Tập trung 3 động lực tăng trưởng
Lãnh đạo UBND TP HCM quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp để đạt mức tăng trưởng năm 2024 ít nhất 7,5%.
- 02-08-2024TP.HCM: Tuyến đường sắt Metro số 1 sẽ vận hành trong năm nay
- 02-08-2024Gần 10 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng
- 02-08-2024Bắc Ninh "gỡ vướng" cho các dự án BT trong lĩnh vực giao thông
Ngày 1-8, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp thường kỳ về kinh tế - xã hội trong 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2024.
Dịch vụ, công nghiệp tăng mạnh
Thay mặt UBND TP HCM báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết trong 7 tháng đầu năm 2024, các lĩnh vực kinh tế về dịch vụ, công nghiệp đều tăng mạnh.
So với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 661.000 tỉ đồng, tăng hơn 10%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 26 tỉ USD, tăng 10%; tổng thu du lịch ước đạt hơn 108.000 tỉ đồng, tăng 15,4%; khối lượng vận tải hành khách hơn 279 triệu lượt, tăng gần 21%; hơn 29.990 doanh nghiệp thành lập mới, tăng hơn 8%... Tổng thu ngân sách nhà nước trong 7 tháng đạt hơn 308.700 tỉ đồng, đạt gần 64% dự toán, tăng gần 14%.
Tại phiên họp, ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho biết các chỉ số đã chứng tỏ nền kinh tế thành phố và cả nước dù phục hồi nhưng vẫn còn khó khăn. Để đạt được mức tăng trưởng 7,5% đòi hỏi TP HCM nỗ lực lớn trong quý III và IV. Những điểm nghẽn rõ nét vẫn là tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công, khả năng hấp thụ vốn và xuất nhập khẩu còn nhiều vấn đề.
Từ những nội dung đặt ra trên, theo ông Vũ, UBND TP HCM đã có dự thảo Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm và thường xuyên trong tháng 7, tháng 8 và thời gian tới. Bảy nhóm nhiệm vụ trọng tâm dự kiến tập trung cho giải ngân vốn đầu tư công, hấp thụ vốn, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án trọng điểm; cải cách hành chính và phân cấp, ủy quyền; đẩy mạnh chi tiêu công, mở rộng thị trường; bảo vệ môi trường và tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.
"Trong 7 nhóm này, sở, ban, ngành đóng vai trò rất quan trọng" - ông Vũ nhìn nhận và cho biết Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tiếp tục ghi nhận ý kiến từ các sở, ngành, đơn vị để hoàn thiện và trình UBND thành phố ký ban hành chỉ thị.
Nhiều đầu việc quan trọng
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ của thành phố là tập trung điều hành để đạt tăng trưởng của năm 2024 ít nhất 7,5% và thu đạt chỉ tiêu ngân sách được giao.
Ông Phan Văn Mãi đề nghị thực hiện 3 nhóm động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
Về đầu tư, đầu tiên là đầu tư công. Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay thành phố đang theo dõi hằng ngày và thống kê, chỉ đạo hằng tuần. Vừa qua, 2 dự án gặp nguy cơ chậm tiến độ, khó giải ngân được trong năm là rạch Xuyên Tâm và bờ Bắc kênh Đôi và ông đã đăng ký phụ trách 2 dự án. Đến nay, 2 dự án về cơ bản bảo đảm tiến độ, từ đó cho thấy kinh nghiệm điều hành là đi vào từng dự án cụ thể, vướng mắc cụ thể, tháo gỡ cụ thể.
Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ và cam kết khối lượng giải ngân hằng tháng.
"Chúng ta còn 6 tháng, tính trung bình mỗi tháng phải giải ngân 10.000 tỉ đồng. Có thể điểm rơi của giải ngân, các dự án giải phóng mặt bằng, các dự án mới thì ở quý IV/2024 nhưng phải rà soát thật kỹ. Chúng ta phải tính toán sát sao hằng ngày, nếu không thì sẽ không giải ngân đạt được 95%" - ông Phan Văn Mãi lưu ý.
Về đầu tư nước ngoài, đối với các dự án mở rộng thì ưu tiên giải quyết, tháo gỡ để nguồn vốn "chạy", đóng góp ngay vào tăng trưởng năm nay. Các dự án mới thì vướng mắc chỗ nào phải báo cáo với tinh thần "hôm nay nhận được phản ánh thì ngày mai phản hồi, bàn và giải quyết".
Với tiêu dùng, Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị Sở Công Thương tập trung triển khai chương trình kích cầu tiêu dùng; Sở Du lịch kích cầu du lịch. Về xuất khẩu, đề nghị Sở Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp có những biện pháp hỗ trợ xuất khẩu. Sở Công Thương xác định rõ những nội dung cần hỗ trợ, có chính sách trình HĐND thành phố để tham mưu, từ đó giúp xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn.
Trong phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng lưu ý tập trung đeo bám tiến độ các đề án: tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; hoàn thiện và nộp hồ sơ 3 dự án đường Vành đai 4, đường sắt đô thị, Trung tâm Tài chính quốc tế.
Tiến độ 6 dự án trọng điểm
Liên quan tiến độ của các dự án giao thông trọng điểm, theo báo cáo của Cục Thống kê TP HCM, dự án tuyến đường sắt metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thành hơn 98% khối lượng, dự kiến đưa vào vận hành năm 2024. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng metro số 1, thành phố triển khai thêm 2 dự án lớn là tăng cường kết nối vận tải metro số 1 với 5 bãi giữ xe cá nhân dọc nhà ga với tổng diện tích gần 5.500 m2 và tổ chức mới 18 tuyến xe buýt, hệ thống taxi, xe cá nhân, xe đạp công cộng kết nối metro số 1.
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có 9/10 gói thầu xây lắp đang được triển khai thử cọc bê-tông cốt thép, gói thầu thứ 10 đang thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân.
Dự án tuyến đường sắt metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường 584/586 trường hợp. Dự án thành phần 1, thành phần 2 đường Vành đai 3 TP HCM đang được đẩy nhanh tiến độ. Hiện mặt bằng bàn giao đạt 99% và nhiều gói thầu xây lắp đã triển khai. Tương tự, tín hiệu khả quan cũng đến với dự án mở rộng Quốc lộ 50...
Người lao động