Thất bại muốn chôn vùi của Toyota: Loay hoay khởi nghiệp 1 công ty công nghệ nhưng bất thành, nhân viên cũng không hiểu đang làm gì
Toyota có giấc mơ lớn để theo đuổi khi thành lập 1 startup công nghệ nhưng mọi chuyện không đi về đâu.
- 29-10-2023Mẫu xe bí mật Toyota làm suốt 3 năm: Đối trọng của Ford Maverick, dễ làm khách Việt mê mệt
- 29-10-2023Hình ảnh này cho thấy Toyota Vios đời mới dễ bán tại Việt Nam, có thể thêm bản hybrid cạnh tranh City
- 28-10-2023Dàn xe Toyota độc đáo này cho thấy chuẩn thực dụng là thế nào: Làm nhà, thành cửa hàng di động đều được
Mỗi năm, Toyota bán được nhiều ô tô hơn bất kỳ công ty nào khác. Hãng cũng có những giấc mơ lớn để theo đuổi khi thành lập startup công nghệ vào năm 2021, lựa tuyển một chuyên gia công nghệ người Mỹ và kỳ vọng phần mềm dành riêng cho những chiếc ô tô Toyota sẽ trở thành tiêu chuẩn. Theo WSJ, startup sau đó lên kế hoạch xây dựng một thành phố mới tại chân núi Phú Sĩ - địa điểm lý tưởng giúp thử nghiệm ô tô tự lái, robot và hydro sản xuất điện.
Giám đốc điều hành lúc bấy giờ là Akio Toyoda kỳ vọng công ty mới sẽ giúp Toyota chinh phục “giai đoạn nghìn năm có một” - nơi xe điện trở thành xu hướng, tự lái và phát triển rất nhiều phần mềm.
Theo ông Toyoda, công ty mới có tên Woven Planet, ám chỉ xuất thân Toyota từ một nhà máy dệt tự động. Vị CEO nắm giữ 5% cổ phần, đích thân đầu tư 34 triệu USD để cho thấy sự quyết tâm.
Hiện tại, giấc mơ Woven Planet chưa hiện thực hoá. Phía công ty khẳng định tầm nhìn vẫn vẹn nguyên, song việc phát hành phần mềm cho phép người lái nâng cấp ô tô đã bị trì hoãn. Thành phố mới dưới chân núi Phú Sĩ cho đến nay cũng chưa thành hình.
Sau 3 năm, vị chuyên gia công nghệ nọ rời đi. Ông đùa về mái tóc rụng nhiều của mình, phần cho thấy những khó khăn và căng thẳng trong suốt quá trình triển khai dự án mới.
Woven Planet bắt đầu bằng tham vọng lớn, song lại không phù hợp với mong muốn của Toyota. Bản thân công ty cũng gặp khó khăn trong việc kết nối với công ty mẹ - thương hiệu vốn đang cố gắng tái tạo chính mình trong kỷ nguyên xe điện. Kết quả, các dự án liên tục bị gia hạn, có khi kéo dài đến năm 2027.
Toyota là nền tảng của kinh tế Nhật Bản. Trong hơn nửa thế kỷ, tập đoàn đã đặt ra nhiều tiêu chuẩn cho các nhà sản xuất ô tô toàn cầu với nguyên tắc đề cao tính hiệu quả, giảm lãng phí và cải tiến liên tục.
Các giám đốc điều hành đa phần đều là người Nhật. Họ dành gần như cả cuộc đời để cùng nhau gây dựng Toyota. Chiếc áo khoác đồng phục nhà máy trở thành trang phục quá đỗi quen thuộc.
Toyota không phải là nhà sản xuất duy nhất gặp vấn đề về phần mềm. General Motors từng tạm dừng hoạt động sản xuất xe tự lái do lo ngại tính an toàn; trong khi Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới, sa lầy sau khi chi hàng tỷ USD phát triển dự án phần mềm của riêng mình.
Trong cuộc họp nội bộ vào năm 2020, Toyoda khuyến khích nhân viên Woven Planet hãy mơ lớn, đồng thời tạo động lực để công ty chiêu mộ nhân tài và thực hiện một số thương vụ thâu tóm.
“Tôi tin rằng chúng ta có thể làm được những điều tuyệt vời. Tôi tin rằng chúng ta có thể thay đổi thế giới”, ông Toyoda nói.
James Kuffner, nhà chế tạo robot kỳ cựu của Toyota, được chọn mặt gửi vàng để điều hành Woven Planet. Ông hiện 52 tuổi, quản lý hơn 2.000 nhân viên của Woven Planet, đồng thời làm cố vấn cho con trai chủ tịch Toyoda, Daisuke. Trong năm tài khoá kết thúc vào tháng 3/2023, ông James Kuffner kiếm được gần 9 triệu USD.
Ngoài dự án tân thành phố tại chân núi Phú Sỹ, Toyota còn tham vọng tạo ra phần mềm hàng đầu ngành xe hơi mang tên Arene - hệ điều hành giúp các tài xế tải về các bản cập nhật thông qua mạng Internet. Arene sau đó thu thập và chia sẻ dữ liệu của hàng triệu xe, nhà thông minh và cơ sở hạ tầng trong thành phố.
Tuy nhiên, tham vọng này quá lớn và chính các nhân viên Toyota và Woven Planet cũng công nhận. Sáu tháng trước, trong một cuộc họp toàn nhân viên tại Woven, câu hỏi được đưa ra nhiều nhất với các lãnh đạo là “Thực chất Arene là gì?”.
Mục tiêu ra mắt phiên bản hoàn chỉnh bị lùi đến năm 2025, thậm chí 2027. Điều này khiến ông Toyoda vô cùng tức giận.
Năm ngoái, Woven Planet chuyển trọng tâm sang phát triển sản phẩm. Các lãnh đạo có kinh nghiệm về xe hơi cũng được đưa vào công ty. Với lần đầu ra mắt, Arene được định hướng tập trung vào mọi trải nghiệm trên xe, chẳng hạn như tính năng cho phép người lái tùy chỉnh âm thanh, hộp số sàn…
John Absmeier hiện là Giám đốc Công nghệ của Woven. Ông khẳng định tầm nhìn của Arene vẫn vậy, dù cho có khó khăn thế nào đi chăng nữa. “Woven sẽ đi từng bước thay vì thay đổi 180 độ đột ngột”, ông nói.
Hồi tháng 1, ông Sato được bổ nhiệm làm tân CEO Toyota với nhiệm vụ tăng tốc quá trình chuyển đổi sang xe điện. Vài ngày sau khi nhậm chức, vị lãnh đạo mới cam kết sẽ ra mắt 10 mẫu xe điện mới cho đến năm 2026. Arene cũng nằm trong kế hoạch này. Woven Planet được đổi tên thành Woven by Toyota để gắn với thương hiệu Toyota.
Tháng này, ông Kuffner từ chức và nhường lại chiếc ghế cho Hajime Kumabe từ Denso - nhà cung cấp hàng đầu cho Toyota. Hãng xe Nhật cho biết Arene sẽ xuất hiện trong một số mẫu xe từ năm 2025. Phiên bản hoàn chỉnh sẽ phát hành vào năm 2026. “Toyota đã học được nhiều điều từ thất bại. Họ giờ đã định rõ mình cần phải làm gì, ưu tiên gì”, Takaki Nakanishi, nhà phân tích ngành xe hơi tại Nhật Bản cho biết. “Câu hỏi hiện tại chỉ là liệu Toyota có thể sản xuất được một mẫu xe thành công trong dài hạn hay không. Thời của Kuffner qua rồi”.
Tại Woven by Toyota, một số nhân viên cho biết họ vẫn gặp khó trong việc thích ứng với văn hóa mới. Sáng tạo phần mềm khó khăn hơn nhiều so với làm phanh xe hay ống bô. Dẫu vậy, vẫn có những quan điểm lạc quan rằng sản phẩm mới sẽ sớm được ra mắt.
Dưới sự giám sát của Daisuke Toyoda, dự án thành phố dưới chân núi Phú Sĩ đang bước đầu được triển khai xây dựng. Các cư dân tiềm năng sẽ sớm tìm được những ngôi nhà phù hợp cho mình, theo WSJ.
Theo: WSJ
Nhịp sống thị trường