văn tự, bạn cũng có thể dùng nhiều cách khác để thị giác hóa cho chúng sinh động hơn.
Bạn có thể tìm kiếm những bức ảnh liên quan tới ước mơ của mình trên các tờ tạp chí, báo hay trên mạng, cắt chúng ra rồi dán hoặc treo ở nơi dễ nhìn thấy nhất, hoặc là thành một cuốn nhật kí, hoặc làm hình nền điện thoại, mỗi ngày đều ngắm nhìn chúng. Luôn nhắc nhở bản thân rằng ngày nào đó, bạn có thể cảm nhận được cảm giác hạnh phúc khi giấc mơ thành hiện thực.
03
Diễn tập nội tâm
Có phải mỗi lần nghĩ ra một viễn cảnh gì đó bạn đều sẽ sục sôi nhiệt huyết, nhưng theo thời gian, áp lực cuộc sống lại khiến bạn bỏ dở những dự định đó?
Nghĩ ra một viễn cảnh gì đó cũng giống như gieo trồng hạt giống ước mơ ở trong lòng vậy, chỉ khi tưới nước, chăm bón mỗi ngày, hạt giống mới có thể phát triển thành cây lớn.
Vậy làm sao để suy nghĩ trở thành hành động? Bạn có thể thông qua "diễn tập nội tâm", tức là sử dụng trí tưởng tượng của mình để hình thành nên bản thiết kế hướng dẫn hành động trong cuộc sống, và đạt được sức mạnh tinh thần tích cực theo hướng kiên trì.
Một phút, 3 bước đơn giản, và bạn có thể hoàn thành quá trình hòa nhập giữa cơ thể và tinh thần.
Bước thứ nhất: Hít thở sâu
Hãy tìm một nơi khiến bạn thoải mái, ngồi thẳng lưng, nhẹ nhàng nhắm mắt, hít thở sâu, dọn sạch những suy nghĩ linh tinh ra khỏi đầu, bắt đầu tưởng tượng.
Bước hai: Tưởng tượng về tương lai
Cụ thể hóa ước mơ mà mình mong mỏi nhất. Tưởng tượng, nêm nếm từng dư vị, chi tiết của ước mơ thông qua 5 giác quan của cơ thể.
Bạn có thể xuyên không tới tương lai, xem xem bản thân mình đạt được thành công bằng cách nào, hoặc cũng có thể tưởng tượng một tương lai gần hơn, chẳng hạn như cách bạn trải qua ngày hôm nay.
Bước ba: Hiện thực hóa ước mơ
Sau khi đã xác định được thứ mà mình muốn, hãy xác định xem mình cần hoàn thành những nhiệm vụ nào, nuôi dưỡng những thói quen ra sao mới có thể thực hiện được ước mơ. Tưởng tượng bản thân mỗi ngày vì ước mơ mà tích cực hành động ra sao.
Đứng từ góc độ khoa học, không ngừng tưởng tượng ra viễn cảnh hiện thực hóa được ước mơ trong não có thể thúc đẩy quá trình tiết dopamine, cải thiện động lực của con người, và từ đó tăng khả năng đạt được mục tiêu.
Dậy sớm mỗi ngày, tôi thường ngồi vào bàn làm việc, lấy quyển sổ tay ra và đọc to nội dung của bản tuyên ngôn khẳng định bản thân, sau đó ngồi thẳng lưng, từ từ nhắm mắt lại, hít thở sâu, đầu óc trống rỗng và dành một hai phút để tưởng tượng bản thân được thư giãn, tự tin và vui vẻ hoàn thành công việc trong ngày hoặc viết thư cho chính mình của 5 tháng sau.
04
Vận động, rèn luyện cơ thể
Phần lớn mọi người đều không thích phải khổ sở thể dục thể thao mỗi ngày, trong khi ai cũng muốn có một cơ thể khỏe mạnh. Khỏe mạnh là tiền đề đầu tiên nếu muốn làm bất cứ việc gì. Lợi ích của vận động là vô cùng nhiều, nhưng bạn lại luôn muốn tìm cớ để lười biếng.
Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng tập thể dục cung cấp một kích thích có một không hai cho cơ thể và kích thích não tạo ra một môi trường tinh thần sẵn sàng cho việc học tập và làm việc.
Vì vậy để tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn, dậy sớm mỗi ngày rồi tập thể dục buổi sáng từ 3 đến 5 phút là một phần không thể thiếu, nó không chỉ giúp cải thiện năng lượng và sức lực mà còn giúp bạn khỏe mạnh và tỉnh táo đầu óc.
Trước khi một ngày mới bắt đầu, bạn không được dùng "mệt mỏi quá" như một cái cớ để tránh tập thể dục. Cách đúng là tắm rửa, uống một cốc nước đầy đủ để bổ sung nước cho cơ thể, mặc quần áo thể thao và ra ngoài tập thể dục, lâu dần bạn sẽ hình thành được cho mình thói quen tập thể dục buổi sáng.
Nếu bạn không thích chạy ngoài trời, thì bạn có thể tập thể dục tại nhà. Cách luyện tập của tôi là xem video các bài tập phù hợp trên Youtube và tập thể dục trong 10 phút.
Khi bạn tập thể dục, cơ thể sẽ thúc đẩy quá trình tiết dopamine trong cơ thể và cải thiện khả năng tập trung và trí tưởng tượng của chúng ta. Vì vậy mà tâm trí của ta sẽ trở nên rất tỉnh táo. Bạn có thể đọc sách sau khi tập thể dục để tối đa hóa tác động hiệu quả của việc tập thể dục.
05
Đọc sách
Đọc những cuốn sách chất lượng là một trong những phương pháp giúp ta trưởng thành và phát triển nhanh nhất, vốn bỏ ra ít nhưng thu lại lợi ích cực kì to lớn.
Phần lớn mọi người đều ý thức được tầm quan trọng của việc đọc sách, nhưng cũng phần lớn những người đó lại luôn lấy cái cớ là "không có thời gian" và "mệt" để khước từ việc đọc sách.
Sáng sớm là khoảng thời gian tuyệt vời để bạn giải quyết các vấn đề của mình. Hãy bắt đầu từ việc hình thành cho mình thói quen đọc sách, mỗi ngày dành ra 5 phút đọc 10 trang sách, mỗi ngày 10 trang sách sẽ không chiếm quá nhiều thời gian của bạn, nhưng nó lại tạo ra được những ảnh hưởng vô cùng to lớn.
Mỗi ngày 10 trang, một năm 3650 trang, một cuốn sách về kinh tế và quản lý thường rơi vào khoảng 200 trang, vậy thì 3650 trang tương đương với 18 quyển sách. Khi bạn đọc hết 18 quyển sách, kiến thức và sự tự tin của bạn chắc chắn sẽ có một bước nhảy vọt về chất.
Vậy làm thế nào để chắt lọc một cách hiệu quả những tinh hoa trong sách và vận dụng linh hoạt những kiến thức trong sách để giải quyết các vấn đề thực tiễn? Trước mỗi lần đọc, hãy tự hỏi bản thân tại sao bạn lại muốn đọc cuốn sách này? Giải pháp được cung cấp trong cuốn sách là gì?
Hãy ghi nhớ hai câu hỏi này trong quá trình đọc, để tìm câu trả lời, đồng thời ghi chú vào chỗ trống của sách để có thể tiếp thu hiệu quả kiến thức trong sách và dễ dàng đọc lại bất cứ lúc nào.
06
Viết lách, bắt đầu từ nhật ký
Hình thức viết yêu thích của tôi là nhật ký. Sau khi đọc sách, hãy dành 5 đến 10 phút để viết, "trích xuất" những suy nghĩ của ra khỏi tâm trí và cố gắng thăng hoa suy nghĩ của bạn.
Vậy thì sẽ viết những gì? Bạn có thể viết những gì đã xảy ra với những người và những điều bạn biết ơn ngày hôm nay, tiến bộ và những hành động cần thực hiện; bạn cũng có thể ghi lại những gì đã xảy ra và tiêu pha trong ngày, như ăn, uống và vui chơi.
"Bất kể có viết cái gì, mỗi một con chữ cũng là một hình thức chữa lành, và phương pháp chữa lành này lại hoàn toàn miễn phí."
Nếu bạn cũng giống tôi, mệt mỏi, bận rộn với nhịp sống hối hả, đánh mất đi cảm giác làm chủ cuộc sống của mình, vậy thì bắt đầu từ ngày hôm nay, chỉ cần mỗi sáng thức dậy sớm hơn một chút, làm 6 chuyện nhỏ này, để bắt đầu ngày mới với một năng lượng tích cực, vậy thì, cả ngày của bạn sẽ trôi qua vô cùng trọn vẹn.
Cuộc đời của bạn, cũng sẽ vì những thói quen nhỏ nhưng có võ đó, dần dần, dần dần, trở nên tốt đẹp hơn.
Trí Thức Trẻ