Tập đoàn Trung Quốc đứng đầu thế giới về doanh thu trong 1 lĩnh vực muốn tham gia làm metro Hà Nội, TP.HCM
Lãnh đạo tập đoàn cho biết sẵn sàng tham gia xây dựng các tuyến đường sắt kết nối giữa hai nước, cũng như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM.
- 25-06-2024Thủ tướng dự Hội nghị WEF tại Trung Quốc: Loạt dự án cấp bách hàng tỷ USD nào ở Việt Nam được gọi tên?
- 25-06-20242.000 km đường sắt tại Việt Nam chưa được khai thác hiệu quả, doanh nghiệp Trung Quốc ngỏ ý giúp đỡ
- 23-06-2024Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc
Chiều 24/6, tại TP Đại Liên, trong chương trình chuyến công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tôn Vinh Khôn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên (CRRC).
Theo Báo Chính phủ, Thủ tướng đề nghị với năng lực và ưu thế của mình, CRRC nghiên cứu hợp tác với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam về sản xuất, chuyển giao công nghệ chế tạo đầu máy, toa xe, đào tạo nhân lực, hỗ trợ về nguồn vốn; bắt tay vào công việc cụ thể, tham gia xây dựng các dự án đường sắt chất lượng, hiệu quả, góp phần phát triển công nghiệp đường sắt tại Việt Nam; đồng thời hoan nghênh CRRC tham gia các dự án, lĩnh vực khác như năng lượng mới.
Về phần mình, lãnh đạo CRRC khẳng định công ty có nhiều ưu thế, năng lực nổi bật và công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đường sắt; bày tỏ mong muốn tham gia cụ thể hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, dưới chỉ đạo của Chính phủ hai nước.
CRRC rất coi trọng và sẵn sàng tham gia xây dựng các tuyến đường sắt kết nối giữa hai nước, cũng như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM; sẵn sàng cung cấp các giải pháp tổng thể, công nghệ cao, thúc đẩy nội địa hóa, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nhân lực như đề nghị của Thủ tướng để góp phần giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp đường sắt, cũng như phát triển các lĩnh vực như giao thông năng lượng mới, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.
Năm 2022: CRRC ghi nhận doanh thu 31 tỷ USD
CRRC có lịch sử phát triển lâu đời, thuộc Tập đoàn Toa xe Trung Quốc, là doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn trọng điểm của Trung Quốc.
Tại Việt Nam, công ty đã cung cấp đầu máy toa xe diesel, đầu máy toa xe cho các dự án đường sắt tiêu chuẩn, phương tiện đường sắt đô thị và cung cấp thiết bị năng lượng gió, thiết bị quang điện, đồng thời, từng bước hợp tác để thiết lập các cơ sở sản xuất nội địa hóa.
CRRC là một nhà sản xuất toa xe lửa do nhà nước Trung Quốc sở hữu và đã được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (SSE) và Hong Kong (SEHK). Theo Bloomberg, đây là nhà sản xuất toa xe lửa lớn nhất thế giới về mặt doanh thu, vượt qua các đối thủ cạnh tranh chính là Alstom và Siemens.
Công ty được thành lập vào ngày 1/6/2015 thông qua việc sáp nhập CNR và CSR. Theo báo cáo hằng năm 2022 do CRRC công bố, tổng tài sản của tập đoàn này tính đến 31/12/2022 là gần 61 tỷ USD. Doanh thu 31 tỷ USD. Lợi nhuận ròng khoảng 1,9 tỷ USD.
Trong báo cáo này, lãnh đạo công ty nêu: "Là nhà cung cấp phương tiện tàu lửa hàng đầu và đa dạng nhất thế giới với các công nghệ tiên tiến, CRRC hướng đến thị trường và lấy khách hàng làm trung tâm để tối ưu hóa cấu trúc kinh doanh".
Hiện, phạm vi kinh doanh chính của CRRC bao gồm nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất, tân trang, bán, cho thuê và dịch vụ kỹ thuật đầu máy xe lửa, MU, phương tiện đường sắt đô thị, máy móc kỹ thuật, nhiều thiết bị cơ điện, thiết bị và linh kiện điện tử, cũng như thiết bị điện tử và thiết bị bảo vệ môi trường; tư vấn thông tin; đầu tư và quản lý ngành; quản lý tài sản; kinh doanh xuất nhập khẩu.
CRRC khẳng định "luôn theo kịp những thay đổi trong thị trường vận tải đường sắt trong nước (Trung Quốc - PV) và quốc tế cũng như xu hướng phát triển công nghệ với mục tiêu trở thành nhà cung cấp giải pháp hệ thống hàng đầu thế giới cho thiết bị vận tải đường sắt".
Đời sống và Pháp luật