TGDĐ khẳng định không bị lộ email và thẻ thanh toán của khách hàng, vậy dữ liệu hacker đang có là từ đâu ra?
Các thông tin mà hacker công bố là lấy được nếu không phải từ hệ thống của TGDĐ thì là từ đâu?
- 09-11-2018Vào đây để kiểm tra xem bạn có phải là nạn nhân của vụ rò rỉ thông tin hacker khẳng định lấy từ TGDĐ hay không
- 09-11-2018Lộ thông tin khách hàng, chẳng ai chịu!
- 09-11-2018Vụ lộ thông tin thẻ thanh toán bị nghi là của Thế Giới Di Động đang được xác minh
Vụ việc hacker tuyên bố tấn công Thế giới di động và đánh cắp thông tin của 5 triệu khách hàng đang trở nên ngày càng phức tạp hơn.
Không chỉ đưa ra danh sách địa chỉ email và thông tin giao dịch, hacker này còn tiếp tục tiết lộ thông tin thẻ thanh toán nội địa/quốc tế, nghi là của khách hàng đã từng thanh toán tại TGDĐ.
Hiện tại, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, cơ quan này đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp làm việc với Thế giới Di động, vụ việc vẫn đang được xác minh, chưa có kết quả cuối cùng.
Trong khi đó, đại diện TGDĐ cũng đã đưa ra thông cáo chính thức và phủ nhận việc bị hack. Ông Đặng Thành Phong - Trưởng phòng Truyền thông của Thế Giới Di Động cho biết: "1. Chúng tôi đã nhận được thông tin phản ánh và đã kiểm tra, tất cả các thông tin được lan truyền đều là giả. 2. Hệ thống của chúng tôi vẫn an toàn, hoạt động bình thường và không hề bị ảnh hưởng".
Vậy nguồn thông tin mà hacker đã tiết lộ là từ đâu ra? Đây chắc chắn là câu hỏi mà rất nhiều người đang thắc mắc. Dựa vào một vài chi tiết có thể phát hiện thấy trong các thông tin này, chúng ta có thể dự đoán được một vài khả năng.
Đầu tiên là việc 5.4 triệu địa chỉ email khách hàng và 61.000 địa chỉ email nội bộ mà hacker đã tiết lộ
Danh sách này không chỉ bao gồm nhân viên nội bộ và các khách hàng đã từng giao dịch tại TGDĐ, mà còn có cả những người chưa từng mua hàng tại đây, email của các công ty và doanh nghiệp khác, thậm chí email của hệ thống trả lời tự động (dạng noreply) cũng có trong danh sách này.
5.4 triệu địa chỉ email khách hàng bị tiết lộ.
Do đó, danh sách 5.4 triệu địa chỉ email khách hàng này rất có thể đã được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Đó có thể bao gồm danh sách email marketing mà dễ dàng có được trong các hội nhóm quảng cáo. Mục đích là nhằm tăng mức độ nghiêm trọng của sự việc.
Tuy nhiên trong đó cũng có danh sách email nội bộ của TGDĐ, nhằm tăng tính xác thực và độ tin cậy cho các dữ liệu này. Hệ thống của Thế Giới Di Động có thể không có kẽ hở về bảo mật, nhưng thông tin vẫn có thể bị rò rỉ ra theo nhiều cách khác.
Về việc hacker tiết lộ lịch sử giao dịch và thẻ thanh toán của khách hàng TGDĐ, với đầy đủ số thẻ
Đầu tiên là việc TGDĐ không lưu các thông tin về thẻ thanh toán của khách hàng trong hệ thống của mình. Ông Đặng Thành Phong cho biết các thông tin này được mã hóa và gửi trực tiếp tới ngân hàng (khi cà thẻ qua máy POS) hoặc cổng thanh toán (khi thanh toán trực tuyến).
Số thẻ thanh toán của khách hàng bị tiết lộ, nhưng không bao gồm các thông tin khác như ngày hết hạn và mã CVV.
Do đó việc hacker tấn công vào hệ thống TGDĐ và đánh cắp các thông tin thẻ thanh toán nội địa/quốc tế của khách hàng là rất khó có thể xảy ra.
Giải thích về việc địa chỉ thanh toán tại Thế giới Di động hay Điện máy Xanh xuất hiện trong lịch sử giao dịch bị tiết lộ, ông Phong cho biết chưa chắc những thanh toán trên ở tại đơn vị này và có thể được gán ghép.
Lịch sử giao dịch tại địa chỉ các cửa hàng TGDĐ và Điện máy xanh.
Theo chia sẻ của chuyên gia Phạm Văn Toàn, người đứng đầu bộ phận bảo mật của SeaGroup, Singapore với Zing: “Vẫn chưa thể kết luận dữ liệu mà hacker công bố là thật hay giả. Có rất nhiều trường hợp xảy ra, chẳng hạn như Thế Giới Di Động bị tấn công trong lúc mua dữ liệu từ một bên khác hoặc toàn bộ dữ liệu kia hacker kiếm từ một nguồn nào khác rồi vu vạ cho chuỗi bán lẻ này”.
Có khả năng các thông tin thẻ thanh toán trên đã được hacker lấy được từ một nguồn khác, mà không phải của TGDĐ, kết hợp với lịch sử giao dịch và gán ghép địa chỉ thanh toán tại cửa hàng Thế giới di động hoặc Điện máy xanh.
Tuy nhiên để biết nguồn gốc thực sự của các dữ liệu mà hacker trong vụ TGDĐ này có được là từ đâu, liệu rằng đây là các dữ liệu lấy được từ hệ thống TGDĐ hay giả mạo, chúng ta sẽ phải đợi kết quả điều tra cuối cùng của Cục An toàn thông tin. Chắc chắn phải xác minh được thông tin bị lộ từ đâu để có thể bảo vệ được an toàn của những người có tên trong "danh sách đen" này.
Trí thức trẻ