Tập đoàn hàng đầu Trung Quốc khảo sát dự án 'khủng' đường sắt Việt Nam, sắp tới sẽ có tín hiệu đột phá?
Chủ tịch CRCC khẳng định tập đoàn tiếp tục sẵn sàng góp phần vào sự phát triển hạ tầng của Việt Nam, trong đó có khảo sát thiết kế xây dựng đường sắt.
- 09-04-2024"Kho báu" ngành du lịch nhìn từ Phú Quốc: Liên tiếp đón các siêu tàu 5 sao, có tour mỗi khách phải trả hơn 650 triệu đồng
- 09-04-2024Hà Nội sẽ 'khơi thông' đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
- 09-04-2024Hủy gần 20 chuyến bay đến/đi từ Điện Biên
Tập đoàn hàng đầu Trung Quốc tham gia khảo sát thiết kế xây dựng đường sắt
Mới đây, ngày 8/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc hội đàm với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế. Tại buổi hội đàm, hai lãnh đạo đã trao đổi về tình hình quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm trong đó có vấn đề đường sắt.
Ông Vương Đình Huệ mong muốn hai bên phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam. Nghiên cứu hợp tác xây dựng một số dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn đoạn Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Lạng Sơn.
Về những đề xuất này, phía Trung Quốc bày tỏ đồng tình và khẳng định trọng tâm là xây dựng hạ tầng cơ sở, giao thông đường bộ, đường sắt, cửa khẩu thông minh, góp phần nâng cao hiệu suất thông quan; thúc đẩy hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, kinh tế số, kinh tế xanh, năng lượng mới, khoáng sản then chốt, 5G.
Cũng trong ngày, tại Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực giao thông, đường sắt, năng lượng.
Trong đó có ông Đới Hòa Căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC). Tại đây, Chủ tịch tập đoàn CRCC cho biết tập đoàn đang có một số dự án hạ tầng triển khai tại Việt Nam và khẳng định tập đoàn tiếp tục sẵn sàng góp phần vào sự phát triển hạ tầng của Việt Nam, trong đó có khảo sát thiết kế xây dựng đường sắt.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tuyên bố chung được xác lập năm 2023 vừa qua, hai bên đã nhất trí kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới, tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Đồng Đăng-Hà Nội, Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng. Đây là hệ thống hạ tầng quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc. Trên cơ sở đó, tập đoàn CRCC nghiên cứu, khảo sát hỗ trợ tư vấn, có các đề xuất để có thể tham gia đấu thầu các dự án thuộc lĩnh vực này.
Được biết, tập đoàn CRCC tiền thân là Quân đoàn Kỹ thuật đường sắt, là một trong những tập đoàn xây dựng tổng hợp mạnh, xếp thứ 42 trong Fortune Global 500, thứ 3 trong số 250 nhà thầu toàn cầu hàng đầu của ENR và thứ 12 trong số 500 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc vào năm 2021. Trong những năm 1960, Quân đoàn Kỹ thuật đường sắt tham gia xây dựng đường sắt giúp Việt Nam.
Tập đoàn Trung Quốc đã từng nhiều năm khảo sát tuyến đường sắt Việt Nam
Liên quan về đường sắt Việt Nam, đầu tháng 3 vừa qua, trong công văn trả lời kiến nghị cử tri, Bộ GTVT giao Ban QLDA Đường sắt lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong giai đoạn 2026-2030.
Đối với đoạn đường sắt từ Hải Phòng kết nối Hạ Long, Cái Lân (Quảng Ninh) theo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đang được Cục Đường sắt VN lập, sẽ nghiên cứu đầu tư tiếp sau khi quy hoạch được phê duyệt.
Hồi đầu năm 2024, Bộ GTVT cho biết, về đề nghị của Quảng Ninh trong việc bổ sung đoạn Hạ Long - Móng Cái vào quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Việt Nam và Trung Quốc đã có những trao đổi về tuyến đường sắt này.
Theo đó, với việc nghiên cứu lập quy hoạch tuyến đường sắt này, Bộ GTVT cho biết, năm 2023, trên cơ sở kết quả trao đổi trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đang nghiên cứu xem xét cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm Lạng Sơn - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng.
Để có những bước tiến trong các dự án xây dựng đường sắt phía Tây ở Việt Nam, Tập đoàn Viện thiết kế khảo sát số 5 đường sắt Trung Quốc (Viện 5) đã từng có 5 năm nghiên cứu, lập dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng suốt từ năm 2015.
Cụ thể, vào tháng 8/2015, sau 8 ngày thu thập các tài liệu liên quan về dự án quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Viện 5 đã có phương án thực hiện nghiên cứu khả thi của viện trợ cho dự án.
Đến năm 2016, Viện 5 đã cử đoàn chuyên gia phụ trách kinh doanh và kỹ thuật để tiến hành kiểm tra hiện trường dự án trong 1 tháng. Sau hàng loạt cuộc khảo sát và làm việc với các đại diện phía Việt Nam, sang năm 2023, hai bên đang triển khai các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ, bàn giao và tiếp nhận kết quả nghiên cứu của dự án.
Theo quy hoạch đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đường khổ tiêu chuẩn, dài khoảng 388 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km.
Dự báo năng lực vận tải dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày với tốc độ 160 km/h, loại hình dẫn kéo điện lực, sử dụng trạm đóng tự động để đảm bảo an toàn.
Dự kiến tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng. Diện tích sử dụng đất toàn dự án khoảng 1.654 ha.
Đời sống & pháp luật