Tập đoàn Trung Quốc muốn bắt tay với Việt Nam ở dự án 70 tỷ USD, cạnh tranh với nhiều 'ông lớn' thế giới
Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đại diện Tập đoàn này cho biết đang theo sát các dự án giao thông quan trọng của Việt Nam.
- 26-08-2024Vì sao tập đoàn năng lượng nước ngoài huỷ kế hoạch đầu tư vào điện gió ngoài khơi tại Việt Nam?
- 21-08-2024Một tập đoàn Việt Nam sáng chế phương pháp thi công hầm đường bộ "thần tốc" ở dự án hơn 20.400 tỷ đồng
- 19-08-2024Một tập đoàn lớn ở Việt Nam nêu kiến nghị đặc biệt làm cao tốc "thần tốc", lập tức được Thủ tướng đồng ý
Tập đoàn Trung Quốc muốn tham gia đường sắt cao tốc Bắc Nam
Chiều 28/8, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tiếp xã giao ông Wang Hai Huai, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC).
Tại buổi tiếp, lãnh đạo CCCC cho biết Tập đoàn đang theo sát các dự án giao thông quan trọng của Việt Nam kết nối với những địa phương của Trung Quốc - Việt Nam, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, các tuyến Metro ở Hà Nội và TPHCM… Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng sẵn sàng thực hiện các dự án điện gió gần bờ và ngoài khơi, với những công nghệ tiên tiến nhất.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị CCCC chủ động nghiên cứu, tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng ưu tiên của Việt Nam, nhất là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến đường sắt khổ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, kết nối nền kinh tế của Việt Nam với các tỉnh của Trung Quốc và giữa Việt Nam với một số quốc gia khác.
Đây là những công trình ưu tiên và phải được triển khai càng sớm càng tốt. CCCC cần sớm tiếp cận các đối tác Việt Nam, nghiên cứu quy định pháp luật của hai bên để triển khai hợp tác hiệu quả nhất, từ thiết kế, lựa chọn công nghệ đến quản lý, vận hành, khai thác. Từ đó, mở ra giai đoạn mới về phát triển hạ tầng tại Việt Nam, cũng như mối quan hệ hợp tác giữa CCCC với các đối tác Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao chất lượng hàng đầu của các công trình, công nghệ chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo mà CCCC đã thực hiện tại Trung Quốc, và mong muốn thương hiệu này sẽ tiếp tục được khẳng định tại Việt Nam và hợp tác này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt công nghệ mới, quản trị hiệu quả hơn.
"Các công trình, dự án của CCCC thực hiện tại Việt Nam sẽ là biểu tượng cho quan hệ hợp tác Việt Nam-Trung Quốc, đồng thời mở ra cơ hội đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực khác cho Tập đoàn", Phó Thủ tướng nói.
Tiềm lực khủng của Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc
China Communications Construction Company Limited (Tập đoàn CCCC) được thành lập vào năm 2005, khi Công ty Xây dựng Cầu đường Trung Quốc (China Road and Bridge Corporation - CRBC) và Công ty Xây dựng Cảng Trung Quốc (China Harbour Engineering Company - CHEC) được hợp nhất.
Tại Trung Quốc, tập đoàn này đã có những đóng góp đáng kể vào cơ sở hạ tầng giao thông với hàng loạt công trình được công nhận là “tốt nhất” trong lịch sử xây dựng hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, tập đoàn này còn tích cực tham gia và cạnh tranh cho các dự án quốc tế, gây dựng được danh tiếng đáng kể ở Châu Á, Châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ.
Trong 10 năm qua, đơn vị này đã giành được hơn 160 giải thưởng bao gồm "Giải thưởng Quốc gia về Tiến bộ Khoa học và Kỹ thuật", "Giải thưởng Kỹ thuật Xây dựng Trung Quốc Zhantianyou", "Giải thưởng Dự án Xây dựng Trung Quốc Luban" và "Giải thưởng Chất lượng Cao Quốc gia".
Tập đoàn CCCC hiện có hơn 193 chi nhánh, văn phòng đại diện và hoạt động ở hơn 150 quốc gia, khu vực trên thế giới, với số lượng nhân viên trên toàn cầu lên đến hơn 120.000 người. Tập đoàn hiện có hơn 60 công ty con, đây đều là những công ty lớn, đóng vai trò cốt cốt, chủ lực về sức mạnh xây dựng hệ thống giao thông của Trung Quốc.
CCCC không chỉ tập trung vào xây dựng và cơ sở hạ tầng mà còn đầu tư mạnh vào đổi mới công nghệ và phát triển bền vững. Công ty đã tích cực tham gia vào việc phát triển các công nghệ xanh cũng như khởi động nhiều dự án liên quan đến năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.
Đơn vị này bắt đầu hoạt động Việt Nam từ năm 1996. Qua 30 năm, họ đã thực hiện hơn 30 dự án với tổng giá trị hợp đồng hơn 3 tỷ USD tại Việt Nam, gồm dự án cảng biển, các công trình điện gió gần bờ, các khu công nghiệp...
Nhiều "ông lớn" thế giới quan tâm tới đường sắt cao tốc Bắc Nam
Phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là tốc độ thiết kế 350km/h, dài 1.541km, đi qua 20 tỉnh thành, chủ yếu khai thác tàu khách và sẽ khai thác tàu hàng khi cần thiết.
Dự kiến, tàu hàng sẽ được khai thác vào ban đêm với tần suất 4 đêm/tuần, còn lại 3 đêm/tuần để bảo trì kết cấu hạ tầng. Tổng kinh phí đầu tư theo kịch bản này khoảng gần 70 tỷ USD.
Hàng loạt các quốc gia, tổ chức lớn trên thế giới, từ châu Á cho tới châu Âu hiện đều bày tỏ sự quan tâm vào dự án trọng điểm này ở Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha,.. Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng thế giới World Bank cũng muốn rót vốn.
Về phía Trung Quốc, không chỉ có Tập đoàn CCCC mà trước đó đã có Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC) cũng quan tâm tới dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam của Việt Nam.
Đời sống & pháp luật