MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham chờ lãi đậm, nhà đầu tư này “méo mặt” nhìn đất tụt dốc không phanh

26-07-2021 - 09:31 AM | Bất động sản

Tham chờ lãi đậm, nhà đầu tư này “méo mặt” nhìn đất tụt dốc không phanh

Thời điểm sốt đất, tâm lý chờ đất tăng “kịch giá” mới chịu bán ra khiến nhiều nhà đầu tư “méo mặt” vì không lường trước được rằng, chính việc chờ đó đã vô tình đẩy mình vào thế “không kịp rút hàng” trong đỉnh sốt.

Có 2 năm kinh nghiệm trong đầu tư BĐS nhưng anh T (ngụ Tp.HCM) vẫn chưa đủ tỉnh táo để lường trước mọi "biến cố" của những cơn sốt đất bất ngờ. Giữa năm 2019, anh T mua 2 nền đất tại tỉnh sát Tp.HCM với mức giá 3 tỉ đồng/2 nền sát nhau. Đến đầu năm 2020 một cơn "sóng nhỏ" diễn ra tại khu vực này. 

Môi giới bán đất cho anh T trước đó liên hệ hỏi anh xem có muốn ra hàng ở thời điểm này, đang có NĐT quan tâm 2 nền đất của anh, với giá chênh lệch gần 300 triệu đồng/nền 2 nền. Phân vân hồi lâu, anh T nói để thêm 2 tuần nữa xem giá chênh lên tiếp không rồi bán. Sau 2 tuần, môi giới gọi anh T nói, đất anh lên thêm được 50 triệu đồng, anh bán không?

"Lúc đó, tôi nghĩ đất của mình còn tiếp tục lên thêm nữa, vì đang trong cơn sốt, NĐT đi mua – bán nhiều. Nếu bán ra lúc này sẽ rất phí, chờ thêm, biết đâu lại lên được vài trăm triệu đồng nữa", anh T kể lại.

Thời điểm môi giới kêu anh T bán vào khoảng cuối tháng 2/2020, anh quyết định không bán mà tiếp tục chờ thêm với hi vọng lãi đậm. Đến khoảng cuối tháng 3 dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng, đến tháng 4 thì cách ly xã hội toàn Tp.HCM. Cũng thời điểm đó, anh T cho biết, không còn thấy môi giới liên hệ anh nữa.

Tham chờ lãi đậm, nhà đầu tư này “méo mặt” nhìn đất tụt dốc không phanh - Ảnh 1.

Nhiều NĐT BĐS "méo mặt" vì chờ lãi đậm trong cơn sốt đất. Ảnh: Minh hoạ

Sau khi hết giãn cách, anh T liên hệ lại môi giới thì được biết, do dịch nên thị trường chậm, không có giao dịch, NĐT không đi mua bán (đa phần giao dịch đến từ các nhà đầu tư Tp.HCM). Môi giới này cho biết, nếu anh cần bán lúc này thì chênh 2 nền khoảng 50 triệu đồng so với giá mua vào, em có NĐT mua. Vì chưa cần tiền gấp, lại hụt hẫng vì giá lời đã xuống 300 triệu đồng so với trước đó, nên anh T không bán.

Nhà đầu tư này cho hay, có thể đang dịch Covid-19 nên mới vậy, dịch ổn đất của anh lại tăng giá mạnh. Hi vọng và anh T tiếp tục chờ thêm. Tuy nhiên, đến 7/2020, đợt Covid-19 tiếp theo tái bùng phát, khiến thị trường BĐS thời điểm đó chậm lại; giá đất một số nơi có hiện tượng chững giá hoặc xuống giá. Do cần tiền cho việc chi trả lương nhân công và kinh doanh, anh T nhờ môi giới bán 2 nền đất. Câu trả lời anh T nhận được là nền đất của anh nếu xuống khoảng 200 triệu đồng/2 nền sẽ bán được.

Bực bội trong lòng, anh T gửi thêm nhiều môi giới khác chào bán 2 nền đất. Tuy nhiên, giá các nền đất chỗ anh mua gần như đều xuống giá khoảng 100-200 triệu đồng do ảnh hưởng của dịch (lúc đó người bán nhiều hơn người mua). Anh T cố xoay sở việc kinh doanh và quyết định không bán đất vì thấp hơn giá mua vào. 

Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, do gồng việc kinh doanh khá đuối, anh T tìm lại môi giới để nhờ bán đất. Lúc này, 2 nền đất của anh T không còn giảm 200 triệu đồng mà giảm đến 300 triệu đồng. Chưa kể, anh còn nhận được chia sẻ của môi giới: "Do 2 nền đất của anh hẻm xe máy nên tầm này cũng khó bán, kén người mua, nếu thực sự cần tiền thì em khuyên anh bán đi, sợ để lâu dịch kéo dài có khi còn giảm giá tiếp nữa…".

Cảm thấy lo lắng vì dịch không có dấu hiệu giảm, lại đang cần tiền giải quyết việc kinh doanh, nên anh T gửi môi giới bán. Tuy nhiên, sau đó 2 tuần, 2 nền đất của anh T vẫn chưa có giao dịch. Lý do, mà môi giới nói với anh T là thị trường chậm, nên anh phải đợi thêm chứ không thể bán nhanh như trước được. Lúc này, anh T như "ngồi trên đống lửa" sốt ruột vì việc kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch, cần tiền để chi trả chi phí, phần vì đất bán chưa được.

Suốt từ tháng 11/2020 đến tháng 1/2021, anh T vẫn không bán được 2 nền đất thổ cư của mình. Đến đầu năm 2021, khi dịch ổn lại, thị trường BĐS khu vực này có dấu hiệu ấm lên, anh T bán được 2 nền đất với mức lỗ khoảng 50 triệu đồng so với thời điểm mua vào. "Xem như mức lỗ nhẹ hơn so với trước đó, nên tôi bán luôn", anh T cho biết.

Việc các nhà đầu tư chờ đợi "lãi đậm" khi đầu tư BĐS là chính đáng, nhưng do những diễn biến khó lường của các cơn sốt đất nên nhiều người cũng nhận "trái đắng" từ việc chờ đợi này. Anh T chỉ là trường hợp trong số nhiều trường hợp nhà đầu tư cũng vì chờ mức lời thêm mà không kịp ra hàng trong cơn sốt đất, vô tình nhìn đất đai của mình đứng giá hàng năm trời, hoặc tụt giá không phanh.

Theo các chuyên gia trong ngành, trong cơn sốt đất nhiều nhà đầu tư "thắng đậm" là bởi họ "nhạy bén" tình hình, biết lúc nào để "rút hàng" ra; còn đa số nhà đầu tư, nhất là những NĐT "tay ngang" hoặc nhà đầu tư mới vào thị trường luôn có tâm lý là chờ để lãi thêm, vì đất còn sốt. Thế nhưng, không phải ai chờ thêm cũng thắng; đất quay đầu giảm giá sẽ khiến những nhà đầu tư này "không kịp trở tay".

Vừa qua, cơn sốt đi qua tỉnh Thanh Hoá, không ít nhà đầu tư "tay ngang" cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Bà H, mua mảnh đất 700 triệu đồng năm 2019, lúc sốt đất, mảnh đất của bà lên được 1.2 tỉ, nghĩ đất còn lên nữa, nên mặc dù được con gái khuyên là nên bán ra, nhưng bà H vẫn không bán. Sau khi đất Thanh Hóa hạ nhiệt, nền đất của bà được định giá khoảng 700 triệu đồng, bằng với giá mua vào. Như vậy, vì sự chờ đợi và kì vọng khiến nhiều người mất đi cơ hội kiếm tiền trong những cơn sốt bất ngờ "ghé" qua địa phương mình.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên