Tàu chở dầu Anh bốc cháy, Houthi nhận trách nhiệm
Lực lượng Houthi ở Yemen tuyên bố đã tấn công bằng tên lửa vào một tàu chở dầu của Anh trên Vịnh Aden, khiến con tàu bốc cháy. Đây là cuộc tấn công mới nhất mà lực lượng được Iran hậu thuẫn thực hiện nhằm vào hoạt động vận tải biển quốc tế.
Cũng trong ngày 26/1, quân đội Mỹ cho biết tàu chiến của họ đã bắn hạ một tên lửa do Houthi phóng về phía tàu.
Lực lượng của Mỹ và Anh đã tiến hành 2 đợt tấn công phối hợp vào hàng loạt mục tiêu quân sự của Houthi ở Yemen, nhằm giảm khả năng tấn công của lực lượng này vào hoạt động thương mại quan trọng ở Biển Đỏ.
Washington cũng đã thực hiện một loạt cuộc không kích đơn phương vào Houthi, nhưng lực lượng này tuyên bố sẽ tiếp tục hành động.
Yahya Saree, người phát ngôn lực lượng quân sự của Houthi cho biết, tàu chở dầu Marlin Luanda của Anh đã trúng tên lửa của lực lượng này.
“Cuộc tấn công trực diện khiến con tàu bốc cháy”, ông nói.
Hãng giám sát rủi ro Ambrey cho biết, cuộc tấn công tên lửa ở phía đông nam cảng Aden của Yemen đã khiến một tàu hàng bốc cháy, nhưng thuỷ thủ đoàn được báo cáo vẫn an toàn.
Trong vụ việc liên quan đến tàu Hải quân Mỹ, Houthi đã bắn một tên lửa đạn đạo chống hạm từ Yemen về phía tàu khu trục USS Carney ở Vịnh Aden, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho biết.
"Tên lửa đã bị tàu USS Carney bắn hạ thành công. Không có thương tích hay thiệt hại nào được báo cáo", CENTCOM cho biết.
Trước đó, một tàu chở dầu treo cờ Panama báo cáo đã nhìn thấy 2 vụ nổ ở Vịnh Aden. Cơ quan Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh xác nhận thông tin này.
Houthi bắt đầu tấn công tàu hàng di chuyển trên Biển Đỏ từ tháng 11 năm ngoái, tuyên bố để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine ở Dải Gaza.
Sau đó, Houthi tuyên bố các lợi ích của Mỹ và Anh là mục tiêu chính đáng của họ.
Ngoài các cuộc tấn công vào Houthi, Mỹ đang dẫn dắt một liên minh quốc tế để bảo vệ hoạt động vận tải trên Biển Đỏ.
Washington cũng tìm cách gây áp lực ngoại giao và tài chính với Houthi và đưa tổ chức này trở lại danh sách khủng bố.
Các cuộc tấn công của Houthi gây gián đoạn hoạt động thương mại ở Biển Đỏ, nơi chiếm khoảng 12% lưu lượng vận tải biển quốc tế.
Một số công ty vận tải biển đã chuyển hướng khỏi Biển Đỏ, chọn tuyến đường dài hơn và tốn kém hơn qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.
Tiền Phong