MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tạp chí Hoa Kỳ lý giải nguyên nhân cơ cấu năng lượng tái tạo Việt Nam đi từ 0 đến 10% chỉ sau 5 năm

Tạp chí Hoa Kỳ lý giải nguyên nhân cơ cấu năng lượng tái tạo Việt Nam đi từ 0 đến 10% chỉ sau 5 năm

Theo The Diplomat (Hoa Kỳ), sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào năng lượng nhập khẩu của Việt Nam đã thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại quốc gia này.

Năm 2014, công suất lắp đặt của năng lượng tái tạo phi thủy điện ở Việt Nam (ví dụ như năng lượng mặt trời, gió và khí hóa sinh khối) ở mức 109 MW, chiếm khoảng 1/3 trên tổng công suất lắp đặt 34.079 MW của cả nước. Vào thời điểm đó, cơ cấu điện của Việt Nam chủ yếu là thủy điện (46%), than đá (29%) và khí đốt tự nhiên (22%). Đến cuối năm 2019, năng lượng gió và mặt trời chiếm 5.700 MW công suất lắp đặt, khoảng 10% tổng nguồn cung.

Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm, Việt Nam đã chứng kiến năng lượng mặt trời và năng lượng gió đi từ 0 đến 10%. Điều gì đang thúc đẩy sự bùng nổ năng lượng tái tạo này?

Động lực đó chính là tốc độ tăng trưởng bùng nổ của Việt Nam. Theo phân tích Ngân hàng Phát triển châu Á, kể từ năm 2014, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt từ 6%/năm trở lên, đến năm 2018 và 2019, con số này là 76%.

Sự tăng trưởng nhanh chóng này đang thúc đẩy tốc độ tiêu thụ năng lượng đáng kể. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chứng kiến lượng năng lượng bán ra tăng từ 128,6 TWh năm 2014 lên 209,4 TWh vào năm 2019. Mức tiêu thụ điện đã tăng hơn 11% mỗi năm, tăng với tốc độ nhanh hơn đáng kể so với GDP. Điều này thúc đẩy nhu cầu đối với việc phát điện và đầu tư ngày càng nhiều hơn.

Theo The Diplomat, phụ thuộc lớn vào thủy điện trong quá khứ sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững của việc sản xuất năng lượng. Đồng thời, Việt Nam không thể cung cấp năng lượng vô thời hạn bằng thủy điện để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế.

Vậy còn than và khí tự nhiên - những nguồn sản xuất điện chính trước đó thì sao?

Tính đến năm 2015, Việt Nam trở thành nhà nhập khẩu ròng than. Trong năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu 43,7 triệu tấn than. Ngoài ra, nhập khẩu khí đốt tự nhiên và dầu thô cũng tăng mạnh kể từ năm 2014.

Điểm mấu chốt là việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước không thể đáp ứng kịp nhu cầu tiêu thụ, buộc Việt Nam phải tìm thị trường toàn cầu để đảm bảo đủ nguyên liệu cho lưới điện. Tương tự như Thái Lan, quốc gia này trước đó cũng dựa vào nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho lưới điện quốc gia.

Tuy nhiên ngay sau đó, quốc gia này đã tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam cho đến nay cũng đã áp dụng mô hình này khá chặt chẽ.

Kể từ năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó quy định giá bán điện mặt trời tại Việt Nam là 9,35 Uscents/kWh. Đây cũng chính là một trong những động lực thúc đẩy hiệu quả cho tăng trưởng ngành năng lượng tái tạo.

Bên cạnh chính sách ưu đãi, tăng trưởng trong ngành năng lượng Việt Nam còn nhờ sự hỗ trợ về thể chế và chính trị, đặc biệt từ các cơ quan phụ trách mà trong trường hợp này là EVN.

Ngoài thực tế là nhập khẩu than và khí đốt tự nhiên đang làm tăng chi phí sản xuất (không thể dễ dàng bù đắp được thông qua tỷ lệ bán lẻ cao hơn, do giá tiêu dùng điện ở Việt Nam được Chính phủ kiểm soát cẩn thận), điều này còn liên quan đến nỗ lực thúc đẩy cải cách thị trường để thu hút các nhà đầu tư.

Trên thực tế, Việt Nam sẽ cần dòng vốn lớn để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế "chóng mặt". Riêng trong lĩnh vực điện, theo báo cáo thường niên năm 2017 của EVN, ước tính lĩnh vực này cần 22 tỷ USD đầu tư vào năm 2020 để đáp ứng kịp nhu cầu trên thị trường. Như vậy, đây cũng chính là yếu tố tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.

Một mặt, nhập khẩu năng lượng đang làm tăng chi phí sản xuất cho EVN, và gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng do đặt tiện ích lên trên giá hàng hóa toàn cầu. Mặc khác, Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy mở rộng vai trò của vốn tư nhân như một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để làm được điều này, Chính phủ phải đẩy mạnh cải cách trong các lĩnh vực quan trọng mà trước đây khu vực Nhà nước quản lý.

Tốc độ gia nhập thị trường năng lượng tái tạo nhanh chóng của Việt Nam sẽ là tín hiệu tích cực cho các thị trường khác. Song, cũng cần lưu ý một thực tế khi nói đến chuyển đổi năng lượng tái tạo, cần nhìn xa hơn đối với các giải pháp kỹ thuật hoặc chính sách đơn thuần, cũng như xem xét tất cả các lực lượng chính trị và kinh tế chủ chốt của ngành.

Hà Trần/ Theo The Diplomat

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên