MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai là kinh tế tuần hoàn

Cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn từ ngày 23/1

Cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn từ ngày 23/1

Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững. Với doanh nghiệp, đó là con đường buộc phải đi nếu muốn "bắt tay" với thế giới và bắt kịp xu hướng tất yếu của tương lai.

Làm gạch từ bã cà phê, thu tiền tỷ từ chất thải

Nhìn bếp ăn kiên cố của các em học sinh trường tiểu học Nguyễn Huệ (phường Tân An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), ít ai biết được rằng, bếp ăn này được xây dựng hoàn toàn bằng chất liệu gạch không nung sinh thái làm từ cát thải thu được từ quá trình sản xuất cà phê ở nhà máy Nestlé Trị An.

Những hạt cà phê sau khi thu hoạch được đựng trong bao vải thay thế bao sợi đai, có khả năng tái sử dụng nhiều lần, giảm chất thải rắn và bụi trong quá trình vận chuyển. Bã cà phê được tách ra sau khi chế biến được sử dụng làm chất đốt nhiên liệu sinh khối, thay thế 73% nguyên liệu chất đốt vận hành lò hơi, giảm thải khí CO2 gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn sẽ được tái chế và tái sử dụng hoàn toàn, nước thải màu được xử lý thành chất thải cô đặc làm phân bón cà phê, cát thải lấy từ lò hơi cung cấp cho nhà máy sản xuất gạch tại địa phương, làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại Công ty Nestlé Việt Nam cho biết: "Từ hạt cà phê đến viên gạch không nung" đã giúp Nestlé Việt Nam giảm phát thải 13.000 tấn carbon mỗi năm, đồng thời tiết kiệm 40% nước và 30% năng lượng dùng cho sản xuất. Đã có hàng triệu viên gạch không nung được sản xuất từ bã cà phê đạt tiêu chuẩn quốc gia trong ngành xây dựng và được ứng dụng rộng rãi ở các công trình dân dụng lẫn công nghiệp".

Còn với mô hình của Công ty cổ phần Phú Tài, phụ phẩm từ cây gỗ được tận dụng làm viên nén năng lượng và chất đốt cho hệ thống nồi hơi của nhà máy. Hàng năm, công ty tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng từ việc tận dụng các phụ phẩm trong chế biến làm chất đốt cho nồi hơi sấy gỗ và doanh thu từ sản xuất viên nén năng lượng, đưa tổng lợi nhuận tăng 2-3%.

Là một doanh nghiệp đã chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành nghiên cứu phát triển Vinamilk cho biết, chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp dựa trên 3 trụ cột chính là thiên nhiên, sản phẩm và con người; đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao và thân thiện với môi trường.

Điển hình như hệ thống trang trại Vinamilk đã sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ để giảm phát thải... Hệ thống xử lý chất thải Biogas trong các trang trại bò sữa đã giúp biến chất thải thành "tài nguyên", phục vụ lại cho hoạt động của trang trại. Lượng khí mêtan thu được từ hệ thống Biogas sẽ dùng để sấy khô cỏ làm thức ăn dự trữ cho bò bê, thanh trùng sữa cho bê, đun nóng nước dùng cho hoạt động trang trại. Chất thải được xử lý để thành phân bón cho đồng cỏ, ngô... và phục vụ cải tạo đất. Từ đó, chi phí về điện, phân bón... tiết kiệm được từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm cho mỗi trang trại.

Ở phạm vi lớn hơn, "vòng tuần hoàn" được hình thành giữa cáctrang trại và các hộ nông dân liên kết. Người dân canh tác ngô, cỏ cung cấp cho trang trại để làm thức ăn cho bò, ngược lại trang trại sẽ hỗ trợ nông dân về phân bón, công nghệ, cải tạo đất... Từ đó, chuỗi liên kết hình thành chặt chẽ, cùng phát triển, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường chung.

Tương lai là kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1.

Trang trại bò sữa Vinamilk Đà Lạt, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) có hệ thống xử lý chất thải Biogas.

Không chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ "lạc hậu"

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là điều "bắt buộc phải làm". "Một khi hàng xuất khẩu đi không đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh, người tiêu dùng quayưng, thì các doanh nghiệp buộc phải làm theo", ông Võ Trí Thành lý giải. Chuyên gia này cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước gần đây đã đưa ra chương trình tín dụng xanh. Dự án không xanh, không có đánh giá tác động môi trường sẽ không vay được vốn.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi và vận hành theo phương châm sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với môi trường đang chứng tỏ là những doanh nghiệp có khả năng thích ứng và chống chịu cao, bền vững đối vớicác biến đổi tiêu cực từ bên ngoài cũng như khả năng linh hoạt, nắm bắt hiệu quả các cơ hội mà nền kinh tế mang lại.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, khi doanh nghiệp biết tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu sẽ tiếp nhận được các mô hình kinh tế, tài chính mới; có cơ hội tham gia thị trường các-bon. Tiếp đó là phát triển thị trường và điểm then chốt nhất mà biến đổi khí hậu mang lại là sự đổi mới về công nghệ, phát triển sản xuất, kinh doanh từ các nguồn năng lượng tái tạo để tăng tính cạnh tranh, tạo ra lợi nhuận bền vững.

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, cơ chế và các công cụ kinh tế nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, huy động hiệu quả nguồn lực tài chính của khối doanh nghiệp cho ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy các hình thức hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp, giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, chuyển đổi sử dụng từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...

Theo Thu Trang

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên