MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thaco và VinFast nhìn từ bài học phát triển công nghiệp ô tô của "Detroit châu Á" và chaebol lớn thứ hai Hàn Quốc

Hai nhà sản xuất ô tô của Việt Nam chọn đi hai con đường rất khác nhau.

Thị trường ô tô nội địa Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực, một phần nhờ tầng lớp trung lưu gia tăng. Tầng lớp trung lưu Việt Nam đến năm 2020, con số này sẽ rơi vào khoảng 44 triệu người và lên tới 95 triệu người vào năm 2030. Vì thế, cầu đối với ô tô dự kiến sẽ tăng mạnh trong tương lai gần, Việt Nam sẽ trở thành một thị trường lớn đối với ngành công nghiệp này.

VinFast sẽ đi theo chiến lược "đi tắt đón đầu" của Hyundai Motor?

Cùng với ngành công nghiệp đóng tàu, công nghiệp ô tô là động lực quan trọng để tạo ra một trong bốn con rồng châu Á – Hàn Quốc. Trong đó, chaebol trụ cột trong ngành công nghiệp này chính là Hyundai Motor (đồng thời là chaebol lớn thứ hai Hàn Quốc sau Samsung). Huyndai hiện cũng là doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn thứ 6 thế giới, đứng sau những tên tuổi hàng đầu: Toyota, Volkswagen, Ford, Honda và Nissan.

Buổi đầu gây dựng, công nghệ là khó khăn lớn nhất của Hàn Quốc lúc bấy giờ. Để bắt kịp với các nhà sản xuất hàng đầu thế giới chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu các tập đoàn nước ngoài gia nhập thị trường phải hoạt động dưới hình thức liên doanh liên kết. Nhờ đó mà các tập đoàn ô tô Hàn Quốc từng bước nắm bắt công nghệ cao của các quốc gia hàng đầu như Mỹ, Nhật và Châu Âu.

Thaco và VinFast nhìn từ bài học phát triển công nghiệp ô tô của Detroit châu Á và chaebol lớn thứ hai Hàn Quốc - Ảnh 1.

Năm 1968, Hyndai hợp tác với Ford Motor Company cho ra đời mẫu xe đầu tiên của công ty là Cortina. Pony, chiếc xe Hàn Quốc đầu tiên xuất xưởng vào năm 1975, được thiết kế bởi Giorgio Giugiaro theo phong cách Ý, với công nghệ dẫn động do Mitsubishi Motors cung cấp. Năm 1991, Hyundai đã mở đường độc quyền công nghệ cho mình khi phát triển thành công động cơ xăng, I4 Alpha và có hộp truyền động.

Hyundai liên kết vô cùng chặt chẽ với các nhà cung cấp của mình. Trên cơ sở hợp đồng dài hạn, các nhà cung cấp linh kiện sẽ tham gia vào toàn bộ quá trình phát triển một chiếc xe ô tô, chia sẻ những thông tin quan trọng như mục tiêu chi phí, lợi nhuận dự kiến... Họ có được sự hợp tác, hỗ trợ từ các nhà cung cấp trên cơ sở lợi ích chung, qua đó giảm thời gian thiết kế, nghiên cứu kỹ thuật và chi phí.

Không lựa chọn việc trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô, VinFast cũng đang hợp tác và đưa những "ông lớn" trên thế giới vào trong chuỗi giá trị của chính mình.

Tốc độ phát triển thần kỳ của VinFast cũng một phần phụ thuộc vào các công đoạn có sẵn. Hai mẫu xe đầu tiên của VinFast được thiết kế với khung xe của BMW, linh kiện sản xuất bởi công ty Magna Steyr của hãng Magna International, và thiết kế được thực hiện bởi người Ý – công ty Pininfarina. Tất nhiên, hệ thống năng lượng cho VinFast Sedan và VinFast SUV cũng là từ BMW. VinFast đã mua giấy phép sản xuất và lắp đặt động cơ N20 2.0 lít nổi tiếng của BMW.

Thaco và VinFast nhìn từ bài học phát triển công nghiệp ô tô của Detroit châu Á và chaebol lớn thứ hai Hàn Quốc - Ảnh 2.

Trang web xe hơi Topspeed cho biết: "Tuy nhiên, BMW không bán cho VinFast công nghệ Valvetronic của họ. Động cơ trong xe hơi của VinFast sẽ không có Valvetronic. Vì thế có lẽ, VinFast sẽ phát triển giải pháp riêng của mình. Khi thành công, họ sẽ không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn độc quyền được công nghệ như Hyundai đã từng. Rõ ràng, tập đoàn lớn nhất Việt Nam – VinGroup sẽ hoàn toàn có khả năng hỗ trợ VinFast trong vấn đề này".

Thaco kiên trì với con đường của Thái Lan

Năm 2002, Viện Ôtô Thái Lan đã công bố kế hoạch 6 năm cải tổ Thái Lan thành "Detroit châu Á". Giai đoạn 2000 - 2017, sản xuất ôtô nước này đã tăng gần 400%. Dù 60% xe sản xuất tại Thái Lan được xuất khẩu thì trị trường xe hơi nội địa Thái Lan cũng rất rộng mở. Năm 2013, chỉ 18% hộ gia đình nước này không có xe hơi, theo khảo sát của Nielsen.

Năm 2019, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) dự báo ngành công nghiệp ô tô Thái Lan sẽ đạt sản lượng sản xuất 2,15 triệu xe. Trong đó 1,05 triệu xe sẽ được bán tại thị trường nội địa, số còn lại sẽ xuất khẩu sang các thị trường ô tô trên thế giới.

Đối với Thái Lan, họ chấp nhận trở thành công xưởng ô tô của thế giới, vì họ cho rằng, tạo thương hiệu riêng từ một nền công nghiệp ô tô non trẻ là điều vô cùng khó khăn. Thái Lan nhanh chóng phát triển, là nơi đặt nhà máy của nhiều hãng xe lớn trên thế giới. Hiện tại, Thái Lan là nhà sản xuất ôtô công nghiệp đứng thứ 12 thế giới và lớn nhất Đông Nam Á.

Công nghiệp ô tô Thái Lan được đánh giá vượt trội về các loại xe thương mại, đặc biệt là xe bán tải. Đây là thị trường lớn nhì thế giới về dòng xe này, chỉ sau Hoa Kỳ. Nguyên nhân là phần lớn người Thái Lan sống ở nông thôn. Vì thế, loại xe này khá kinh tế với các gia đình nhiều thành viên.

Thaco Trường Hải cũng đã định vị mình là nhà sản xuất - lắp ráp - phân phối, cung ứng dịch vụ bảo trì sửa chữa và phụ tùng ôtô. Trường Hải sản xuất và kinh doanh xe thương mại (xe tải và xe bus), cùng với các loại xe du lịch các thương hiệu: Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Peugeot (Pháp), BMW (Đức). Hiện nay, Thaco đã hoàn thiện quy trình sản xuất và lắp ráp đầy đủ 3 dòng xe: xe du lịch, xe tải và xe bus với tỉ lệ nội địa hóa từ 16% - 50%.

Thaco và VinFast nhìn từ bài học phát triển công nghiệp ô tô của Detroit châu Á và chaebol lớn thứ hai Hàn Quốc - Ảnh 3.

Mục tiêu chính của Thaco vẫn là giữ vững vị trí đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô tại Việt Nam. Bên cạnh đó, họ cũng muốn mở rộng thị trường trong khu vực ASEAN, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm lựa chọn công nghệ phù hợp, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo nền tảng để phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm vươn tới vị trí hàng đầu khu vực.

Tỷ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco, chia sẻ: "Năm 2019, công ty đặt mục tiêu sản xuất 106.773 xe, tăng 28% so với năm 2018". Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình liên doanh, liên kết và đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô quan trọng, trong đó có nhà máy sản xuất động cơ nhằm gia tăng tỉ lệ nội địa hóa. Đây là mục tiêu chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Thaco ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực ASEAN. Đồng thời, cung cấp linh kiện phụ tùng ô tô ra thị trường và xuất khẩu.

Thaco và VinFast nhìn từ bài học phát triển công nghiệp ô tô của Detroit châu Á và chaebol lớn thứ hai Hàn Quốc - Ảnh 4.

Rõ ràng, đến thời điểm hiện tại, VinFast và Thaco tuy cùng sản xuất ô tô nhưng có những thế mạnh khác nhau và đi theo hai chiến lược cũng rất khác nhau. Kỳ vọng trong tương lai, cả hai công ty này sẽ đều gặt hái được thành quả, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy ngành ô tô phát triển trở thành ngành mũi nhọn của công nghiệp nước nhà.

Thái Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên