MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh toán không dùng tiền mặt (Kỳ 2): Gấp rút xây dựng hành lang pháp lý

03-03-2019 - 12:20 PM | Tài chính - ngân hàng

Sau 2 năm thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2016-2020, Chính phủ tạo thêm cú hích mới cho hoạt động khi yêu cầu các bộ, ngành, tỉnh thành đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trong năm 2019. Đây là cơ hội để TTKDTM có những đột phá mới.

Bật “đèn xanh” TTKDTM

Tại Nghị quyết 02 về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ yêu cầu NHNN báo cáo phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử (VĐT) không qua tài khoản thanh toán NH trước quý III-2019.

Theo đó, NHNN xác định hạn mức số tiền nạp VĐT và giá trị giao dịch hàng tháng, yêu cầu các NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (DVTGTT) áp dụng tiêu chuẩn cơ sở mã QR. NHNN phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua NH, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định nhằm khuyến khích TTKDTM với các giao dịch về bất động sản.

Công nghệ hiện đại đòi hỏi phải có phương pháp hoạt động mới phù hợp, đang khiến các cơ quan chức năng không chạy theo kịp. Do đó, các NH cũng như công ty fintech, ngoài việc làm đúng quy định hiện hành, cần phải hỗ trợ Nhà nước trong việc nắm bắt để nghiên cứu và đưa ra những quy định phù hợp, tránh những phương pháp tạo điều kiện thanh toán gian lận hay trốn thuế. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH

Chính phủ cũng yêu cầu trước tháng 12 năm nay, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo các trường học, bệnh viện, công ty điện, cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn phối hợp với NH, tổ chức cung ứng DVTGTT, triển khai thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức TTKDTM. Trong đó, ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các công ty điện lực phối hợp với các NH, tổ chức cung ứng DVTGTT để tăng gấp đôi số người thanh toán điện tử trong năm 2019.

Hiện nay, trên thế giới các tác nhân tham gia cung cấp giải pháp thanh toán rất đa dạng, từ nhà cung cấp truyền thống là các định chế tài chính, đến các tập đoàn công nghệ lớn (Apple, Google, Samsung) hay các hãng thương mại điện tử (Amazon, Alibaba…), các tập đoàn viễn thông hoặc mạng lưới các công ty fintech.

Tại Việt Nam, hiện đã có trên 41 NHTM triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. 26 tổ chức không phải là NH được cấp phép thực hiện DVTGTT, trong đó có dịch vụ VĐT nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán các giao dịch thương mại điện tử và chuyển tiền nhỏ lẻ của người dân.

Hiện Samsung đang mở rộng liên kết với các NH và điểm bán để cung cấp dịch vụ Samsung Pay. Các điểm bán, các trang thương mại điện tử hợp tác với NH, fintech để ưu đãi, khuyến khích thanh toán trực tuyến. Như vậy, điều kiện để phát triển TTKDTM của Việt Nam đã tương đồng với nhiều quốc gia trên thế giới.

Trên nền tảng đó, TTKDTM có phát triển mạnh hay không phụ thuộc vào sự chủ động của NHNN liên quan đến xây dựng hành lang pháp lý, sự chủ động triển khai các tỉnh thành và của các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán để người dân tin tưởng và thay đổi thói quen thanh toán tiền mặt.

Vẫn còn những rào cản

Lâu nay chúng ta thường nói fintech là mô hình công nghệ mới phát triển rất nhanh, không phải nước nào cũng theo kịp. Do đó, NHNN cũng không thể ngay một lúc đưa ra những hành lang pháp lý phù hợp, mà nhìn trên tổng thể sự tác động của mô hình đó đến hệ thống như thế nào, để đưa ra quy định phù hợp.

Áp lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hiển hiện, Việt Nam cần cơ chế phát triển phù hợp với xu hướng này. Trong đó phải có giải pháp liên quan đến bảo mật thanh toán, quản lý khách nước ngoài vào Việt Nam dùng phương thức thanh toán của họ. Có vậy, khi thương mại điện tử nước ngoài thâm nhập chi phối thị trường bán lẻ, hoạt động thanh toán của người dân và hệ thống thanh toán trong nước sẽ không bị ảnh hưởng.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Tuy nhiên, qua trao đổi với các công ty fintech về hành lang pháp lý cho VĐT, ĐTTC đều nhận được câu trả lời đã đầy đủ để hoạt động. Thực chất, đây chỉ là câu trả lời qua loa và các công ty fintech quản lý VĐT chấp nhận hoạt động bó hẹp trong phạm vi được cho phép.

Khi Chính phủ yêu cầu NHNN báo cáo phương án cho phép nạp tiền mặt vào VĐT không qua tài khoản thanh toán NH, có thể thấy đây là một vướng mắc nhưng fintech vẫn chưa mạnh dạn kiến nghị. Hiện tại, các đơn vị này phải thực hiện theo Thông tư 39/2014 của NHNN, tức khách hàng phải thực hiện liên kết tài khoản NH/thẻ ATM với VĐT mới có thể sử dụng VĐT.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, thực chất các công ty fintech dù năng động nhưng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động vẫn chưa dám nói hết khó khăn. Nguyên nhân do độ vững chắc của các công ty này trên thị trường chưa cao, nên vẫn còn cân nhắc trong việc đóng góp ý kiến vì sợ ảnh hưởng tâm lý người dùng.

Đây là điều cần thay đổi, thay vì chỉ nói những thuận lợi, các công ty fintech nên nêu những khó khăn, rủi ro để cơ quan quản lý nhìn thấy để hoàn thiện hành lang pháp lý cho VĐT, fintech nói riêng và cho TTKDTM nói chung.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thẳng thắn nêu lên những rào cản trong hoạt động TTKDTM. Ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng giám đốc ACB, chỉ rõ đó là thói quen sử dụng tiền mặt vẫn rất lớn, nhiều người dân đã dần quen mua hàng trực tuyến, nhưng 80% giao dịch là nhận hàng và trả tiền. Sở dĩ tiền mặt chiếm ưu thế là vì tiện lợi cũng như xuất phát từ niềm tin an toàn bảo mật.

Thanh toán không dùng tiền mặt (Kỳ 2): Gấp rút xây dựng hành lang pháp lý - Ảnh 3.

TTKDTM bằng dịch vụ SamsungPay.

Rào cản nữa là vấn đề phí. 3 năm trước, ACB đã được Tập đoàn Điện lực và nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ khác kết nối thanh toán. Nhiều doanh nghiệp (DN) cũng đã ý thức rõ TTKDTM không chỉ là chủ trương hay trách nhiệm, còn giúp tăng mạnh doanh thu khi họ đa dạng thanh toán. Nhưng khi thực hiện DN phải chịu tốn kém chi phí.

Cụ thể, các DN muốn khuyến khích thanh toán thẻ hoặc thanh toán di động cùng với NH hoặc đơn vị cung ứng DVTGTT phải chiết khấu đến 5-7% để ưu đãi. Hoặc để mở rộng TTKDTM đến nhiều đối tác DN phải tốn kém những khoản đầu tư hệ thống công nghệ thông tin lên đến hàng tỷ đồng. Có trường hợp DN ngần ngại thanh toán qua NH sẽ chịu thuế, nên cũng cân nhắc áp dụng TTKDTM. Hay với thanh toán qua POS, các NH phải trả phí cho Visa, Master, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

Nhanh nhưng phải an toàn, bảo mật

Ở góc độ người dùng, hiện nay trước sự phát triển của hàng loạt dịch vụ TTKDTM do NH, fintech, nhà mạng viễn thông cung cấp, hành vi thanh toán đang có sự thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, điều người tiêu dùng băn khoăn là liệu có an toàn. Do đó, ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý để đi nhanh hơn trong việc thúc đẩy TTKDTM, bảo mật và giữ an toàn giao dịch xuyên suốt là vấn đề được đặt ra.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục công nghệ thông tin NHNN, thanh toán điện tử là nhu cầu tất yếu của xã hội hiện đại, xóa bỏ giới hạn về mặt không gian, rút ngắn thời gian giao dịch, tăng vòng quay của dòng vốn, đáp ứng phát triển kinh tế xã hội. Nhưng thanh toán điện tử cũng đối mặt với thách thức lớn từ những gian lận, tội phạm công nghệ cao có tổ chức, xuyên biên giới.

Mục tiêu của tội phạm không chỉ đơn thuần là lợi ích kinh tế, trong một số trường hợp còn có yếu tố phá hoại, thậm chí được các tổ chức, quốc gia hậu thuẫn để phá hoại cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội của quốc gia có xung đột, mâu thuẫn về lợi ích. Do đó, việc đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán điện tử tại Việt Nam không còn là trách nhiệm của riêng cơ quan, tổ chức, cá nhân nào mà của toàn xã hội.

Một số vấn đề khác cũng đang chờ cơ quan quản lý có những quy định cụ thể. Thí dụ, ứng xử thế nào trường hợp khách Trung Quốc đến Việt Nam mua hàng và yêu cầu thanh toán bằng VĐT WeChatPay hay Alipay của Trung Quốc? NHNN sẽ quy định ra sao về tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại các công ty fintech, hay thả nổi cho DN nước ngoài nắm giữ quyền chi phối như hiện nay?

Song song đó, thanh kiểm tra hoạt động của các thành viên không phải NH tham gia thị trường thanh toán cũng là điều cần thiết để tránh xảy ra vụ việc như Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao được trao giấy phép hoạt động cung ứng DVTGTT trong thời hạn 10 năm, nhưng chưa đầy 1 năm bị phanh phui là vỏ bọc tổ chức đánh bạc.

Việc cho phép các công ty viễn thông tham gia hoạt động TTKDTM tạo môi trường công bằng và bình đẳng khi có nhiều thành phần DN tham gia, nhưng phải yêu cầu họ thiết lập hạ tầng thanh toán điện tử đầy đủ, cũng như phải chú ý đến vấn đề bảo mật, giúp người dân an tâm khi TTKDTM.

Theo Yên Lam

Sài Gòn đầu tư tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên