MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh tra Bộ Nông nghiệp: 67% mẫu nước mắm có thạch tín vượt ngưỡng, nhưng không có nghĩa là độc hại

Người Việt dùng 200 triệu lít nước mắm mỗi năm, nhưng chưa có đầy đủ quy chuẩn để quy định nước mắm thế nào được gọi là an toàn. Ngay cả với kết quả của cuộc khảo sát mới đây công bố 67% mẫu nước mắm có lượng thạch tín vượt ngưỡng, thì việc vượt ngưỡng này có độc hại hay không thì không ai khẳng định được.

Theo Tổng cục Thống kê, người dân Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm. Tuy nhiên, nước chấm không thể thiếu trên bàn ăn người Việt trong mỗi bữa ăn có thực sự an toàn?

Một khảo sát mới đây của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho thấy: Theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng Arsen ( thạch tín ) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/l. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm Arsen tổng cho thấy có đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định của QCVN này.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết: “Cần có những nghiên cứu để đánh giá xem mức Arsen vượt ngưỡng này có ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng hay không”.

* Hơn 67% mẫu nước mắm có lượng Arsen vượt ngưỡng nhiều lần theo kết quả khảo sát của Vinastas khiến người dùng rất hoang mang. Ý kiến của ông về hàm lượng Arsen trong khảo sát này thế nào?

Arsen phát hiện ở đây không phải là Arsen vô cơ mà là Arsen hữu cơ, tức tự thân trong động vật (cá) đã sản sinh ra Arsen này. Việc hàm lượng Arsen hữu cơ vượt ngưỡng thế này cần có những nghiên cứu để đánh giá xem liệu chuyện vượt ngưỡng này có ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng hay không.

Trong khảo sát này, tôi cũng chưa thấy nói lên việc các độc chất được đưa vào trong nước mắm, mà mới đánh giá về chất lượng nước mắm (độ đạm) mà thôi.

* Arsen như ông nói là Arsen tự sinh. Vậy đã có nghiên cứu nào khẳng định Arsen như thế này ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Các nghiên cứu này thuộc trách nhiệm của bên y tế cũng như Hiệp hội Đánh bắt Thủy sản. Cần có thời gian nghiên cứu tài liệu để có được công bố chính thức.

Khảo sát có nói đến việc lượng Arsen vượt ngưỡng rất cao, nhưng Arsen này có phải do người sản xuất cho vào, hay Arsen hữu cơ ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe người tiêu dùng… thì cần có đánh giá và ý kiến của các bên liên quan.

Về lâu dài, tôi cho rằng cần có sự nghiên cứu sâu về vấn đề này vì đây là món ăn không thể thiếu của người Việt.

* Thưa ông, hiện nay đã có tiêu chuẩn nào để biết nước mắm thế nào là an toàn, thế nào là không an toàn hay chưa?

Hiện chưa có công bố nào nói nước mắm nào là không an toàn. Hiện chỉ có vấn đề là nhà sản xuất phải công bố công khai và minh bạch các thành phần có trong nước mắm, hoặc nước chấm. Nhưng các quy định thì hiện đang chưa rõ ràng.

* Nhưng chúng ta đã có Quy chuẩn Việt Nam...

Đã có Quy chuẩn Việt Nam và quy chuẩn ngành, nhưng hiện vẫn đang thiếu. Chúng tôi nghĩ để quản lý tốt mặt hàng nước mắm thì cần phải xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý tốt việc sản xuất và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

* Với kết quả công bố 67% mẫu nước mắm có hàm lượng Arsen vượt ngưỡng thì sao?

Đây là kết quả của cuộc khảo sát, chưa phải kết quả kiểm định, giám định để làm cơ sở trong việc xử lý hay không xử lý.

Chúng tôi nghĩ đây là một kênh tin tức quan trọng và chúng tôi cho rằng báo chí cần tuyên truyền để bà con hiểu được chất lượng của nước mắm và Nhà nước thấy cần kiểm tra ra sao, để tránh việc nhà sản xuất công bố một đằng mà hàm lượng lại thấp hơn để đánh lừa người tiêu dùng.

* Xin cảm ơn ông!

Câu chuyện chất lượng nước mắm được rộ lên ban đầu vào ngày 10/10 từ báo chí với việc phản ánh tình trạng sản xuất nước mắm công nghiệp từ nước và hóa chất. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh về tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất đang chi phối thị trường.

Ngày 11/10, một doanh nghiệp sản xuất nước mắm có thị phần lớn đã gửi công văn kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước, đề xuất việc thanh tra toàn diện mặt hàng này, trong đó chú trọng đến việc tuân thủ quy định về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng (nhất là Arsen trong nước mắm) và công khai kết quả sau đó để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Trao đổi về lượng Arsen hữu cơ trong nước mắm, bà Trần Thị Dung, chuyên gia Viện Kinh tế - Quy hoạch thủy sản, cho biết bản chất nước mắm đã chứa hàm lượng asen hữu cơ cao do tự có trong thủy sản và hải sản. Tuy nhiên, Arsen hữu cơ gần như vô hại.

Theo Bảo Bảo

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên