MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thạch tín hữu cơ Bộ Y tế không cấm, sao lại khảo sát chất này trong nước mắm gây hoang mang người dùng?

Trong 6 loại kim loại nặng trong thực phẩm quy định trong Quy chuẩn Việt Nam, không hiểu sao Vinastas chỉ chọn 1 loại Thạch tín. Quy chuẩn chỉ áp dụng với Thạch tín vô cơ, không hiểu sao Vinastas lại chọn kiểm định Thạch tín hữu cơ – chất vốn rất phổ biến trong nước mắm và không có căn cứ chứng minh gây hại cho sức khỏe…

Mới đây, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam ( Vinastas ) công bố một kết quả khảo sát cho thấy: Có tới 67% mẫu nước mắm Việt Nam vượt xa ngưỡng quy định trong Quy chuẩn Việt Nam.

Theo lập luận của Vinastas: Quy chuẩn Việt Nam QCVN 8-2:2011/BYT quy định, hàm lượng Arsen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/l.

Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm Arsen tổng cho thấy có đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định của quy chuẩn Việt Nam này.

Trước kết quả trên, TS. Trần Thị Dung, nguyên là chuyên gia ngành công nghiệp chế biến và bảo quản thủy sản thuộc Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Thủy sản – người cả đời đi theo vấn đề nước mắm, vô cùng bức xúc.

Bà đưa ra một loạt chất vấn và muốn đối chất với lãnh đạo cao nhất của Vinastas trước công bố khiến “cả thiên hạ giật mình” này.

Một là, quy chuẩn nước mắm Việt Nam không hề có chỉ tiêu Thạch tín, tại sao Vinastas lại chọn Thạch tín làm 1 trong 5 chỉ tiêu khảo sát?

Hai là, Quy chuẩn Việt Nam QCVN 8-2:2011/BYT chỉ quy định hàm lượng của Arsen vô cơ – chất cực độc, tại sao khảo sát lại đưa Arsen hữu cơ - chất vốn rất phổ biến trong nước mắm và gần như vô hại – để đánh giá?

QCVN 8-2:2011/BYT dài 13 trang, quy định quy chuẩn quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm. Trong quy chuẩn này, 6 loại kim loại nặng được đưa ra giới hạn an toàn gồm: Arsen (Thạch tín), Cadmi, Chì, Thủy ngân, Methyl thủy ngân, và Thiếc.

Trong đó, quy chuẩn dành riêng cho nước chấm có đưa ra giới hạn của 4 loại, gồm: Arsen (Thạch tín), Cadmi, Chì, Thủy ngân.

Đặc biệt, Quy chuẩn này cũng quy định rõ: Arsen trong quy chuẩn tính theo Arsen vô cơ.

Quy chuẩn Việt Nam quy định tính chỉ tiêu Arsen theo Arsen vô cơ.

Trong khi đó, Vinastas thử nghiệm đối với chỉ tiêu Arsen tổng (cả hữu cơ và vô cơ), nhưng lại thừa nhận “thử nghiệm 20 mẫu trong các mẫu khảo sát có Arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện Arsen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/L)”.

“Khi đưa ra quy chuẩn, các anh phải đánh giá theo đúng quy chuẩn, chứ không thể đánh giá ngoài quy chuẩn. Đây là vấn đề rất nhạy cảm".

"Cách tiếp cận không chuẩn thì làm ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất nước mắm của mình”, bà Dung bức xúc.

Nhận xét về kết quả 67% mẫu nước mắm Việt Nam nhiễm Thạch tín, ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết: “Khảo sát có nói đến việc lượng Arsen vượt ngưỡng rất cao, nhưng Arsen này có phải do người sản xuất cho vào, hay Arsen hữu cơ ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe người tiêu dùng… thì cần có đánh giá và ý kiến của các bên liên quan”.

“Về lâu dài, tôi cho rằng cần có sự nghiên cứu sâu về vấn đề này vì đây là món ăn không thể thiếu của người Việt”.

Về phía Bộ Y tế , trả lời báo giới, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, từ chối bình luận về kết quả khảo sát. Ông Quang cho rằng chỉ khi cơ quan Bộ Y tế lấy mẫu, nếu phát hiện nước mắm có kim loại nặng, vi sinh vượt giới hạn cho phép thì Bộ sẽ công bố, có ý kiến.

Trong một diễn biến khác, sau khi báo chí phản ánh tình trạng sản xuất nước mắm công nghiệp từ nước và hóa chất, ngay hôm sau, một doanh nghiệp sản xuất nước mắm có thị phần lớn tại Việt Nam đã gửi công văn kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước, đề xuất việc thanh tra toàn diện mặt hàng này, trong đó chú trọng đến việc tuân thủ quy định về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng (nhất là Arsen trong nước mắm) và công khai kết quả sau đó để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Bảo Bảo

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên