MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thạc sĩ tài chính ĐH Kinh tế TP.HCM: Ngưỡng 1 tỷ bây giờ không đủ để "định giá" về sức làm giàu của Gen Z nữa

05-03-2022 - 09:23 AM | Doanh nghiệp

Bùi Văn Huy là Quán quân tuần 1 Chủ đề "Tôi đã kiếm 1 tỷ đầu tiên như thế nào?" trong khuôn khổ cuộc thi Làm giàu tuổi 20. Câu chuyện của Văn Huy nói lên sự thật rằng hành trình làm giàu lắm thăng trầm, điều quan trọng nhất là cách ta điều chỉnh phương hướng sao cho phù hợp.

Kiếm được 1 tỷ đầu tiên dễ dàng năm 23 tuổi bằng việc nhập khẩu điều khô và đầu tư chứng khoán rồi lại mất hết vào năm 25 tuổi cũng vì chứng khoán, đó là câu chuyện của Bùi Văn Huy (SN 1991). Đương nhiên, hành trình làm giàu của Huy không dừng ở năm 25 tuổi ấy, sai lầm và biến cố đã trở thành hành trang quý giá giúp Huy vững chân hơn trong những năm tháng sau này, để rồi những "1 tỷ" tiếp theo nối nhau mà đến.

Những chia sẻ chi tiết, thể hiện tư duy đầu tư mạch lạc này đã giúp Huy trở thành người chiến thắng tuần 1 Chủ đề số 1 "Tôi đã kiếm 1 tỷ đầu tiên như thế nào?" nằm trong khuôn khổ cuộc thi Làm giàu tuổi 20 . Đọc thêm về bài thi của Huy tại đây .

Tìm đến Huy để biết thêm về câu chuyện kiếm tiền, bạn sẽ càng cảm thấy ấn tượng hơn. Không màu mè, không lý thuyết suông, bạn sẽ tìm thấy bóng dáng những người trẻ điển hình trong Huy nhưng đồng thời cũng không thể không trầm trồ trước những thành tích Huy đạt được. Hay như chính lời Huy nhắc đi nhắc lại, rằng ở thế hệ của Huy, các bạn bè trong nghề, có rất nhiều câu chuyện ly kỳ hơn nhiều còn câu chuyện của Huy là một câu chuyện có lẽ không hề hiếm gặp…

 Thạc sĩ tài chính ĐH Kinh tế TP.HCM: Ngưỡng 1 tỷ bây giờ không đủ để định giá về sức làm giàu của Gen Z nữa - Ảnh 1.

Bùi Văn Huy

Sinh năm 1991

Thạc sĩ tài chính

Giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH), ĐH Kinh tế Luật (UEL)

Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Ở thời đầu, những ai chưa biết còn coi chứng khoán là… cờ bạc

Giới thiệu bản thân bằng 1 câu có 3 chữ tiền, bạn sẽ nói như thế nào?

Mình là Bùi Văn Huy. Nghề nghiệp của mình là quản lý tài sản (tiền) cho khách hàng. Có lẽ giống như rất nhiều người, mình quý trọng và cho rằng tiền rất quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, cá nhân mình nghĩ kiếm được bao nhiêu tiền là hệ quả tất yếu khi bạn đam mê, khát khao làm tốt nhất công việc của mình. Với mình tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng là niềm đam mê bất tận.

Bạn bắt đầu ý thức được việc kiếm tiền, làm giàu từ lúc nào? Cầm đồng tiền do chính mình kiếm được trên tay - bạn nghĩ về ai đầu tiên?

Như mình có đề cập, mình tập tành chơi chứng khoán, Forex từ hồi năm 2, năm 3 nhưng chủ yếu để cho biết. Mình ý thức được việc kiếm tiền và dần quyết tâm theo đuổi con đường hiện tại là khi vào chuyên ngành tài chính doanh nghiệp ở trường đại học. Khi đó nhiều thầy cô đã cho mình biết đam mê lớn nhất của mình là gì và mình luôn theo đuổi niềm đam mê với thị trường từ khi đó.

Sau đó, vào năm cuối đại học khi đi thực tập sớm tại phòng nghiên cứu của công ty. Xung quanh mình, các anh chị cả người nước ngoài lẫn trong nước, ai cũng đều là chuyên gia, rất chuyên nghiệp và mình ngưỡng mộ nhiều người trong số họ. Rất may mình được nhận sớm vào công ty khi chưa ra trường và bắt đầu tích lũy, kiếm tiền từ lúc đó.

Khi kiếm được những đồng tiền đầu tiên, tất nhiên người mình nghĩ đến đầu tiên là gia đình. Gia đình thích mình cố gắng đi theo con đường làm bác sĩ, và việc bắt đầu kiếm được tiền là cách mình làm cho gia đình an tâm hơn rất nhiều. Bạn tưởng tượng mà xem lúc đó ít người biết đến chứng khoán lắm và theo nghiệp chứng khoán, gia đình mình cũng lo lắng không ít, hồi đó nhiều người chưa hiểu và đơn giản xem chứng khoán là cờ bạc (thật đấy).

 Thạc sĩ tài chính ĐH Kinh tế TP.HCM: Ngưỡng 1 tỷ bây giờ không đủ để định giá về sức làm giàu của Gen Z nữa - Ảnh 3.

Lúc đó hoặc đến bây giờ, mình cũng vẫn nghĩ đến các thầy cô ở trường đại học, những người đã cho mình những kiến thức quý báu. Đến bây giờ, mình vẫn liên lạc với nhiều thầy cô và cộng tác thực hiện nhiều công việc khác nhau.

Cái khó của việc làm giàu tuổi 20 là gì?

Theo mình, cái khó là không rõ phương hướng. Nhiều bạn ở tuổi 20 chưa tìm được điều mình đam mê, nhiều bạn bè của mình hiện 30 cũng loay hoay với câu trả lời niềm đam mê thực sự là gì.

Nếu rõ niềm đam mê của bản thân rồi thì việc bắt đầu từ đâu lại là một câu hỏi khó. Thực sự ở tuổi 20, mình không thể nghĩ những điều mà mình hiện tại đang nghĩ, tuổi 20 thiếu va vấp, trải nghiệm. Do đó nếu mình được sống lại tuổi 20, mình sẽ cố gắng dấn thân thật sớm để có nhiều kinh nghiệm thực tế.

Bài học kiếm tiền quan trọng nhất là phải quản trị rủi ro thật kĩ, biết sửa và nhận sai

Theo bạn, hành trình từ 0 đồng đến có 1 tỷ khó hơn hay từ 1 tỷ đến 5-10 tỷ khó hơn?

Tất nhiên là 0 đồng lên 1 tỷ khó hơn chứ. Bởi lẽ bắt đầu mọi thứ từ con số 0 sẽ khó khăn hơn. Ở độ tuổi còn trẻ, khi kiếm được tiền rồi, chúng ta còn phải đối mặt với một yếu tố nữa là vấn đề quản trị tài chính. Bằng chứng là mình và bạn bè cùng thế hệ, có nhiều người kiếm được rất nhanh số tiền lớn đầu tiên rồi cũng để mất rất nhanh. Cảm giác vào đời rồi kiếm được tiền nó có sức cám dỗ ghê gớm lắm, làm sao vẫn là mình, giữ lối sống, con người mình tại những thời điểm tuổi 20 đó là cảm giác ai rồi cũng sẽ trải qua.

Còn mình hiện tại làm nghề quản lý tiền cho khách hàng, mình thấy 1 tỷ lên 5 tỷ, hay 5 tỷ lên 10 tỷ đều có những cái khó riêng, nhưng nó không khó như từ số 0 đi lên. Lúc đó bạn phải quản trị tài chính và nhất là quản trị bản thân mình như mình đã nói ở trên.

Bạn đã Làm giàu tuổi 20 như thế nào, kể coi!

Bước 1: Chia sẻ câu chuyện về chủ đề "Tôi đã kiếm 1 tỷ đầu tiên như thế nào?" dưới hình thức bài viết hoặc video.

Bước 2: Đăng tải bài thi lên trang cá nhân ở chế độ công khai kèm hashtag #LamGiauTuoi20 #CafeF #Kenh14 hoặc gửi về cho BTC qua email lamgiautuoi20@vccorp.vn hoặc fanpage Kenh14.vn CafeF .

Warren Buffett có câu: "Nếu không tìm cách kiếm tiền trong lúc ngủ, bạn sẽ phải làm việc tới khi chết", bản thân bạn đã làm được thứ gọi là kiếm tiền ngay cả trong lúc ngủ rồi chứ?

Hiện tại mình cũng đầu tư nhiều kênh khác nhau, nhưng chắc còn xa mới đạt đến sự tự do tài chính. Nhưng mình ngủ ít lắm, sau này nếu tự do tài chính có lẽ mình vẫn sẽ ngủ ít thôi, vì mình tự thấy mình nghiện công việc. (cười)

Nếu không phải thất bại trong đầu tư và bị mất tiền, thì thất bại gì hay mất mát gì trong cuộc sống khiến bạn đau khổ hơn cả?

Tài chính, chứng khoán là nghề khắc nghiệt. Gần đây khi thị trường tốt, mình thấy truyền thông hơi tô hồng nghề này nhưng thực tế không phải vậy, nhất là khi thị trường xuống.

 Thạc sĩ tài chính ĐH Kinh tế TP.HCM: Ngưỡng 1 tỷ bây giờ không đủ để định giá về sức làm giàu của Gen Z nữa - Ảnh 5.

Mình đã có những sai lầm, nhận định sai và khiến khách hàng (là những người bạn của mình) chịu tổn thất. Mình đã mất đi một số mối quan hệ thân thiết vì điều đó. Đó là động lực để mình hoàn thiện bản thân mỗi ngày, tạo thêm giá trị cho khách hàng. Bây giờ mình tin là khả năng tư vấn chứng khoán của mình chắc cũng trên trung bình rồi.

Sau khi có được 1 tỷ, bạn từng rơi vào tình cảnh âm tài khoản vì sự hiếu thắng tuổi trẻ. Điều gì đã giúp bạn vượt qua cột mốc khó khăn này? Và bài học lớn nhất bạn rút ra được từ đây là gì?

Sau khi tài khoản mình giảm rất nhiều từ đỉnh, mình lại trải qua biến cố lớn đó là bất ngờ phát hiện mình bị bệnh tim và phải mổ phẫu thuật. Nỗi sợ lớn nhất của mình khi đó không phải là sợ có bất trắc gì mà là cảm giác sợ khi đang hừng hực tuổi trẻ và phải dừng lại tất cả đột ngột. Tất nhiên gia đình, người thân bạn bè… ở bên mình lúc đó và là động lực lớn để mình vượt qua 3 tháng khó khăn, 3 tháng rời công việc và thị trường. Mình nhớ lúc đó mình bị tràn dịch sau phẫu thuật và phải truyền máu khá nhiều, các anh em ở công ty sẵn sàng tư thế vào viện hiến máu trực tiếp cho mình.

Sau những biến cố đó, bài học mình rút ra là cần phải quản trị rủi ro thật kỹ, biết sửa và nhận sai. Đó là điều mình luôn đặt lên hàng đầu trong những ngày tháng tiếp theo. Mình cũng học được cách biết ơn cuộc sống và những người đồng hành với mình.

 Thạc sĩ tài chính ĐH Kinh tế TP.HCM: Ngưỡng 1 tỷ bây giờ không đủ để định giá về sức làm giàu của Gen Z nữa - Ảnh 6.

Ngưỡng 1 tỷ phải nâng lên mới đủ làm thử thách cho Gen Z hiện tại

Cảm xúc của bạn khi biết mình giành giải trong tuần đầu tiên của Làm giàu tuổi 20 là như thế nào?

Thật sự mình rất bất ngờ. Vì mình viết không hay, các bạn đọc sẽ thấy ít nhiều sự lủng củng. Mình thực sự tham gia để góp vui và làm phong phú hơn những câu chuyện của chương trình thôi. (cười)

Động lực nào khiến bạn quyết định tham gia cuộc thi Làm giàu tuổi 20 ?

Để nói về động lực tham gia chương trình này thì mình có thể kể ra đó là:

Đầu tiên, mình luôn xem tuổi 20 là tuổi đẹp nhất và tạo cho mình rất nhiều năng lượng. Mình rất thích làm việc với các bạn trẻ, khi có thời gian rảnh mình hay xin các thầy cô về giảng 1 môn nào đó cũng vì muốn tiếp xúc với các bạn trẻ. Việc gì trong khả năng mà có thể làm cho các bạn trẻ trước giờ mình đều làm hết sức. Mình tham gia cuộc thi này hy vọng câu chuyện của mình có thể truyền một chút cảm hứng, một chút thôi cũng được đến ai đó tình cờ đọc được bài của mình.

Thứ hai, mình muốn viết để các bạn trẻ có thể đâu đó biết được một câu chuyện thật khi theo con đường chứng khoán, không hoàn toàn màu hồng, có trắc trở nhưng thú vị. Mình khẳng định ở thế hệ mình, các bạn bè trong nghề, có rất nhiều câu chuyện ly kỳ hơn nhiều. Câu chuyện của mình là một câu chuyện có lẽ không hiếm gặp trong chứng khoán. Mình viết cho các anh em lười viết, lười kể câu chuyện của bản thân mình (nói vui).

Thứ ba, mình là 9X đời đầu đang bước vào những năm đầu của tuổi 30. Có thể nói mình vừa trải qua chặng 10 năm đầu đời và hiện tại thế hệ bọn mình cũng đứng trước nhiều sự lựa chọn, nhiều quyết định, nhiều hướng đi cho 10 năm kế tiếp. Điều này cũng giống như những gì các anh chị 7X, 8X đã từng trải qua. Trước những dự định đó, mình cũng hay ngẫm lại những gì mình đã làm hồi còn trẻ để có thêm năng lượng. Thế là mình viết ra câu chuyện của mình.

Bạn đánh giá thế nào về sức làm giàu của bạn trẻ hiện tại với những người thuộc thế hệ của bạn và trước bạn?

Mình thích và được làm việc với nhiều bạn trẻ lắm, từ các bạn trong công ty đến các bạn sinh viên. Mình thấy các bạn hiện tại năng động và tài năng hơn thế hệ bọn mình rất nhiều.

Hiện tại với sự phát triển của xã hội, của công nghệ, các bạn cũng được tiếp xúc với nhiều kênh đầu tư cũng như nhiều mô hình kinh doanh mới. Tính đột phá và lan tỏa của các bạn cao hơn thế hệ của mình rất nhiều và nhiều bạn thành công rất sớm đã minh chứng rõ ràng điều đó.

Phải nâng độ khó, ngưỡng 1 tỷ phải được nâng lên mới đủ làm thử thách của các bạn thế hệ Z bây giờ (mà cũng là bù trượt giá nữa chứ, haha).

 Thạc sĩ tài chính ĐH Kinh tế TP.HCM: Ngưỡng 1 tỷ bây giờ không đủ để định giá về sức làm giàu của Gen Z nữa - Ảnh 7.

Bạn nhìn nhận thế nào về tầm quan trọng của cuộc thi này đến với ý thức làm giàu, kiếm tiền của bạn trẻ?

Mình thấy ý tưởng của chương trình rất hay. Nếu chương trình lan tỏa và tạo động lực cho các bạn trẻ sớm dấn thân, có ý thức tự lập, làm giàu thì là một điều rất tốt. Với sức trẻ, các bạn sẽ làm được nhiều điều, đóng góp được nhiều. Mình tham gia chương trình này cũng với mong muốn đóng góp một phần sức lực cho điều đó mà.

"Tôi đã kiếm 1 tỷ đầu tiên như thế nào?", bạn đã trả lời được câu hỏi này chưa - hay vẫn còn đang trong quá trình tìm kiếm "kịch bản" riêng cho mình? Đó cũng chính là chủ đề 1 của Làm giàu tuổi 20 - cuộc thi sáng tạo nội dung đầu tiên khai thác về chủ đề Tài chính Giới trẻ.

Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn lên trang cá nhân ở chế độ công khai kèm hashtag #LamGiauTuoi20 #CafeF #Kenh14 hoặc gửi bài dự thi về BTC qua: email lamgiautuoi20@vccorp.vn hoặc fanpage Kenh14.vnCafeF . Chủ đề "Tôi đã kiếm 1 tỷ đầu tiên như thế nào?" sẽ diễn ra từ 17/2/2022 đến 9/3/2022 với nhiều giải thưởng hấp dẫn:

Giải nhất: Kỷ niệm chương và 20.000.000 VND

Giải Yêu thích do độc giả chọn: Kỷ niệm chương và 2.000.000 VND

Giải yêu thích do BGK lựa chọn: Kỷ niệm chương và 3.000.000 VND

Các bài dự thi chất lượng sẽ được đăng tải trên 2 trang tin CafeF và Kenh14.vn.

Cuộc thi Làm giàu tuổi 20 được đầu tư thực hiện, phối hợp tổ chức bởi Kenh14.vn, CafeF cùng sự góp mặt đặc biệt bởi các khách mời là Chuyên gia tài chính uy tín, những người có tầm ảnh hưởng và đam mê về lĩnh vực tài chính. Mọi thông tin chi tiết xem tại đây .

 Thạc sĩ tài chính ĐH Kinh tế TP.HCM: Ngưỡng 1 tỷ bây giờ không đủ để định giá về sức làm giàu của Gen Z nữa - Ảnh 9.
https://kenh14.vn/thac-si-tai-chinh-dh-kinh-te-tphcm-nguong-1-ty-bay-gio-khong-du-de-dinh-gia-ve-suc-lam-giau-cua-gen-z-nua-20220304213149792.chn

Theo YINGIE - DESIGN: THỦY TIÊN

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên