MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TGĐ NIJI Group Lê Nguyễn Nhật Linh "Tư duy của chủ doanh nghiệp rất quan trọng"

22-01-2024 - 20:30 PM | Doanh nghiệp giới thiệu

TGĐ NIJI Group Lê Nguyễn Nhật Linh "Tư duy của chủ doanh nghiệp rất quan trọng"

Một thời đại kinh doanh truyền thống đã qua, một thời đại kinh doanh công thức mới đang đến, các mô hình kinh doanh cũ sẽ khó tồn tại vì không còn hiệu quả trong thời đại số. Tổng Giám đốc NIJI Group Lê Nguyễn Nhật Linh đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Chào Nhật Linh, trước khi là chủ doanh nghiệp, bạn là một người hoạt động lâu năm với chuyên môn tư vấn chiến lược thương hiệu cho các doanh nghiệp, bạn có thể chia sẻ về tư duy thương hiệu của mình?

Tôi luôn nói với những đối tác, khách hàng doanh nghiệp và cả nhân sự của công ty mình là: Đừng làm thương hiệu bằng tiền, hãy làm thương hiệu bằng trái tim. Nếu nghĩ xây dựng thương hiệu chỉ là bỏ tiền ra để tăng độ phủ, thì hãy linh hoạt các chiến lược tiếp cận khách hàng để tăng độ chạm. Đây là chiến thuật đường hướng nước bước: đi rộng hay đi sâu?

Bạn có thể nói rõ hơn về chiến thuật đi rộng hay đi sâu? Chiến thuật đó có liên quan gì đến định vị thương hiệu cho doanh nghiệp, nhãn hàng trong giai đoạn kinh tế suy thoái toàn cầu hiện nay hay không?

Khi tôi còn làm nghề chính là tư vấn doanh nghiệp, khách hàng của tôi phần lớn là các anh chị chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng, nhiều anh chị kinh doanh rất thâm niên kinh nghiệm và thành tựu tích luỹ, nhưng suy nghĩ của họ về khái niệm thương hiệu và giá trị thương hiệu vẫn khá đơn điệu. Họ chỉ nghĩ bỏ tiền ra làm quảng cáo, sao cho càng nhiều người biết đến mình là được, là sẽ có và sẽ giữ được thương hiệu, phát triển được thương hiệu. Điều đó đúng, nhưng chắc chắn chưa đủ. Từ biết, đến tin, đến trải nghiệm, đến yêu, đến tiếp tục giới thiệu là một vòng tròn mà doanh nghiệp, nhãn hàng rất khó sở hữu trong hành trình tìm kiếm, tiếp cận và chinh phục khách hàng. Ai cũng tha thiết về vòng tròn đó cả.

Vậy quay trở lại "đi rộng" hay "đi sâu", xin đặt ngược một câu hỏi! Bạn muốn nhiều người biết đến mình nhưng không quan tâm và sự nhận biết đó bị hoà tan pha loãng dù bạn rất mất thời gian và tốn tiền cho việc này, hay là bạn muốn có một nhóm người biết đến, yêu quý, cảm mến, đồng hành, tin cậy, và tiếp tục lan toả về thương hiệu? Từ đây độ phủ mới bắt đầu? Bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn định vị thương hiệu: một điểm nhấn, một sự gim lại, một thói quen, một sự tìm kiếm chủ động của khách hàng. Nhưng kinh tế suy thoái, ai còn tiền để liên tục ném qua cửa sổ? Nếu chỉ tư duy theo lối mòn đã cũ?

Vậy theo Nhật Linh làm cách nào để doanh nghiệp vừa có thể tối ưu chi phí, tích hợp cách thức mà vẫn xây dựng được thương hiệu ở thị trường cạnh tranh tàn khốc trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ? 

Theo quan điểm của tôi, đầu tiên phải ý thức được giá trị thương hiệu. Các luxury brand trên thế giới, họ quá giỏi trong nghệ thuật marketing cảm xúc. Họ phân tầng giữa "hàng hiệu" và "hàng thường", hàng thường mua cũng được, không thì đợi sale, thậm chí không có cũng chẳng sao, nhưng hàng hiệu là một giấc mơ, một khát vọng, một biểu tượng cuộc sống, một kế hoạch cần quyết tâm chinh phục, một cuộc rượt đuổi về giá cả, một cuộc đua tìm kiếm săn lùng mẫu mã… và còn vô vàn…

Vậy, thời đại số - một thời đại mà doanh nghiệp sở hữu quá nhiều công cụ trong tay để tìm thấy khách hàng, chinh phục họ, chạm thấu đến họ, lắng nghe họ, giải quyết các nhu cầu của họ… Tất cả là thuận lợi chứ không phải thách thức. Công cụ nhiều hơn, truyền thông đa kênh, nội dung sáng tạo đa nền tảng, thì chi phí sẽ tối ưu hơn bởi vì tiết kiệm được thời gian. Kể những câu chuyện hấp dẫn hơn, sáng tạo hơn về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ mới là thách thức. Và nắm giữ chìa khoá quan trọng của xây dựng thương hiệu là "cảm xúc".

Về tư duy chiến lược cho doanh nghiệp, theo Nhật Linh còn tư duy gì khác mà một chủ doanh nghiệp cần lưu ý?

Theo tôi, có tư duy vượt ngưỡng và tư duy đảo ngược khá quan trọng. Tư duy vượt ngưỡng hay còn gọi là tư duy đột phá, luôn tìm kiếm phương pháp tốt hơn, cải tiến hơn nữa, luôn phá vỡ giới hạn, vẫn chưa phải giới hạn cuối cùng, vẫn chưa dừng lại ở mục tiêu này, tiếp tục tiến lên, tiếp tục đi qua khó khăn…

Còn tư duy đảo ngược trong kinh doanh hay đầu tư, chính là đi ngược lại đám đông, khi sự lo lắng ngập tràn, hãy tìm cơ trong nguy, khi thị trường bán ra, hãy cân nhắc điểm mua vào, khi khách hàng mong muốn A, hãy tiếp tục tìm thêm B, C để gợi ý cho họ. Đừng tìm cách chỉ bán hàng, hãy tìm giá trị gia tăng để trao cho khách hàng và giữ chân họ lâu hơn bằng những kết nối thiện chí. Khi ai cũng nói về kinh tế khó khăn, hãy chuẩn bị cho những sản phẩm có tiềm năng bật lên lúc kinh tế đã phá băng để xây dựng nền móng từ bây giờ, từ lúc không ai ngờ tới. Khi ai cũng coi những người làm cùng ngành là đối thủ, hãy nghĩ rằng không có đối thủ, chỉ có con đường và nhiều người cùng đi trên con đường đó thôi. Đó là tư duy ngược!

Cảm ơn Nhật Linh!

Chúc bạn thành công hơn nữa!

Lê Nguyễn Nhật Linh

Nhà thiết kế kim hoàn của nhiều ngôi sao quốc tế và tỷ phú thế giới.

Nhà sáng lập và Tổng Giám đốc NIJI Group - doanh nghiệp đầu tư đa ngành, trong đó có lĩnh vực thiết kế chế tác kim hoàn, nhập khẩu và phân phối độc quyền chính hãng các thương hiệu của Nhật Bản như: rượu mơ thượng hạng Nakata since 1897, trà Rikuyen Kyoto since 1626, sản phẩm NMN Elite 45000 của tập đoàn dược phẩm Monomaru Japan since 1990…

Ánh Dương

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên