Tháo gỡ được khó khăn của thị trường bất động sản sẽ xử lý được nhiều vấn đề khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua. Làm được điều này sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo…
- 27-01-2023Thủ tướng: Vừa cải tạo, nâng cấp đường sắt Hà Nội-TPHCM, vừa nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam
- 27-01-2023Thanh Hoá: Khởi công tuyến đường nối hai quốc lộ hơn 1.400 tỷ đồng
- 27-01-2023Diện mạo huyện có siêu đô thị rộng gần bằng quận Hoàn Kiếm, có thể lên quận sau vài tháng nữa
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua. Làm được điều này sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo…
Chiều 27/1, tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự cuộc gặp mặt nhân dịp đầu Xuân mới và giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành ngân hàng.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, đại diện các ngân hàng thương mại.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao việc triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, nhất là mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế năm 2022.
Những ngày đầu năm 2023, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 năm 2023 của Chính phủ, các hoạt động ngân hàng trong dịp Tết được bảo đảm thông suốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, góp phần cùng cả nước đón Tết nhìn chung an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm.
Thủ tướng nhấn mạnh, vừa qua, việc xử lý một số vấn đề liên quan tới hệ thống ngân hàng gặp những khó khăn, nhưng chúng ta đã kịp thời báo cáo các cấp có thẩm quyền và đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất. Chúng ta cũng trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn, hiểu biết hơn để tiếp tục xử lý các nhiệm vụ tương tự, vì mục tiêu hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch, thông suốt, bền vững.
Thủ tướng mong muốn ngành ngân hàng thực hiện tốt hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn các nhiệm vụ công tác, đạt kết quả năm 2023 cao hơn năm 2022 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mặc dù tình hình dự báo có khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi.
Thủ tướng nêu rõ 3 điểm mà ngành ngân hàng cần cố gắng hơn, nỗ lực khắc phục kịp thời, càng sớm càng tốt trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
3 vấn đề cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ 3 điểm mà ngành ngân hàng cần cố gắng hơn, nỗ lực khắc phục kịp thời, càng sớm càng tốt trong thời gian tới.
Theo đó, phản ứng chính sách có thời điểm còn chậm, công tác phân tích có lúc, có lúc còn hạn chế, nguồn vốn tín dụng có thời điểm, có nơi chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của ngươi dân và doanh nghiệp; cần phải bám sát tình hình và mong muốn, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp để phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả hơn.
Thứ hai, công tác thanh tra, giám sát có lúc chưa phát hiện kịp thời các sai phạm để xử lý; cần coi trọng, tích cực hơn nữa trong công tác này, không để khuyết điểm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Các ngân hàng thương mại cũng cần phải đóng góp tích cực hơn cho việc làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, tích cực xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no.
Thứ ba, việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm. NHNN và các cơ quan liên quan phải chủ động hơn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác đánh giá tài sản của các ngân hàng này, nếu cần thì mời thêm các đơn vị kiểm toán, điều quan trọng là không để xảy ra tiêu cực, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các rủi ro, sai phạm.
Bảo đảm thanh khoản và lưu thông tiền tệ
Năm 2023 là năm bản lề giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Theo Thủ tướng, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn. Xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài. Hậu quả đại dịch COVID-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm. Lạm phát tiếp tục ở mức cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia. Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, bất động sản, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin trên toàn cầu gia tăng. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế.
Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp. Những tồn tại, hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất trong nước, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tích tụ từ lâu chưa được xử lý dứt điểm; quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn, nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bến ngoài còn hạn chế; những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.
Thủ tướng tin tưởng rằng, ngành ngân hàng sẽ phát huy truyền thống, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, năm mới thắng lợi mới, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, nhân dân trông đợi, doanh nghiệp chờ đón. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, do đó trước các vấn đề đặt ra, không thể có giải pháp hoàn thiện mà chỉ có giải pháp tối ưu, giải pháp tốt nhất trong số giải pháp có thể. Cần nhận thức rõ đặc điểm này để chúng ta quyết tâm hành động với tâm sáng, phát triển hệ thống ngân hàng để phục vụ nhân dân; đồng thời càng khó khăn, phức tạp càng phải giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, chủ động, linh hoạt.
Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ngay từ đầu năm các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có Nghị quyết 01 năm 2023 của Chính phủ, quyết tâm, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo tinh thần chủ đề điều hành của năm 2023 "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả" đã được Chính phủ xác định.
Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chú trọng rà soát cơ sở pháp lý, hoàn thiện các quy định về hoạt động ngân hàng trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, không cầu toàn.
Theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, trong nước, kịp thời dự báo, cảnh báo rủi ro để có đối sách phù hợp; thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Điều hành kịp thời các công cụ chính sách vĩ mô, tài khóa, tiền tệ để cân bằng hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, bảo đảm đủ vốn cho nền kinh tế với chi phí, lãi vay hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; không để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tốt mà lại thiếu vốn. Thủ tướng nhấn mạnh, bảo đảm thanh khoản và lưu thông tiền tệ là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành ngân hàng, điều quan trọng là hướng dòng vốn đi đúng hướng.
Rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở xã hội và cho công nhân. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua.
Thủ tướng nhấn mạnh: Tháo gỡ được những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo… Khó khăn là có, nhưng chúng ta không bó tay trước khó khăn, chọn điểm đột phá để thực hiện, Thủ tướng nêu rõ.
Cùng với đó, nâng cao năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống, không để mất an toàn hệ thống và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thủ tướng yêu cầu mạnh dạn tuyên truyền để người dân yên tâm về vấn đề này trên tinh thần đã hứa thì phải làm, đã làm phải hiệu quả.
Tập trung chấn chỉnh, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát toàn hệ thống; tinh thần là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhưng ai làm sai thì phải bị xử lý; kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm và cảnh báo, chấn chỉnh các biểu hiện vi phạm, các việc làm chưa đúng; ai yếu kém, ai sợ làm thì đứng sang một bên.
Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tập trung chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch trong hoạt động, rà soát, xử lý và ngăn ngừa tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, sở hữu chéo, "sân sau", cho vay không đúng quy định của pháp luật.
Nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả quản lý của các tổ chức tín dụng; khẩn trương thực hiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại đã được cấp có thẩm quyền cho phép.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng tin tưởng rằng, ngành ngân hàng sẽ phát huy truyền thống, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, năm mới thắng lợi mới, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, nhân dân trông đợi, doanh nghiệp chờ đón.
VGP