Thành lập "thành phố trong thành phố", thị trường BĐS khu Đông TPHCM năm 2020 sẽ ra sao?
Theo báo cáo tổng quan của một đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản (BĐS), 2019 là năm thị trường TPHCM có sự sụt giảm rõ nét về nguồn cung sản phẩm nhà ở. Nguyên nhân chủ yếu đến từ quy trình cấp phép mới và cấp phép sửa đổi các dự án bị kéo dài hơn dự kiến, dẫn đến các kế hoạch triển khai dự án của các chủ đầu tư gặp trở ngại.
Tuy nhiên, nhận định của một số chuyên gia gần đây cho thấy, để vượt qua mọi khó khăn, nhất là dịch bệnh virus corona đang có những diễn biến khó lường, thì nhiều doanh nghiệp BĐS phải thay đổi nhanh hướng đi và cách tiếp cận với khách hàng để tiếp tục phát triển.
"Không phải toàn bộ thị trường BĐS đều là "màu xám", nhiều doanh nghiệp có quỹ đất khá lớn vừa được giải quyết xong thủ tục pháp lý và đang triển khai các chương trình giới thiệu dự án ra thị trường. Trong đó, bắt đầu tư quý 2/2020 thị trường BĐS TP.HCM sẽ có những diễn biến sôi động hẳn lên, khu Đông vẫn giữ vị trí thượng phong do nguồn cung dự báo sẽ dồi dào bởi đây là khu vực đang được TP.HCM chọn để thành lập Khu đô thị thông minh, hay còn gọi là "thành phố trong thành phố" vào những năm sắp tới", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa chia sẻ, trong quý 2/2020 các chủ đầu tư sẽ thực hiện chiến lược điều chỉnh giá, đẩy nhanh tiến độ thi công, pháp lý... Giao dịch có thể tăng dần một cách nhỏ giọt. Trong quý này, các chủ đầu tư sẽ trau chuốt sản phẩm hơn, cân đối giá chào bán hợp lý sát nhu cầu thị trường để tăng tính cạnh tranh và kích cầu. Đây được xem là động thái thả hòn đá xuống mặt hồ để thăm dò diễn biến thị trường. Trong đó, cũng như ông Châu nhận định, thị trường nhà đất khu Đông sẽ tiếp tục tăng bức phá, riêng Quận 2 sẽ có nguồn cung tăng khá mạnh.
TP.HCM đánh giá việc quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác phía Đông sẽ hình thành tiểu vùng đô thị trung tâm theo quy hoạch vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong tương lai, khu đô thị sáng tạo sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố.
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ cụ thể hóa các ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch. Đồng thời rà soát cơ sở pháp lý và xây dựng các quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông, tạo tiền đề cho việc ra đời thành phố phía Đông trong tương lai.
Theo đề xuất của đơn vị đạt giải Nhất cuộc thi cuộc thi ý tưởng quy hoạch khu đô thị phía Đông là Công ty Sasaki Associates (Mỹ), các quận 2, 9 và Thủ Đức cần được tổ chức thống nhất thành một cơ quan hành chính duy nhất, theo mô hình chính quyền đô thị để điều phối phát triển. Từ đề xuất này, TP.HCM đã chọn ý tưởng quy hoạch quận 2, 9 và Thủ Đức thành khu đô thị sáng tạo phía Đông có chức năng trọng điểm về tài chính, khoa học, giáo dục… Vì thế, TP.HCM phải xin cơ chế đặc khu kinh tế để thu hút đầu tư và nhân tài cho khu đô thị sáng tạo.
Các nhà đầu tư cũng cho rằng chính vì những cơ hội to lớn này, trong năm 2020, khu Đông sẽ là tâm điểm dẫn dắt thị trường bất động sản TP.HCM. Bởi khu vực này vẫn còn nhiều dư địa phát triển và sở hữu đầy đủ các yếu tố kích cầu thị trường bất động sản đi lên. Hạ tầng giao thông, dịch vụ công ích và hàng loạt khu đô thị mới với nguồn vốn đầu tư lớn đã và đang dần hiện hữu tạo niềm tin rất lớn với các nhà đầu tư.
Mới đây, Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), chủ đầu tư dự án đã mở rào chắn, chính thức thông xe hai chiều tại nút giao ĐHQG TP.HCM (quận 9). Đây là một trong những hạng mục của dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1, đoạn từ ngã 3 Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn. Nút giao thông dài khoảng 1,8 km, bắt đầu từ cổng Khu du lịch Suối Tiên đến cây xăng Bình Thắng, quận 9, Thủ Đức (TP.HCM) và một phần thị xã Dĩ An (Bình Dương).
Ngoài dự án này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết dự kiến, cuối năm nay, nhiều dự án mở rộng đường giải tỏa áp lực giao thông tại các cửa ngõ TP.HCM sẽ chính thức khởi công.
Trong đó có dự án "Xây cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới" trên xa lộ Hà Nội với mục tiêu đảm bảo kết nối giao thông khi Bến xe Miền Đông mới sắp đi vào hoạt động. Dự án có tổng mức đầu tư 437,1 tỉ đồng, bao gồm xây cầu vượt số 3 (vượt tuyến chính QL1) gồm 3 làn xe (sát bên cầu vượt số 2 của nút giao Đại học Quốc qia) để tổ chức cho các dòng xe từ hướng Đồng Nai vào Bến xe Miền Đông.
Xây cầu vượt số 4 (vượt tuyến chính QL1) gồm 3 làn xe để tổ chức cho các dòng xe từ Bến xe miền Đông mới rẽ trái quay đầu về hướng trung tâm TP.HCM và về Bình Dương. Ngoài ra, xây dựng 2 đường chui, 1 đường trên phần đường song hành phải QL1 rộng 8 m, dài 670 m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng Đồng Nai và 1 đường trên phần đường song hành trái QL1 rộng 8 m, dài 350 m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng TP.HCM.
Trước đó, trong tháng 8/2019, nút giao thông 3 tầng Mỹ Thủy (quận 2) là điểm nóng về kẹt xe và là điểm đen về tai nạn giao thông đã được đầu tư và thông xe giai đoạn 1 nhằm tạo thuận lợi cho xe lưu thông vào các khu dân cư, cảng biển Cát Lái. Dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 2 được triển khai cuối tháng 12/2019. Theo đó xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 trước, các hạng mục còn lại sẽ thi công tùy thuộc vào tiến độ giải phóng mặt bằng ở quận 2. Tổng mức đầu tư xây dựng 1.435 tỉ đồng, trong đó vốn xây lắp 1.087 tỉ đồng.
Cách hầm chui Mỹ Thuỷ khoảng 2km, một dự án quy mô khá lớn 7.000 tỷ đồng cũng chuẩn bị được khởi công xây dựng là cầu Cát Lái. Được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái nối Đồng Nai và TP.HCM. Đồng Nai sẽ thực hiện dự án này trên cơ sở thống nhất giữa UBND tỉnh Đồng Nai và UBND TP.HCM về hình thức đầu tư và phương án triển khai thực hiện các hạng mục công trình.
Với quyết định trên, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với UBND TP.HCM trong suốt quá trình triển khai dự án. Cầu Cát Lái có tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 4,5 km; cầu chính kết cấu dây văng 2 trụ tháp, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, mặt cắt ngang 60 m, độ thông thuyền H=55m, B=250m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
Dự án xây dựng cầu Cát Lái thay thế cho phà Cát Lái đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông - vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ Giao thông - vận tải. Cầu Cát Lái bắc qua sông Đồng Nai nối quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).
Chuyển động mới nhất, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cảng Cát Lái, UBND TP.HCM vừa đồng ý chủ trương nghiên cứu một số phương án mở rộng các tuyến đường nối vào khu vực này. Theo đó, phương án 1 là mở rộng đường Nguyễn Thị Định đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái. Phương án 2 là xây dựng đường nối liền cảng Cát Lái - Phú Hữu và mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ Vành đai 2 đến đường ra vào cảng Phú Hữu theo lộ giới được duyệt.
Song song đó, UBND TP.HCM cũng vừa chấp thuận chủ trương tiếp tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm, xây dựng 4 cầu, công trình nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành Đai 2 (tại nút giao An Phú dọc theo tuyến đường Cao tốc Long Thành-Dầu Giây), UBND TP.HCM sẽ thu hồi các khu đất đã được giao thanh toán cho hợp đồng BT dự án và tìm các khu đất khác phù hợp để thanh toán cho hợp đồng BT dự án.
Một nhà đầu tư chuyên nghiệp cho biết: "Việc đầu tư bất động sản không chỉ xem xét về vị trí hay khả năng sinh lời, mà còn ở tính thanh khoản của dự án. Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, xu hướng sống xanh đang trở thành nhu cầu tất yếu của người dân thành thị. Vì vậy, các dự án được quy hoạch dọc theo những hạ tầng giao thông kết nối tốt tất nhiên cũng sẽ có mức giá chào bán cao hơn trong thời gian tới".
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Châu cho biết trong năm 2020, cũng xuất phát từ nguồn cung nhà đất "nhỏ giọt" và một mạng lưới giao thông quy mô lớn được hoàn thành, cũng như bắt đầu triển khai xây dựng như cầu Cát Lái, Hầm chui 3 tầng Mỹ Thuỷ (giai đoạn 2), Đường Vành đai 2, mở rộng các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái... thì giá nhà đất khu Đông được dự báo sẽ có sự gia tăng đột biến. Theo đó, một số khu vực cận trung tâm TP.HCM sẽ không còn nằm ở giá 45-60 triệu/m2 mà có thể sẽ tăng gấp đôi theo tiến độ triển khai dự án.