MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thách thức gì cho cuộc chơi mới của các doanh nghiệp sữa Việt như TH True Milk ở thị trường 1,4 tỷ dân?

"Trung Quốc mở cửa cho chúng ta nhưng làm thế nào để xuyên thủng hàng rào kỹ thuật của họ mới là vấn đề, không phải cứ cửa mở là vào được", ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH nói với Trí Thức Trẻ.

Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khoẻ cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vừa được Chính phủ hai nước Việt – Trung ký kết gần đây đã mở ra cơ hội cho sữa Việt được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường 1,4 tỷ dân.

"Sữa là mặt hàng trước đây không nằm trong danh mục hàng hoá nhập khẩu vào Trung Quốc, thậm chí khi vào WTO họ cũng loại bỏ mặt hàng này ra", ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho biết. Do vậy, ông tỏ rõ sự vui mừng trước diễn biến mới đây.

Việc đáp ứng được phần nào đó cho thị trường rộng lớn như Trung Quốc, theo ông Hải, sẽ kích thích cả ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam phát triển mạnh.

Cánh cửa vào thị trường 1,4 triệu dân bước đầu đã mở, nhưng không phải bất cứ doanh nghiệp nào trong ngành sữa Việt cũng có thể "lách qua".

"Không dễ gì để Trung Quốc mở cửa thị trường, mà mở rồi chưa chắc vào được. Họ có những hàng rào kỹ thuật buộc chúng ta phải tìm cách xuyên thủng", ông Hải nhấn mạnh.

Theo đó, các doanh nghiệp sữa phải đảm bảo được hai yêu cầu quan trọng gồm duy trì chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm và đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ. Hai yếu tố này là tiên quyết, theo đại diện Tập đoàn TH, để doanh nghiệp thực sự tấn công được thị trường đông dân bậc nhất thế giới này.

Với 1,4 tỷ dân và thu nhập bình quân 10.000 USD, Trung Quốc là thị trường khổng lồ với sức mua cao. Riêng thị trường sữa có giá trị ước tính khoảng 30 tỷ đôla USD mỗi năm.

Báo cáo của World&Research cho biết trong năm 2017, mức tiêu thụ của các sản phẩm sữa ở Trung Quốc đạt khoảng 31,79 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) khoảng 2,7% từ năm 2013 đến 2017. Tuy nhiên sản lượng sản phẩm sữa ở Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ CAGR chỉ 2,1% trong cùng kỳ.

Nguyên nhân chính, theo báo cáo là do chi phí sản xuất sữa trong nước cao hơn mức trung bình toàn cầu và sự thiếu niềm tin của người dân vào các sản phẩm sữa trong nước vì các sự cố an toàn.

Những sự cố về an toàn này đã khiến Trung Quốc dựng lên những hàng rào khắt khe về yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm. Những quy định về sản xuất sữa, các bài kiểm tra an toàn, hệ thống pháp luật quản lý chất lượng của nước này được xem là chặt chẽ hàng đầu thế giới. 

Để hoàn tất việc đàm phán Nghị định thư vừa qua, Trung Quốc đã nhiều lần cử các đoàn thanh kiểm tra đến các đơn vị sản xuất sữa của Việt Nam để đánh giá về năng lực quản lý, giám sát, chẩn đoàn dịch bệnh... 

Năm 2018, số liệu Hải quan Trung Quốc này cho biết khối lượng nhập khẩu các sản phẩm sữa (bao gồm sữa bột, sữa nước, phomai...) tại Trung Quốc đạt 2,74 triệu tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ; giá trị nhập khẩu đạt 10,65 tỷ USD, tăng 14,80% so với cùng kỳ trong đó sữa bột chiếm gần 70%. Nhu cầu về sữa của Trung Quốc được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tiếp theo.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên