MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thành phố 2 tuổi thu ngân sách cao hơn 47 tỉnh, thành

Thành phố 2 tuổi thu ngân sách cao hơn 47 tỉnh, thành

Sau 2 năm thành lập, trong bối cảnh khó khăn và thách thức, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố này vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.

TP. Thủ Đức, trực thuộc TP. HCM đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết thành lập vào ngày 24/7/2020. Nghị quyết được đưa ra trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 3 quận gồm: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Diện tích TP. Thủ Đức hơn 211 km2 (tương đương 10% diện tích TP. HCM), với dân số khoảng 1,014 triệu người. Dự kiến đến năm 2030 dân số toàn TP Thủ Đức đạt khoảng 1,5 triệu người; năm 2040 đạt khoảng 2,2 triệu người, hướng đến 3 triệu người sau năm 2040.

Sau 2 năm thành lập, TP. Thủ Đức đã tập trung kiện toàn, hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị, các tổ chức Đảng, đoàn thể, chính quyền. TP. Thủ Đức cũng đã cơ bản hoàn thành việc nghiên cứu đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức. TP. Thủ Đức cũng đã tập trung triển khai các kế hoạch chỉ đạo, điều hành để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với các chỉ tiêu nổi bật.

Nếu như tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thủ Đức năm 2021 là gần 10.675 tỷ đồng, thì năm 2022 đã tăng mạnh lên 20.071 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 là 97% và 2022 là 93%. Số thu này của TP. Thủ Đức cao hơn 47 tỉnh, thành phố trực thuộc TW và cao hơn số thu của 8 tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Ninh Thuận và Đắk Nông cộng lại.

Cuối năm 2022, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đã ký Quyết định ủy quyền cho UBND TP. Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP. HCM trên 4 lĩnh vực mà cấp quận huyện không có.

Trong lĩnh vực Xây dựng-Môi trường-Đô thị, UBND TP. Thủ Đức được tiến hành các thủ tục quyết định thu hồi đất đối với các trường hợp thu hồi đất, gồm: Xây dựng, phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; thông báo thu hồi đất; quyết định thu hồi đất; quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư và tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư.

UBND TP. Thủ Đức được phê duyệt tất cả nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết đô thị tỉ lệ 1/500 trên địa bàn; chủ động quản lý và tổ chức thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Trong lĩnh vực Kinh tế-Ngân sách-Dự án, UBND TP. Thủ Đức được trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chợ loại I theo hướng dẫn của Sở Công Thương; ban hành quyết định thành lập chợ loại II, loại III; trực tiếp thực hiện trong tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ theo chủ trương kêu gọi xã hội hoá. TP. Thủ Đức cũng được phép thực hiện một số nhiệm vụ đối với Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích.

Trong đó, được phép quyết định chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển; quyết định các giải pháp phát triển thị trường, cơ cấu tổ chức quản lý công ty, phê duyệt quỹ lương…

Đối với lĩnh vực Tư pháp, UBND TP. HCM ủy quyền cho UBND TP. Thủ Đức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn TP. Thủ Đức; thực hiện công tác mua sắm tập trung tài sản công trên địa bàn.

Riêng lĩnh vực Văn hoá-Giáo dục-Thông tin-Xã hội-Khoa học, UBND TP. Thủ Đức có quyền kiểm tra các điều kiện hoạt động của văn phòng đại diện của cơ quan báo chí trên địa bàn. Trường hợp không đủ điều kiện, địa phương này được quyền ban hành văn bản yêu cầu cơ quan báo chí chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện và xử lý theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, UBND TP. Thủ Đức cũng được chủ động đặt tên công trình công cộng khác ngoài công trình có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng trên địa bàn; chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật được tổ chức trên địa bàn (trừ các chương trình trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của các hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung ương).

TP. Thủ Đức được ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, chức năng của cơ quan chủ quản đối với Trường Cao đẳng Thủ Thiêm TP. HCM và Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Thủ Đức. Việc ủy quyền có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.

Theo thông tin được đưa ra bởi Bộ Nội vụ vào cuối năm 2020, trước khi TP. Thủ Đức được thành lập, năm 2019, quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9 đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn của TP. HCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm quốc nội cả nước (xét về quy mô, chỉ sau GRDP của Hà Nội, lớn hơn GRDP Bình Dương, Đồng Nai). Giai đoạn 2016 - 2019, 3 quận này thu ngân sách đạt 37.158 tỷ đồng, chi ngân sách đạt 11.174 tỷ đồng.

Năm 2019, GDP cả nước đạt 327,87 tỷ USD (theo IMF), 7% GDP cả nước tương đương 22,95 tỷ USD. Nếu chia cho tổng dân số khoảng 1,014 triệu người, GRDP bình quân đầu người trên địa bàn quận 2, 9 và Thủ Đức (TP. Thủ Đức trước thành lập) vào năm 2019 ước tính có thể rơi vào khoảng 22.633 USD/người.

Một ước tính khác về GRDP bình quân TP. Thủ Đức cũng đã từng được đưa ra vào tháng 7/2021. Theo Báo cáo thị trường của batdongsan.com.vn về tác động thành lập TP. Thủ Đức đối với bất động sản khu đông và vùng lân cận, tính đến 31/5/2021, GRDP bình quân đầu người của TP. Thủ Đức ước tính đạt 18.997 USD, cao hơn nhiều so với GDP bình quân đầu người cả nước.

Theo số liệu của báo cáo này, TP. Thủ Đức được cho là đóng góp 1/3 GRDP của TP. HCM. Cụ thể, GRDP của TP. HCM đạt 1.372 nghìn tỷ đồng, trong đó chỉ tính riêng nền kinh tế TP.Thủ Đức ước tính đạt khoảng 452,7 nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng năng suất của Khu công nghệ cao TP. HCM đã gấp 16,6 lần năng suất lao động của Việt Nam và 6,6 lần năng suất lao động của TP. HCM.

Tuy nhiên, đây chỉ là các con số ước tính về GRDP bình quân của thành phố này. Cho đến nay, chưa có một thống kê chính thức nào được công bố về GRDP của TP. Thủ Đức.

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên