Thảo luận Luật Kiến trúc, đại biểu lo Hồ Gươm biến thành sân ga
Hồ Gươm là di sản văn hóa cấp quốc gia đặc biệt nhưng nay đang dự kiến sẽ có một đường tàu điện ngầm và sẽ xuất hiện một nhà ga, khu vực này sẽ biến thành sân ga, đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) lo ngại.
Thảo luận về dự án Luật Kiến trúc tại Quốc hội chiều 14/11, các vị đại biểu đều tán thành sự cần thiết ban hành luật nhưng còn không ít lo ngại ở nhiều nội dung của dự thảo.
Theo đại biểu Hùng thì văn kiện Đại hội Đảng đã nêu yêu cầu chú trọng thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam trong những công trình xây dựng và kiến trúc mới.
Yêu cầu này, theo đại biểu cần phải được chú ý nhiều hơn nữa trong lĩnh vực kiến trúc để khắc phục tình trạng kiến trúc từ đô thị đến nông thôn trong toàn quốc còn rất thiếu thống nhất và thiếu bản sắc. Chưa thấy xuất hiện nhiều tác phẩm kiến trúc đặc sắc có giá trị lớn, đậm đà bản sắc dân tộc và mang tầm vóc của thời đại.
Nhất là thời gian gần đây các công trình dường như vẫn còn nặng về các giá trị về kinh tế và lợi ích cục bộ hơn là tính đến giá trị về bản sắc văn hóa, đại biểu Hùng nhận xét.
Ví dụ ngay sau đó được đại biểu Hùng nhắc đến có liên quan đến cụm di tích ở Hồ Gươm, nơi được coi là trái tim của cả nước.
"Theo khoa học địa lý thì đây là một linh huyệt và long mạch để giữ ổn định và thịnh vượng cho quốc gia, được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia đặc biệt. Nhưng nay đang dự kiến sẽ có một đường tàu điện ngầm to trên 20m. Đỉnh nóc đường hầm cách cụm di tích của Đài Nghiên Tháp bút chỉ vài mét. Cũng không ai dám khẳng định khi thi công và vận hành đường tàu này có gây sụt lở hoặc ảnh hưởng đến cụm di tích này không", ông Hùng lo lắng.
Theo đó, sẽ xuất hiện một nhà ga C3, ông Hùng nói tiếp và cho biết như hình ảnh ông được tiếp cận thì đây là một kiến trúc hoàn toàn xa lạ với thẩm mỹ của người Việt.
Đặc biệt, nhà ga này lại nằm trong vành đai 2 được bảo vệ của Luật Di sản. Dự kiến sau khi hoàn thành thì một ngày sẽ có 5000 người sẽ đổ về đây. Đây sẽ biến thành một sân ga thì liệu như thế có giữ được cảnh quan kiến trúc của di sản cấp quốc gia đặc biệt này hay không, đại biểu Hùng đặt vấn đề.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) dẫn kết quả nghiên cứu chỉ ra những hạn chế của kiến trúc Việt Nam. Đó là: hỗn loạn trong kiến trúc tại các đô thị, kiến trúc nông thôn thì bị biến dạng, nhiều kiến trúc truyền thống tại các di sản văn hóa bị xâm hại, tính bền vững trong thiết kế kiến trúc Việt Nam còn hạn chế, không gian công cộng bị lãng quên, quá chú trọng vào các tòa nhà trọc trời, tư duy kiến trúc còn lạc hậu, việc tiếp cận với các xu hướng kiến trúc tiên tiến còn hạn chế và chưa quan tâm đúng mức tới yếu tố khí hậu đặc trưng trong kiến trúc.
Mặc dù đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam không phải là không đủ khả năng, thậm chí là nhiều tài năng, ông Thắng nhận xét.
Theo đại biểu cần bổ sung nguyên tắc khắc phục được những bất cập của thực trạng quản lý kiến trúc hiện nay, tạo điều kiện để kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư phát triển vào các nguyên tắc xây dựng luật.
Một số vị đại biểu khác cũng băn khoăn về quy định dịch vụ kiến trúc và phạm vi hành nghề kiến trúc tại dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) băn khoăn vì theo quy định tại điều 16, cá nhân kiến trúc sư sẽ không được tự do hành nghề nếu không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ năng lực. Tuy nhiên, trong dự thảo luật không thấy nói đến chứng chỉ năng lực là gì.
Ông Tuấn phân tích, trong lĩnh vực kiến trúc còn được xem là một loại hình nghệ thuật thì không có cơ sở khoa học nào để cho rằng người có chứng chỉ giỏi sáng tạo hơn người không có chứng chỉ. Cũng như người nhiều tuổi hơn, ra trường nhiều năm hơn thì giỏi và sáng tạo hơn người trẻ tuổi và người mới tốt nghiệp. Thực tế, có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, sáng giá trong lĩnh vực lại là của những người tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ.
Phát biểu cuối phiên thảo luận, đại diện Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cảm ơn những ý kiến hết sức xác đáng của đại biểu, đã đóng góp vào những nội dung cốt lõi và quan trọng nhất của dự thảo.
Ban soạn thảo xin nghiêm túc tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội, cùng phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan có liên quan khác, tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ, chỉnh lý dự thảo luật và tiếp tục báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định, Bộ trưởng nói.
Vneconomy