MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Thái tử" Samsung đến Việt Nam: Cơ hội nào cho thị trường Việt sau đợt thoái lui ở Trung Quốc?

Kể từ khi làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc của nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới diễn ra, Samsung luôn nỗ lực mở rộng sản xuất tại các thị trường mới nổi, nơi có chi phí thấp hơn và nguồn lao động rẻ hơn. Một trong số thị trường không thể không kể đến đó là Việt Nam.

Hàng loạt cuộc "tháo lui" chỉ trong 1 năm

Tại Trung Quốc, vào tháng 10/2019, người dân thành phố Huệ Châu trải qua một cuộc xáo trộn lớn khi Samsung quyết định đóng cửa nhà máy sản xuất smartphone cuối cùng sau gần 3 thập kỷ hoạt động tại đây. Nguyên nhân của hành động này rất rõ ràng, khi Tập đoàn nhận ra sự thất thế trước các nhà sản xuất điện thoại nội địa, chi phí lao động ngày càng tăng cao tại Trung Quốc cũng như ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Đến tháng 6/2020, thị trường lao động Trung Quốc một lần nữa lại đối mặt với nhiều bất định khi Samsung tiếp tục thông báo ngừng hoạt động nhà máy sản xuất máy tính tại Tô Châu. Cụ thể, khoảng một nửa trong số 1.700 nhân viên hợp đồng (trừ các chuyên gia nghiên cứu và phát triển) của Samsung Electronics tại đây đã bị ảnh hưởng.

Gần đây nhất, vào tháng 9/2020, Samsung lại tuyến bố đóng cửa nhà máy sản xuất tivi duy nhất tại Trung Quốc, được đặt ở Thiên Tân từ năm 1993. Theo đó, Samsung sẽ chuyển dây chuyền sản xuất tivi trên sang Việt Nam và một số quốc gia khác. Samsung cũng cho biết động thái này sẽ giúp hoạt động sản xuất trên toàn cầu của hãng đạt hiệu quả hơn.

Những nỗ lực trên con đường tìm thị trường mới

Song, những "cuộc tháo lui" của Tập đoàn này nhằm đa dạng hóa sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc không phải đều diễn ra thuận lợi. Hồi tháng 7/2020, nhiều chuyên gia đã lo ngại rằng do những xung đột thương mại bắt nguồn từ tranh chấp ngoại giao giữa Nhật Bản - Hàn Quốc, hãng sản xuất chip Samsung có thể cạn kiệt hàng tồn kho các vật liệu quan trọng chỉ trong thời gian ngắn, tính bằng tuần.

Cụ thể, vào ngày 7/7/2020, Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố sẽ xem xét chặt chẽ việc xuất khẩu fluorine polyimide, chất cản màu và etching gas – ba vật liệu cần thiết để sản xuất bán dẫn và tấm nền màn hình – sang Hàn Quốc.

Ngay sau đó chỉ 3 ngày, "Thái tử" Samsung, ông Lee Jae-yong đã ngay lập tức có chuyến công tác Nhật Bản. Thậm chí lúc ấy, nhiều chuyên gia nhận định rằng chuyến đi lần này của "Thái tử" là "khó có thể giải quyết được gì".

Dù vậy, những nỗ lực của Phó Chủ tịch Samsung đã được khẳng định khi một lần nữa, chuyến đi đó đã giúp dây chuyền sản xuất của Samsung không bị rơi vào tình trạng bế tắc. Thật vậy, trong cuộc họp với ban giám đốc ngay sau đó để thông báo kết quả của chuyến công tác, "Thái tử" Samsung đã tuyên bố đảm bảo được nguồn cung cấp cho ba vật liệu chính mà phía Nhật hạn chế xuất khẩu.

Cuộc đàm phán mặc dù diễn ra thành công hơn mong đợi, nhưng sau đó, "Thái tử" Samsung vẫn tiếp tục ra lệnh cho các lãnh đạo dưới quyền chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho các trường hợp xấu hơn trong tương lai, đặc biệt nếu căng thẳng Nhật - Hàn vẫn tiếp diễn.

Đáng chú ý, ngay vừa qua, theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, Phó Chủ tịch Samsung Electronics, ông Lee Jae-yong đã xuất phát đi Việt Nam từ sân bay quốc tế Gimpo hôm 19/10. Dự kiến, "Thái tử" Samsung sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 20/10. Ngoài ra, ông sẽ thăm các nhà máy Samsung trong thời gian 3 ngày tại Việt Nam.

Thông tin từ Yonhap cho biết, tại cuộc họp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, "Thái tử" Samsung có thể sẽ thảo luận về các cơ hội đầu tư tiềm năng vào Việt Nam. Trước đó, ông Lee Jae-yong và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng gặp vào tháng 10/2018 và tháng 11/2019.

Đây cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của "Thái tử" Samsung kể từ tháng 10/2018. Đồng thời, Phó chủ tịch Lee Jae-yong dự định sẽ đến thăm trung tâm nghiên cứu đang xây dựng của Samsung tại Hà Nội và nhà máy sản xuất smartphone.

Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn luôn giữ vững vai trò quan trọng là cứ điểm sản xuất toàn cầu của Samsung. Gần đây nhất, hồi tháng 5, đại diện Samsung Việt Nam và đại diện chủ dự án Starlake – Tây Hồ Tây đã ký kết Thỏa thuận đặt cọc cho việc sử dụng đất nhằm phục vụ dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới của Samsung (Samsung R&D).

Ngay sau đó, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho chính thức công bố kế hoạch xây dựng Trung tâm Samsung R&D. Theo đó, dự án sẽ được xây dựng với quy mô 19 tầng, bao gồm 16 tầng nổi, 3 tầng hầm, bắt đầu khởi công năm 2020, hoàn thành 2022 và đi vào hoạt động đầu năm 2023.

Chuyến đi lần này của "Thái tử" Samsung sẽ có thể là lời giải đáp cho hướng đi và triển vọng trong tương lai của Tập đoàn, cũng như cơ hội cho cứ điểm sản xuất quan trọng của Samsung - Việt Nam.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên