Tham vọng thống trị toàn cầu của Trung Quốc "tả tơi" vì ông Trump
Trung Quốc dường như chưa sẵn sàng cho cuộc chiến thương mại với Mỹ và việc đe dọa nâng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu để buộc Bắc Kinh đồng ý với thỏa thuận thương mại cho thấy ông Trump hiểu điều này.
- 07-05-2019Nguồn cơn khiến Mỹ quyết định tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc từ 10/5
- 07-05-2019Bloomberg: Tổng thống Trump nổi giận vì Trung Quốc "trở mặt"
- 06-05-2019Ở Trung Quốc, đi bộ sai luật cũng sẽ bị trí tuệ nhân tạo phát hiện và xử phạt
- 06-05-2019Trung Quốc cân nhắc hủy đàm phán thương mại với Mỹ sau lời đe dọa của ông Trump
- 06-05-2019"Bóng ma" chiến tranh thương mại trở lại, chứng khoán Trung Quốc mất hơn 5% giá trị
Tưởng như sắp kết thúc, bóng ma chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại một lần nữa được thổi bùng lên. Nó bắt nguồn từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump viết 2 đoạn tweet trên mạng xã hội, đe dọa nâng thuế từ 10% lên 25% với hơn 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc nếu Mỹ - Trung không đạt thỏa thuận thương mại vào cuối tuần này. Ông Trump đã chọn cách cược lớn và những gì đang diễn ra cho thấy Washington đang ở chiếu trên. Người ta cũng không nghi ngờ việc Trung Quốc nhượng bộ.
Nếu thỏa thuận được công bố, ông Trump chắc chắn sẽ đăng đàn và khoe chiến thắng. Nó là một phần quan trọng để chuẩn bị cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Người Mỹ có thể sẽ nhìn vào thành quả to lớn về thương mại mà quên đi, hoặc bỏ qua, những rắc rối cá nhân và chính sách của ông Trump trên cương vị Tổng thống. Tuy nhiên, với ông Tập Cận Bình, bất cứ thỏa thuận nào cũng đều chẳng có gì vẻ vang.
Ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc khi đất nước này tiếp tục phát huy cái gọi là phép màu kinh tế. Ở thời điểm đó, Mỹ vẫn sa lầy vì hậu suy thoái kinh tế năm 2008-2009. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập được triển khai khắp cả nước. "Giấc mộng Trung Hoa", một tầm nhìn không mấy rõ ràng về sự thịnh vượng, sức mạnh và hạnh phúc, cũng được nhắc đến nhiều.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại là một thực tại khác. Nó được xem là thuốc thử liều cao đầu tiên với vai trò lãnh đạo của ông Tập Cận Bình. Ở thời điểm hiện tại, những gì Trung Quốc thể hiện nhìn có vẻ không tốt. Các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, dù với kết quả nào, cũng sẽ khó được gọi là sự thành công với người Trung Quốc.
Mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình được cho là có nhiều sóng gió nếu so với những nhà lãnh đạo khác trong vài thập niên trở lại đây. Suốt một thời gian dài, mối quan hệ với Mỹ luôn là điều được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đề cao, chăm chút cải thiện và gặt hái được những lợi ích to lớn về mặt kinh tế và vị thế của đất nước.
Ngoại giao Bóng bàn là bước đi đầu tiên mà người Trung Quốc thực hiện năm 1971 để phá băng mối quan hệ với Mỹ. Cái họ nhận lại là sự ủng hộ của Tổng thống Nixon trong thời điểm căng thẳng Trung Quốc – Liên Xô dâng cao. Ông Đặng Tiểu Bình cũng dành nhiều thời gian và công sức nhằm cải thiện mối quan hệ với Mỹ. Ở chiều ngược lại, Tổng thống Jimmy Carter đã chính thức công nhận Trung Quốc thay vì Đài Loan như trước đây.
Trong những năm 1980, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đề cao vai trò của các chuyên gia kinh tế Mỹ và sẵn sàng lắng nghe lời khuyên từ họ. Sau đó, vốn và công nghệ Mỹ bắt đầu chảy vào Trung Quốc. Năm 1997, nhà lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân có chuyến thăm 8 ngày tới Mỹ với nhiều hoạt động. Sau đó, Tổng thống Bill Clinton trao cho Trung Quốc một cú huých mạnh mẽ để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001.
Giai đoạn 2003-2013, nhà lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã rất khéo léo trong sự cởi mở với Mỹ. Nhập khẩu hàng giá rẻ từ Trung Quốc đã mang lại thâm hụt thương mại với Mỹ. Văn hóa Trung Quốc bắt đầu bén rễ trong các trường học của Mỹ. Các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc tràn ngập Thung lũng Silicon trước khi lặng lẽ đưa tiền và công nghệ cao về nước.
Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình chọn đường lối cứng rắn trong quan hệ với Mỹ. Những lời hùng biện chống Mỹ xuất hiện nhiều trên các hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc. Bắc Kinh không giấu diếm tham vọng thách thức sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á thông qua loạt động thái mạnh mẽ với Đài Loan và Biển Đông. Thậm chí, Trung Quốc còn đưa tàu chiến tới vùng biển ngoài khơi Alaska của Mỹ.
Trung Quốc nói rằng hoạt động của tàu chiến chỉ là thực hiện quyền tự do hàng hải được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, đối với nhiều người, đây rõ ràng là một màn phô diễn uy lực. Mỹ, cường quốc quân sự lớn nhất thế giới, chắc chắn sẽ không hài lòng với những hành động như thế.
Bắc Kinh cũng nỗ lực triển khai các hoạt động chiêu mộ với người gốc Hoa trên khắp thế giới với kỳ vọng thành lập mạng lưới có thể xâm nhập vào những vùng cấm. Những nỗ lực này khiến nhiều người Mỹ cảnh giác và lo lắng. Trong năm 2017 và 2018, nhiều nhóm người có ảnh hưởng tán đồng với quan điểm của Chính quyền Trump khi coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh và kẻ thù số 1 của Mỹ.
Ông Tập Cận Bình dường như không biết tới sự biến đổi này. Ông cũng không có sự chuẩn bị khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thẳng vào Trung Quốc với các biện pháp đánh thuế hàng nhập khẩu. Và không chỉ riêng Mỹ, nhiều quốc gia và nền kinh tế khác cũng muốn mạnh tay với Trung Quốc.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh ở Brussels vào tháng trước, Trung Quốc đã chấp thuận cho các nước Liên minh châu Âu (EU) tiếp cận thị trường, cải thiện chuyển giao công nghệ và thảo luận về việc cắt giảm trợ cấp với các doanh nghiệp quốc doanh, những điều mà phía EU gọi là cạnh tranh không lành mạnh.
Mặc dù những nhượng bộ này được trình bày bằng các ngôn ngữ nhẹ nhàng trong tuyên bố chung, rõ ràng nó là trở ngại lớn với Trung Quốc và có thể dập tắt tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh.
Cuối thập niên 1950, nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông từng muốn thách thức sự lãnh đạo của Liên Xô trong phong trào Cộng sản Quốc tế và muốn lật đổ trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa đủ mạnh để làm điều đó. Việc Liên Xô dừng viện trợ, rút cố vấn khoa học và công nghệ về nước khiến Trung Quốc phải trả giá đắt.
Có thể, việc ông Tập Cận Bình muốn thách thức sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ là quá khó và quá sớm.
Lúc này, kinh tế Trung Quốc đang lâm vào cảnh suy yếu lâu dài mà không có những chính sách rõ ràng để hãm phanh. Năm 2018, GDP Trung Quốc yếu nhất trong 28 năm. Trong quý đầu tiên, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 6,4%. Dù là mơ ước của nhiều nước phương Tây nhưng nó chẳng là gì so với kỷ lục 14,5% của năm 1993. Trong khi đó, Trung Quốc còn phải đối mặt nhiều vấn đề khác.
Từng là công xưởng của thế giới, với nguồn nhân công giá rẻ, giờ đây Trung Quốc đang từng bước phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động do dân số "chưa giàu đã già". Cùng với đó, lực lượng lao động của Trung Quốc đang bị thu hẹp và nợ trên GDP đạt gần 300% trong quý đầu tiên của năm 2018.
Bị đè nặng bởi nhân khẩu học và nợ, Trung Quốc khó có thể tăng trưởng thông qua đầu tư và tiêu dùng tư nhân hơn nữa. Tệ hơn, sự dư thừa ở Trung Quốc, điển hình là các thành phố ma, khiến cho các biện pháp kích thích của chính phủ không mấy hiệu quả. Theo IMF, năm 2008, Trung Quốc cần 1.000 tỷ tệ tín dụng để tạo ra sản lượng kinh tế 1.000 tỷ tệ. Năm 2017, con số này là 3,5/1.
Trung Quốc chưa có nhiều biện pháp để giải quyết các vấn đề cấu trúc này.
Bằng chứng về các vấn đề nhân khẩu học ở Trung Quốc trở nên rõ ràng vào cuối những năm 2000 nhưng phải đến năm 2016, chính sách một con của Trung Quốc mới được thay thế. Nó quá ít và quá muộn. Số trẻ sơ sinh Trung Quốc tiếp tục giảm đáng kể hàng năm kể từ khi có chính sách mới. Năm 2018, số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc xuống mức thấp nhất kể từ năm 1961, thời điểm nước này trải qua nạn đói khủng khiếp.
Một vấn đề nữa là danh tiếng của Trung Quốc bị tổn hại mạnh mẽ bởi các hoạt động không chuẩn mực của công dân và doanh nghiệp nước này, trong đó có trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ. Huawei, một công ty công nghệ cao hàng đầu của Trung Quốc, còn thưởng cho nhân viên khi có thành tích đặc biệt trong lĩnh vực này. Không ai ngoài người Trung Quốc cảm thấy hài lòng với điều đó.