MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thạc sĩ đi làm lao công, thanh niên gần 30 tuổi vẫn sống dựa vào gia đình chờ thi công chức: Quả bom hẹn giờ đe dọa “phép màu kinh tế” châu Á

28-05-2023 - 19:44 PM | Tài chính quốc tế

Thanh niên Ấn Độ, quốc gia vừa vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, thực sự phải lao vào những cuộc chiến để giành gật cơ hội có một công việc tốt.

Thạc sĩ đi làm lao công, thanh niên gần 30 tuổi vẫn sống dựa vào gia đình chờ thi công chức: Quả bom hẹn giờ đe dọa “phép màu kinh tế” châu Á - Ảnh 1.

Hiện thực phũ phàng

Sunil Kumar hiểu rất rõ việc phải chăm chỉ và nỗ lực hết mình để chạm tay vào giấc mơ. Chàng trai 28 tuổi tới từ bang Haryana của Ấn Độ có 2 tấm bằng cử nhân và thạc sĩ đồng thời đang học thêm tấm bằng thứ 3. Cậu làm tất cả những việc đó với mơ ước tìm được một công việc tốt tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

“Tôi học với ước mơ thành công trong cuộc sống. Khi bạn chăm chỉ, bạn sẽ có thể kiếm được một công việc”, Kumar chia sẻ.

Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết. Hiện tại, chàng trai này đang có việc làm nhưng đó là một công việc trái ngành, trái nghề và chắc chắn không phải công việc cậu mong ước.

Thạc sĩ đi làm lao công, thanh niên gần 30 tuổi vẫn sống dựa vào gia đình chờ thi công chức: Quả bom hẹn giờ đe dọa “phép màu kinh tế” châu Á - Ảnh 2.

Suốt 5 năm qua, chàng trai 28 tuổi làm công việc quét dọn các tầng bên trong một trường học của làng. Đó là công việc chính của Kumar. Ngoài ra, cậu còn dạy kèm cho trẻ con hàng xóm để kiếm thêm khoảng 85 USD/tháng.

Đây rõ ràng là một số tiền ít ỏi, nhất là khi chàng thạc sĩ 28 tuổi này còn phải hỗ trợ cha mẹ già và một em gái. Tuy nhiên, đó là tất cả những gì Kumar có được. Cậu nghĩ sẽ tuyệt vời khi trở thành giáo viên như đúng chuyên môn. Nhưng thực tế, Kumar vẫn đang phải lao động chân tay để có thể nuôi sống bản thân mình.

Trớ trêu thay, những cử nhân, thạc sĩ đi lao động chân tay lại không phải điều gì bất thường ở Ấn Độ. Hàng triệu thanh niên ở nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đang phải đối mặt với nghịch cảnh này khi tình trạng thất nghiệp đang tăng mạnh. Điều này chẳng khác gì một cơn gió ngược với quốc gia được mô tả là “con cưng mới” của nền kinh tế thế giới vào thời điểm nó được dự báo sẽ thực sự cất cánh.

Từ kỳ tích đến nỗi lo thường trực

Ấn Độ gần đây đã vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, hứa hẹn một động lực mới đầy trẻ trung cho kinh tế toàn cầu trong bối cảnh dân số Trung Quốc bắt đầu giảm và già đi. Dù dân số gần như tương đương nhưng không giống như Trung Quốc, lực lượng lao động của Ấn Độ đông đảo, đang phát triển và dự đoán có thể chạm ngưỡng 1 tỷ người trong thập kỷ tới. Bản thân Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng phải gọi Ấn Độ là “phép màu kinh tế”.

Tuy nhiên, đối với những thanh niên Ấn Độ như Kumar, phép màu này có vị rất đắng cay: Quá ít nhiệc làm nhưng lại nhiều cạnh tranh. “Tôi rất tức giận khi mình chẳng có một công việc tử tế đúng với trình độ và học vấn của mình”, Kumar kể.

Thạc sĩ đi làm lao công, thanh niên gần 30 tuổi vẫn sống dựa vào gia đình chờ thi công chức: Quả bom hẹn giờ đe dọa “phép màu kinh tế” châu Á - Ảnh 3.

Trái ngược với Trung Quốc, nơi các nhà kinh tế lo ngại không còn đủ người lao động để làm việc trong bối cảnh số người già ngày càng tăng, Ấn Độ phải đối mặt với mối lo ngại không có đủ việc làm cho lượng người lao động ngày một nhiều.

Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE) – một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Mumbai, trong khi những người dưới 25 tuổi chiếm hơn 40% dân số Ấn Độ thì gần một nửa trong số này không có việc làm tính đến tháng 12/2022.

Một số nhà phân tích đã mô tả tình hình ở Ấn Độ giống như “quả bom hẹn giờ” đồng thời cảnh báo nguy cơ bất ổn xã hội trừ khi quốc gia này có thể tạo nhiều việc làm hơn nữa. Tin xấu là mọi thứ dường như mới chỉ bắt đầu. Khi dân số tăng lên, sự cạnh tranh trong lĩnh vực việc làm sẽ tiếp tục gay gắt hơn nữa.

Kaushik Basu, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell và là cựu cố vấn kinh tế trưởng của chính phủ Ấn Độ, mô tả tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên nước này là “cao một cách đáng kinh ngạc”. “Tình trạng này từng lên chậm trong khoảng 15 năm nhưng tăng mạnh trong 7-8 năm vừa qua. Nếu thanh niên không có đủ việc làm thì sự phình to trong nhân khẩu học lại trở thành thách thức và vấn đề lớn với Ấn Độ”, ông Basu nói.

Sự cạnh tranh ở khắp mọi nơi

Các nhà kinh tế tin rằng Ấn Độ có nhiều lựa chọn khác nhau để giải quyết các vấn đề nhân khẩu học này, trong đó phát triển các ngành sản xuất thâm dụng lao động. Tuy nhiên, những thay đổi tầm vĩ mô sẽ không ngay lập tức giúp ích được nhiều cho những người đang gặp khó khăn ở thời điểm hiện tại. Và mọi người phải tự thân vận động để đảm bảo tương lai cho chính mình.

Nữ sinh Megha Kumari, 17 tuổi, đã phải rời quê hương Dumka ở bang Jharkhand ở phía đông để theo học tại Học viện Vibrant ở Kota, một thành phố ở bang Rajasthan phía bắc, cách đó hơn 1.300 km. Học viện là một trong số hàng trăm trung tâm luyện thi đại học kiểu như vậy, nơi các học sinh đánh đổi để theo học nhằm thi đỗ các trường tốt.

Thạc sĩ đi làm lao công, thanh niên gần 30 tuổi vẫn sống dựa vào gia đình chờ thi công chức: Quả bom hẹn giờ đe dọa “phép màu kinh tế” châu Á - Ảnh 4.

Sarang Agrawal, 28 tuổi (ở giữa) tiếp tục nuôi tham vọng trở thành công chức ở Ấn Độ.

Tuy nhiên, đó không chỉ là nỗ lực. Ở quốc gia mà mức lương trung bình vào khoảng 225 USD/tháng, học phí một năm tại các viện này có thể lên tới gần 2.000 USD. Kumari cho biết sống một mình, xa gia đình và phải vượt qua mọi thứ là điều rất khó khăn. Tuy nhiên, số người lựa chọn con đường như Kumari ngày một nhiều.

Ngay cả với những người đã đỗ đại học và có bằng cấp, tìm việc vẫn là một thách thức mới. Nhiều người lựa chọn các kỳ thi tuyển công chức nhưng đây có lẽ là sự cạnh tranh khủng khiếp với tỷ lệ 1 chọi 100. Thậm chí, sự cạnh tranh gay gắt tới mức có cả một ngành công nghiệp được hình thành để giúp mọi người tăng cơ hội chạm tay chiếc vé vàng của cuộc đời.

Sarang Agrawal, 28 tuổi, là một trong số đó. Anh đã thi công chức 4 lần nhưng không thành công. Theo đuổi giấc mơ khiến gia đình anh phỉ chi tới 3.000 USD/năm cho học tập, ăn uống và nhà ở. “Gia có thể mua 3-4 chiếc ô tô với số tiền đã chi cho tôi”, Agrawal nói trong chua xót.

Tham khảo: CNN

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên