MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Telehealth và cuộc cách mạng về khám chữa bệnh trong ngành y tế

Khi hệ thống Telehealth ngày càng được ứng dụng rộng rãi vào việc khám chữa bệnh, khoảng cách địa lý giữa bệnh nhân vùng sâu, vùng xa và bệnh viện tuyến trung ương dần bị xóa nhòa; việc đào tạo chuyên môn giữa bác sĩ tuyến dưới và chuyên gia đầu ngành đã tìm thấy lời giải hiệu quả.

Bước ngoặt của khám chữa bệnh từ xa với Viettel Telehealth

Sự chênh lệch về trình độ khám chữa bệnh giữa tuyến trên và tuyến dưới là bài toán khó của ngành y tế Việt Nam. Bệnh viện tuyến trên luôn rơi vào tình trạng quá tải, còn bác sĩ ở địa phương ngày càng không có cơ hội phát triển nghề nghiệp vì thiếu bệnh nhân, đặc biệt là ít kinh nghiệm đối phó với các ca bệnh khó.

Trong khi đó, nhiều trường hợp cần cấp cứu tối khẩn, thời gian với người bệnh là vàng. Việc di chuyển có thể khiến họ gặp nguy hiểm, thậm chí tử vong khi chưa được các bác sĩ tuyến trên điều trị. Giải pháp cho những khó khăn này là phải có công cụ để hỗ trợ các bác sĩ tuyến dưới nâng cao trình độ, mạnh dạn thuyết phục bệnh nhân ở lại tuyến dưới điều trị. Khi làm được điều đó, bệnh viện tuyến trên sẽ giảm được tình trạng quá tải và giúp các chuyên gia có thêm thời gian nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới, phác đồ điệu trị tiên tiến nhất của thế giới.

Telehealth và cuộc cách mạng về khám chữa bệnh trong ngành y tế - Ảnh 1.

Với Telehealth, các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức hội chẩn để tư vấn một ca phẫu thuật với hệ thống kỹ thuật 3D - công nghệ mới nhất trong phẫu thuật nội soi.


Trên thực tế, giải pháp tư vấn, chẩn đoán khám chữa bệnh từ xa đã được ngành y tế triển khai từ 15 năm trước bắt đầu với Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức – 1 trong những bệnh viện hạng đặc biệt ở Việt Nam, nhưng chưa được đẩy mạnh.Trong khi đó, từ 5 năm trước, khi bắt đầu chiến lược “đưa công nghệ thông tin tới mọi ngõ ngách của cuộc sống”, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã nghiên cứu và phát triển Telehealth – giải pháp công nghệ về y tế cho phép hỗ trợ hội chẩn, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc triển khai Viettel Telehealth tại các bệnh viện vẫn còn dè dặt bởi thời gian dài trước đó việc áp dụng các giải pháp khác chưa đem lại hiệu quả cao.

Bước ngoặt đến với khám chữa bệnh từ xa nói chung và Viettel Telehealth nói riêng chính là sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Đó là một tình huống mà ngành y tế phải chọn một giải pháp hiệu quả nhất cho chẩn đoán, tư vấn khám chữa bệnh từ xa để có thể phục vụ bệnh nhân trong đại dịch. Kết quả là Bộ Y tế đã phối hợp cùng Tập đoàn Viettel triển khai công nghệ Telehealth mà tập đoàn này đã nghiên cứu và phát triển từ nhiều năm trước.

Bắt đầu với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chỉ sau hơn 5 tháng, Viettel Telehealth đã kết nối được hơn 1.100 điểm cầu, trong đó có 4 bệnh viện hạng đặc biệt, 27 bệnh viện tuyến trên trong toàn quốc. Đây là một con số mà khi triển khai Telehealth, các nước phát triển cũng phải mất nhiều năm. Hơn 1.100 điểm mà Viettel Telehealth kết nối đã tới được các bệnh viện ở những nơi xa nhất, hẻo lánh nhất như Mường Nhé, Côn Đảo, Cô Tô… Hệ thống này cũng giúp các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cùng chẩn đoán ca bệnh khó với các chuyên gia y tế hàng đầu ở Mỹ (Trung tâm ECHO).

Trong buổi họp báo chuẩn bị cho cho lễ khánh thành kết nối 1.000 cơ sở khám chữa bệnh từ xa, lãnh đạo của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến trung ương đều khẳng định Telehealth sẽ là giải pháp quan trọng cho việc giúp ngành y tế ở Việt Nam phát triển đồng bộ. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh, cũng cho biết: “Các bệnh viện tuyến dưới còn rất nhiều khó khăn, họ rất mong được học, được gặp các giáo sư ở bệnh viện lớn”.

Telehealth và cuộc cách mạng về khám chữa bệnh trong ngành y tế - Ảnh 2.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh, trong thời gian tới, chi phí công nghệ thông tin cũng sẽ được tính vào phí điều trị khi người bệnh sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa.

Ông cũng cho biết, việc xây dựng được số lượng điểm cầu rất lớn trong thời gian ngắn khi dịch Covid-19 đang bùng phát ở Việt Nam thể hiện vai trò rất to lớn của Viettel, đây là tập đoàn công nghệ thông tin có rất nhiều kinh nghiệm. Vị cục trưởng nhấn mạnh, trong tương lai tất cả các công ty có khả năng đều có thể tham gia vào việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh từ xa. Bệnh viện sẽ lựa chọn đơn vị cung cấp tốt nhất để sử dụng nên không có vấn đề độc quyền.

Ngoài ra, trong thời gian tới, chi phí công nghệ thông tin cũng sẽ được tính vào phí điều trị khi người bệnh sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa.

Những “bài toán cần lời giải” để Telehealth phát triển

Là đơn vị đầu tiên triển khai hệ thống Telehealth, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết sau 4 tháng, cơ sở y tế này đã tổ chức được hơn 40 cuộc hội chẩn với khoảng 300 bệnh nhân được khám chữa bệnh từ xa.

“Đây là giai đoạn 1 đề án - giai đoạn khám chữa bệnh trực tuyến để nâng cao hiểu biết của các bác sĩ tuyến dưới. Ở giai đoạn 2, chúng tôi sẽ mở các phòng khám ở bệnh viện địa phương có kết nối với các bác sĩ tại bệnh viện. Giai đoạn 3 là khám trực tiếp tại gia đình bệnh nhân với dụng cụ khám chữa bệnh từ xa”, ông nói.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng khẳng định để Telehealth có thể duy trì và giúp ngành y tế phát triển đồng bộ, ngành y tế cần quyết liệt tháo gỡ nhiều vấn đề. “Chúng ta chưa sửa đổi được Luật khám chữa bệnh nên việc ký đơn thuốc từ xa đang bị vướng mắc. Ví dụ, chúng tôi và các bác sĩ ở Bệnh viện 199 (Lào) đang cùng hội chẩn và điều trị cho một bệnh nhân. Như vậy, đơn thuốc đưa ra ai sẽ ký? Hiện tại, bác sĩ ở Bệnh viện 199 vẫn ký và phải chịu trách nhiệm. Điều đó khiến vai trò của bác sĩ ở bệnh viện hạt nhân giảm đi vì họ không phải chịu trách nhiệm cùng”, ông Hiếu lấy ví dụ.

Vì vậy, bên cạnh hành lang pháp lý về việc chi trả phí điều trị khi người bệnh được tư vấn, khám chữa từ xa, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay chính là cần sửa đổi Luật khám chữa bệnh.

Telehealth và cuộc cách mạng về khám chữa bệnh trong ngành y tế - Ảnh 3.
Bên cạnh hành lang pháp lý về việc chi trả phí điều trị khi người bệnh được tư vấn, khám chữa từ xa, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay chính là cần sửa đổi Luật khám chữa bệnh.

TS.BS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhận định: “Khám chữa bệnh từ xa là hình thức tương đối mới mẻ. Vì vậy, đề án này dù tốt đến đâu cũng cần phải có nền tảng về pháp lý, công nghệ và tài chính. Hiện tại, ngành y tế mới triển khai thí điểm, nhiều khâu cần được chuẩn hóa để trở thành hoạt động thường quy”.

Trước đây, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai việc tư vấn, khám chữa bệnh từ xa và nhận thấy rằng đây là mô hình hiệu quả. Vì vậy, khi xây dựng Telehealth, ban giám đốc bệnh viện có cách tân để tăng tính hiệu quả của hệ thống này.

Với mỗi ca bệnh được hội chẩn trực tuyến, các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai sẽ hệ thống lại, tìm ra những điểm yếu của cơ sở y tế tuyến dưới. Từ đó, bệnh viện tổ chức các buổi tập huấn, giảng dạy online.

“Nếu cho con cá, bạn chỉ nuôi người ta được một ngày. Nếu dạy đánh cá, bạn có thể nuôi sống người ta cả đời. Với tâm niệm này, mỗi ca bệnh, chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc tư vấn, hội chẩn từ xa mà còn muốn chuyển giao kiến thức ở tuyến trên xuống tuyến dưới. Như vậy, kết quả khi sử dụng Telehealth sẽ tăng lên rất nhiều”, TS.BS Hùng nhận định.

Theo Nguyễn Hoàng

Sức khỏe đời sống

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên