MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh toán không tiền mặt tăng nhanh

16-06-2023 - 09:12 AM | Kinh tế số

Quét mã QR là phương thức thanh toán ngày càng phổ biến

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện nay thanh toán không dùng tiền mặt đã rất phổ biến ở các siêu thị, cửa hàng, chợ, các điểm kinh doanh ăn uống, dịch vụ… Một phần là do các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến đẩy mạnh giới thiệu dịch vụ, kết nối khách hàng và liên tục khuyến mãi để thu hút khách hàng.

Tiểu thương, người bán hàng rong cũng "quét mã"

Chị Ngọc Ba - có sạp bán thịt heo ngay trước sân nhà ở ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM - cho biết sau dịch COVID-19, nhiều khách hàng quen nếp sinh hoạt trước đó, không trực tiếp đi mua mà điện thoại đặt hàng rồi chuyển khoản thanh toán. "Một số khác lại không có thói quen cầm tiền mặt nên cứ hỏi thanh toán chuyển khoản, quét QR Code nên để chiều lòng khách, tôi để sẵn mã QR của VNPay trên sạp cho những ai có nhu cầu" - chị Ngọc Ba cho biết.

Theo tính toán của chị, dù là ở vùng ngoại thành nhưng mỗi ngày, có khoảng 25%-30% khách hàng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.

Chị Hải, tiểu thương kinh doanh trái cây ở chợ Nhị Thiên Đường (quận 8, TP HCM), cũng đã nhận thanh toán bằng tiền mặt lẫn chuyển khoản, trả qua ví điện tử… từ hơn 1 năm nay. "Có lần, một khách hàng nam mua 4 kg xoài cát Hòa Lộc, đến khi tính tiền thì không còn tiền mặt, tôi cho mua thiếu nhưng khách nhất định trả tiền bằng cách chuyển khoản hoặc không lấy hàng. Tôi không có tài khoản ngân hàng nên đành chịu thua. Sau khi bán hụt mớ xoài đó, tôi mở tài khoản ngân hàng, nhờ con chỉ cách xài internet banking và làm quen với thanh toán không tiền mặt" - chị Hải kể.

Thanh toán không tiền mặt tăng nhanh - Ảnh 1.

Tiểu thương ở chợ Bến Thành chấp nhận thanh toán bằng mã QR Ảnh: ĐÌNH QUANG

Nhiều tiểu thương ở các chợ trên địa bàn TP HCM gần đây cũng rất bất ngờ khi được "đầu tư" thêm kênh thanh toán mới. Đây là hoạt động dán mã VietQR tại các khu vực kinh doanh sầm uất và khu vực hành chính công, trong khuôn khổ sự kiện Ngày không tiền mặt 2023 do Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp với một số đơn vị khác triển khai, góp phần tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ về thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.

Nhiều tiểu thương ở chợ Bến Thành (quận 1) cho biết sau khi dán mã VietQR, việc thanh toán trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, không cần chạy tới chạy lui để đổi tiền lẻ như trước đây. Ông Nguyễn Duy An, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết với sự hỗ trợ của NAPAS, các mã VietQR đã được cung cấp cho các tiểu thương tại chợ Bến Thành, thu hút nhiều du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan mua sắm hơn.

Cũng theo ông An, sắp tới quận 1 sẽ nhân rộng mô hình này tại các chợ truyền thống cũng như các tuyến phố kinh doanh trên địa bàn.

Phổ biến cho toàn dân

Trong khi đó, thanh toán không dùng tiền mặt ở kênh phân phối hiện đại hiện nay đã phát triển hơn trước rất nhiều. Tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chiếm tới 42% giao dịch trên toàn hệ thống WinMart/WinMart+. Các hình thức thanh toán phổ biến gồm quẹt thẻ VISA, thẻ ATM, scan QR Code qua mobile app của các ngân hàng, thanh toán Tpay của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và thanh toán qua ví VinID. Tại hệ thống MM Mega Market, có hơn 10% khách hàng chọn thanh toán không tiền mặt.

Còn tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra… của Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), tỉ lệ này cũng đã tăng mạnh, đạt gần 10%. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co.opmart, cho biết Saigon Co.op đang đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng, ví điện tử, app… triển khai các chương trình khuyến mãi và tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng tham gia thanh toán trực tuyến. "Thanh toán không tiền mặt càng phát triển, doanh nghiệp bán lẻ càng được lợi bởi thời gian thanh toán nhanh, đỡ mất công kiểm đếm tiền, giảm sai sót, đỡ phải đổi tiền lẻ để thối cho khách…" - ông Thắng nêu.

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc NAPAS, cho biết hoạt động dán mã QR cho các tiểu thương, hộ kinh doanh cùng với các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khác như thẻ, tài khoản ngân hàng, ví điện tử... góp phần tạo sự thuận lợi cho người dân. Sắp tới, NAPAS sẽ thúc đẩy thanh toán VietQR là điển hình của việc thanh toán qua điện thoại thông minh, cũng là mục tiêu hướng tới trong phổ cập thanh toán không tiền mặt cho người dân.

Nhiều ngân hàng thương mại cũng đã triển khai giải pháp nâng tầm thanh toán không tiền mặt. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ngoài thanh toán qua mã VietQR, MB cũng đã sớm triển khai thanh toán qua Google Pay. "Chỉ mất 10 giây cho một giao dịch", là chia sẻ của đại diện MB khi nói về thanh toán qua Google Pay. Khách hàng chỉ cần gắn thông tin thẻ MB Visa lên ứng dụng Google Pay và đưa điện thoại của mình đến gần thiết bị thanh toán không tiếp xúc, giao dịch sẽ hoàn tất trong giây lát. Đặc biệt, phương thức này có độ bảo mật rất cao.

Tại Techcombank, hiện hơn 90% giao dịch của khách hàng qua ngân hàng này được thực hiện qua kênh số, tỉ lệ gắn bó với ứng dụng đạt đến 88%. Khối lượng giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý I/2023 của Techcombank tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 238,4 triệu lượt, với giá trị giao dịch đạt 2,1 triệu tỉ đồng. Đối với khách hàng doanh nghiệp, tính tới tháng 4-2023, tỉ lệ khách hàng tự mở tài khoản online toàn diện đã tăng 7 lần so với tháng đầu năm.

Theo các chuyên gia tài chính, chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi hành vi thanh toán của người dùng khi hơn 74,6% người trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng. Nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện trên kênh số; 3,71 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở hay chỉ một ví điện tử có tới 31 triệu người dùng. 

Phải bảo đảm an toàn

Để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện công tác bảo đảm an toàn, an ninh; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, khai thác hiệu quả dữ liệu trong thiết kế, phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích phù hợp với nhu cầu, hành vi của từng nhóm đối tượng khách hàng. Đồng thời, bảo đảm an ninh an toàn và bảo mật thông tin khách hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng...

Th.Phương

Theo Thái Phương - Phương An

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên