Thách thức nhân lực cho cách mạng 4.0
Xu hướng mới đòi hỏi sự thay đổi trong phương pháp đào tạo và hợp tác chặt chẽ hơn giữa nhà trường - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp.
Cùng với việc phân tích cơ hội và thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (gọi tắt là cách mạng 4.0), vấn đề nguồn nhân lực cho sự phát triển trong kỷ nguyên số cũng đang được quan tâm. Rất nhiều cảnh báo xung quanh việc Việt Nam sẽ bị tụt lại phía sau nếu như không đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế.
Rất khó tuyển dụng
Tại một số diễn đàn, hội thảo về cách mạng 4.0 và nguồn nhân lực gần đây, một số doanh nghiệp (DN) phàn nàn đang gặp khó khăn trong khâu tuyển dụng hoặc lao động được tuyển vào không đáp ứng được yêu cầu công việc mà phải qua đào tạo, tập huấn tại DN. Theo phân tích của Ban Kinh tế Trung ương về điểm nghẽn của nhân sự Việt Nam, đào tạo đang cao hơn sản xuất, kỹ sư, cử nhân trình độ cao khó có việc làm; lao động phổ thông cũng không đáp ứng được.
Một buổi sinh hoạt các doanh nghiệp và bạn trẻ khởi nghiệp tại Không gian Sáng tạo và Khởi nghiệp TP HCM (Shihub)
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Điều hành Không gian Sáng tạo và Khởi nghiệp TP HCM - Shihub, cho rằng một trong những đặc thù của cách mạng 4.0 là kết nối và chia sẻ dữ liệu. Lẽ ra, trường ĐH phải dạy kỹ sư khả năng tích hợp được nhiều kiến thức bằng phương pháp STEM (tức trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) thì trong 350 trường ĐH ở Việt Nam, chỉ có 12 trường có được nhóm giảng viên được trang bị kiến thức giảng dạy bằng phương pháp STEM. Nghĩa là giảng viên dạy môn cơ khí phải tích hợp được môn tự động hóa, điện tử, công nghệ thông tin vào để kỹ sư cơ khí ra trường có thể thiết kế được tủ lạnh có thể truyền dữ liệu.
"Đào tạo tại Việt Nam trước đây thiên về hàn lâm, đi vào chuyên sâu nhưng càng chuyên sâu càng khó thích nghi, chuyển đổi và tích hợp nên giờ cần phải xem xét lại. Xu hướng tạo ra các ngành mới rất nhanh và triệt tiêu các ngành hiện tại cũng nhanh không kém đã đặt ra quan điểm về đào tạo mới: liên tục, mở và mang tính khai phóng. Xu hướng này yêu cầu đào tạo giảng viên trong trường ĐH, phương pháp giảng dạy… phải thay đổi" - ông Tước nói.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu, khó kỳ vọng sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay, bởi không có trường ĐH nào có thể đào tạo theo kịp được phát triển hiện nay. Đào tạo ĐH chỉ mang tính chất căn bản, cách tư duy và cách thức hòa nhập vào môi trường, DN mới là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho mình và cho xã hội.
"Rất nhiều quản lý công ty tôi lấy lý do nhân sự không tuyển và đào tạo được người khiến các bộ phận không hoàn thành nhiệm vụ. Nói như vậy là sai vì bộ phận nhân sự chỉ đào tạo kỹ năng mềm, trường ĐH đào tạo kỹ năng căn bản, còn quản lý mới là người đào tạo nhân viên mình tốt nhất. Quản lý từng bộ phận phải ý thức rất nhiều trong đào tạo nhân viên của mình chứ đừng trông chờ ai khác hay công ty nào khác đào tạo sẵn cho mình sử dụng" - ông Tuấn nói.
Cần sự kết hợp 3 "nhà"
TP HCM có 74 trường ĐH và CĐ, trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường lao động 130.000-150.000 cử nhân, kỹ sư mới. các DN nước ngoài đánh giá rất cao lợi thế cạnh tranh về vốn lao động giá rẻ và hạ tầng giá rẻ của TP HCM. Khoảng 10 năm nay, các trường ĐH, CĐ ở TP HCM có cơ hội đưa giảng viên ra nước ngoài đào tạo, hấp thu được khoa học công nghệ của cả thế giới. Nhưng vấn đề là làm sao những kiến thức đó đến được DN, cụ thể hóa thành sản phẩm thương mại?
Theo ông Huỳnh Kim Tước, cần tạo ra cơ chế giảng dạy linh hoạt, giáo trình giảng dạy linh hoạt để các giảng viên cập nhật kiến thức mới vào giảng dạy. Bên cạnh đó, làm sao thay đổi tư duy của nhà khoa học từ tư duy nghiên cứu sang tư duy thị trường.
"Các thầy nghiên cứu ra 1 vấn đề thường chọn hướng đăng ký công trình khoa học chứ không đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích và phát triển thương mại hóa sản phẩm. Chúng tôi nhận thấy các nhà khoa học ngại rủi ro khi làm việc với DN, vậy nên Shihub đứng ra làm cầu nối cho họ và DN. Dự kiến, Shihub sẽ đầu tư cho 50-100 nhà khoa học nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ; sau đó đưa họ xuống DN để tạo ra thị trường. Trước mắt, chúng tôi có 5 cặp liên kết như vậy gồm 1 cặp liên kết về IT, dựa trên nền tảng hợp tác với một công ty IT của Canada ở TP HCM, một cặp hợp tác với ĐH Khoa học Tự nhiên về hóa dược, đưa thầy cô trường này đi học một số công nghệ chiết xuất mới… cố gắng từng bước nhỏ để hình thành thói quen trong tương lai" - ông Tước cho biết.
Để liên kết thành công, ông Trần Anh Tuấn cho rằng các bên phải thấy được sự cần thiết của việc liên kết ấy. Hiện tại, chủ yếu DN có nhu cầu gắn kết với nhà trường - nhà khoa học, còn nhà trường, nhất là các trường công lập, chỉ tập trung công tác đào tạo chứ chưa mặn mà hợp tác với DN. "Các trường ĐH ở nước ngoài có trung tâm về đổi mới sáng tạo gắn rất chặt với DN. Nhờ những trung tâm đó, sinh viên được học tập ở môi trường rất thật; các DN liên kết với các trường để tìm nguồn nhân lực tương lai. Hoạt động của trung tâm đổi mới sáng tạo ở trường phải thiết thực và đi cùng với nhịp thở cuộc sống chứ không phải là môi trường dạy và học mà phải gắn rất chặt với môi trường kinh doanh" - ông Tuấn nói thêm.
Ý KIẾN
Ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG, Chủ tịch Hội DN Cơ khí Điện TP HCM, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh:
Đào tạo sinh viên tại DN
Cuộc cách mạng 4.0 là đỉnh cao của tự động hóa, đòi hỏi DN phải tiếp cận sản xuất thông minh, chính xác hơn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong thời gian ngắn nhất với chất lượng theo yêu cầu khách hàng nên đặt ra cho DN rất nhiều thách thức. Đặc thù của ngành cơ khí điện tử là lao động ngành cơ khí có thể làm việc được trong rất nhiều ngành nên tình trạng "chảy máu" lao động diễn ra thường xuyên, đòi hỏi các DN rất nỗ lực tìm các giải pháp giữ chân người lao động vừa đào tạo bổ sung nguồn lao động bị mất đi.
Một trong những giải pháp để giữ cho DN không thiếu hụt lao động là đào tạo, bổ sung nguồn lao động làm được việc. Công ty chúng tôi và một số công ty trong Hội DN Cơ khí Điện TP HCM đang tích cực hợp tác với các trường trong chương trình đào tạo nguồn nhân lực, tiếp nhận sinh viên thực tập ngắn hạn và dài hạn. Riêng công ty tôi đang hợp tác với trường nghề xây dựng chương trình hợp tác đào tạo tại DN: sinh viên đến DN không chỉ để thực tập mà học lý thuyết về phương pháp làm việc, thực hành tại DN, bảo đảm khi ra trường có thể làm việc ngay, DN không phải đào tạo lại. Việc hợp tác đào tạo này vừa giúp chính DN mình hạn chế mất nguồn lực vừa làm công tác xã hội.
Ông TRẦN ANH TUẤN, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu:
Tạo hệ sinh thái đối tác
Từ trước đến nay, nguồn nhân lực chất lượng cao luôn thiếu thì trong kỷ nguyên số càng thiếu hơn. Chúng tôi giải quyết bài toán nhân lực bằng cách tập trung vào đào tạo, các chính sách thu hút nguồn nhân lực và phối hợp với các hãng khác để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo ra cộng đồng, hệ sinh thái đối tác. Việt Nam đang có phong trào quốc gia khởi nghiệp (start-up), khuyến khích khởi nghiệp nhưng thực trạng chung là đa phần các bạn start-up có một chút ý tưởng kinh doanh và dừng lại ở đó; thiếu rất nhiều kinh nghiệm trong điều hành, quản trị DN, quản trị tài chính và lập kế hoạch, phát triển thị trường nên nếu không có sự giúp sức của các nhà đầu tư thiên thần hoặc những cố vấn tốt thì đến 99% là thất bại.
Ông HUỲNH KIM TƯỚC, Giám đốc Điều hành Không gian Sáng tạo và Khởi nghiệp TP HCM - Shihub:
Giải quyết bài toán dài hạn
Việc chuẩn bị con người luôn là câu chuyện mang tính dài hạn. Shihub vừa giải quyết bài toán dài hạn vừa phải giải quyết bài toán tức thời. Dài hạn là chúng tôi được TP giao đưa kiến thức STEM vào từ bậc học phổ thông. Tham vọng của chúng tôi là sau 5 năm sẽ phổ cập chương trình giáo dục kiến thức STEM ở các trường phổ thông trên địa bàn TP.
Chúng tôi cũng đang làm chương trình đào tạo kinh doanh hiện đại cho các bạn start-up, gọi là tái ươm tạo DN vừa và nhỏ và các hộ gia đình. Năm 2016-2017 chúng tôi tập trung nhiều cho start-up, các nhóm DN.
PHƯƠNG AN ghi
Người lao động