MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tech Wire Asia: Kỹ sư công nghệ Việt Nam lọt vào 'mắt xanh' của Google Cloud

Tech Wire Asia: Kỹ sư công nghệ Việt Nam lọt vào 'mắt xanh' của Google Cloud

"Việt Nam là nơi có ​​sự phát triển đáng kinh ngạc của các tài năng trong lĩnh vực công nghệ số, rất nhiều kỹ sư công nghệ người Việt có chứng chỉ chuyên môn. Vì vậy, đây là một thị trường phát triển tuyệt vời cho Google Cloud", đại diện Google Cloud khẳng định.

Theo Google, khu vực Đông Nam Á thời điểm hiện tại đang chứng kiến một "bước nhảy vọt" trong việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt với ngành giáo dục và công nghệ y tế. Quy mô nền kinh tế số khu vực này dự báo sẽ tăng gấp 3 lần, ước tính khoảng 300 triệu USD vào năm 2025.

Báo cáo "eConomy SEA 2020" của Google, Temasek Singapore và Bain & Company đã tập trung phân tích vào 6 nền kinh tế lớn của khu vực Đông Nam Á, bao gồm: Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines. Chỉ tính riêng năm 2020, lượng người truy cập Internet ở 6 quốc gia này đã tăng thêm 40 triệu người. Kết quả, trong khoảng từ 2015 – 2020, tổng số người sử dụng Internet đã tăng từ 250 triệu người lên ngưỡng 400 triệu người, chiếm 70% trên tổng số 580 triệu người ở khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, vào năm 2021, quy mô nền kinh tế số của Đông Nam Á lần đầu tiên đạt ngưỡng 100 tỷ USD. Nếu xu hướng này tiếp tục giữ ổn định thì quy mô nền kinh tế số dự báo sẽ tăng gấp 3 lần, ước tính khoảng 300 triệu USD vào năm 2025.

"Đây là một thị trường vô cùng tiềm năng. Nhu cầu sử dụng công nghệ số ngày một gia tăng ở các quốc gia Đông Nam Á đã góp một phần không nhỏ vào quá trình tăng trưởng và phát triển nền kinh tế số. Cụ thể, việc sử dụng các nền tảng trực tuyến như thương mại điện tử, giao hàng, và truyền thông đã tăng mạnh trong năm 2020. Những gì xảy ra trong hơn một năm qua là một minh chứng đáng kinh ngạc cho mức độ số hóa ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á", Giám đốc điều hành của Google Cloud khu vực Đông Nam Á, bà Ruma Balasubramanian nhấn mạnh.

Dữ liệu đám mây trở thành nền tảng cốt lõi trong quá trình đổi mới công nghệ. Theo Trung tâm Dữ liệu Thế giới (IDC), các khoản chi tiêu cho các dịch vụ đám mây công cộng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng hơn 38%, đạt mức 36,4 tỷ USD vào năm 2020. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của dịch vụ đám mây (IaaS) là yếu tố chính góp phần vào sự tăng trưởng này, chiếm khoảng 48% tổng chi tiêu cho dịch vụ đám mây vào năm 2020.

Giám đốc điều hành Google Cloud Ruma nói thêm: "Nhu cầu của các dịch vụ đám mây và kỹ thuật số trên toàn khu vực Đông Nam Á đã ghi nhận mức tăng trưởng tương đối tích cực. Các doanh nghiệp thực sự quan tâm đến việc tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Nhưng đây chỉ là một khía cạnh của toàn bộ quá trình phát triển của nền kinh tế số."

Ấn tượng hơn nữa là cách mà các doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á gia tăng việc số hóa các công nghệ đám mây. Bà Ruma nhận xét, quá trình số hóa này đang gia tăng theo cấp số nhân ở các doanh nghiệp bất kể quy mô to hay nhỏ trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ y tế (HealthTech) và công nghệ giáo dục (EdTech) đã đóng một vai trò quan trọng cho quá trình phát triển nền kinh tế số. Mặc dù vậy, những lĩnh vực này vẫn còn tương đối non trẻ và còn phải đối mặt với vô vàn thách thức trước khi có thể được thương mại hóa ở quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, nếu như đẩy mạnh khả năng áp dụng công nghệ, kết hợp với nguồn vốn đầu tư tăng nhanh sẽ góp phần thúc đẩy sự đổi mới cho ngành y tế và giáo dục trong tương lai.

Giám đốc điều hành Google Cloud Ruma kết luận, ​​chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng về số lượng các chuyên viên kỹ thuật số trong thời điểm rất nhiều khoản đầu tư đang rót vào khu vực Đông Nam Á. "Google Cloud chỉ tuyển dụng các kỹ sư công nghệ có trình độ cao, được các chứng chỉ công nhận. Việt Nam là nơi có ​​sự phát triển đáng kinh ngạc của các tài năng trong lĩnh vực công nghệ số, rất nhiều kỹ sư công nghệ người Việt có chứng chỉ chuyên môn. Vì vậy, đây là một thị trường phát triển tuyệt vời cho Google Cloud".

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên