"Thất nghiệp giữa thành phố lớn, phải bán vàng để tiêu dạy tôi cách sống với 3 triệu/tháng”
Câu “ở thành phố 10 triệu không sống được” hoàn toàn trở thành cái cớ vụng về để nguỵ biện cho sự tiêu pha lãng phí.
- 11-04-2024Dân văn phòng trần tình khoản chi bỏ ngay sau khi thất nghiệp: Không còn tập gym, cắt hết tiền ăn ngoài, chỉ tiêu 4 triệu đồng/tháng
- 05-04-2024Người đàn ông thất nghiệp bỗng bị cảnh sát triệu tập, ‘tặng’ cho 2 căn hộ trị giá 10 tỷ đồng, cả nhà xưởng: Tất cả bắt đầu từ 1 việc làm cách đó 25 năm
- 04-04-20244 kiểu sinh viên trong tương lai dễ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp nhất, dù trình độ học vấn cao đến mấy
"Ta chỉ sống một lần trên đời, suy nghĩ lắm chi em ơi" không đơn thuần là một câu hát, nó còn là kim chỉ nam trong cách sống và cả cách tiêu tiền của không ít bạn trẻ.
Vì ta chỉ sống một lần thôi mà, ngại gì không chi tiền để nuông chiều bản thân, nhất là khi sức kiếm tiền của mình cũng tốt. Lối sống YOLO (You Only Live Once) đó không phải không tốt, nhưng mặt trái của nó chính là khiến nguồn ngân lượng của chúng ta nhanh cạn kiệt.
Từng kiếm được 15 triệu/tháng - Mức lương ổn, Thanh Thảo - Bạn trẻ sinh năm 2002 cũng mặc nhiên để suy nghĩ "lương cao mà, cứ tiêu đi" choán lấy mình. Cho đến tận khi không may thất nghiệp 3 tháng, Thanh Thảo mới "bừng tỉnh".
Bố mẹ "tiếp tế" 2-3 triệu/tháng lúc thất nghiệp vẫn phải bán vàng mới đủ tiền chi tiêu
Hiện tại, Thanh Thảo đang sống cùng bố mẹ. Khi còn đi làm và có nguồn thu nhập ổn định khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng, Thanh Thảo đều đặn "nộp" 2-3 triệu tiền ăn hàng tháng cho bố mẹ, đồng thời đóng tiền điện, nước, mạng internet cho cả nhà.
"Ngoài ra, mình cũng có mua vàng. Hồi mình mua giá vàng không cao như bây giờ, chỉ khoảng 5,8 triệu đồng/chỉ. Mình mua được 1 chỉ. Số tiền còn lại thì mình dùng chi tiêu cá nhân. Đi cà phê, ăn uống, mua quần áo, mỹ phẩm và mấy món đồ nhìn "hay hay" ấy. Mình đi chơi siêu nhiều và siêu nuông chiều bản thân nên cứ hết tháng là hết tiền" - Thanh Thảo thừa nhận.
Đến khi thất nghiệp, Thanh Thảo phải bán vàng mới có đủ tiền để chi tiêu. Cô bạn cho biết lúc ấy, cứ bí tiền là lại mang nửa chỉ vàng đi bán.
"Hồi đi làm, dù lương cao nhưng mình vẫn chẳng có tiền tiết kiệm vì mình luôn nghĩ lương cao mà, cứ tiêu đi. Đến lúc thất nghiệp, mình mới hốt hoảng nhận ra không có tiền thì sống thế nào được.
Sau khi hết tiền, mình hạn chế đi chơi hơn. Trước đây, toàn là mình chủ động rủ bạn bè đi chơi ấy. GIờ thì khác, mình chỉ đi cà phê 1-2 lần/tháng, để gặp những người bạn lâu ngày chưa gặp thôi. Đồng thời, cũng phải cắt giảm ăn ngoài, hôm nào bất đắc dĩ lắm mới ăn nhưng cũng ăn những thứ rẻ thôi. Mỹ phẩm thì cái gì hết mà rất cần, mình mới mua, chứ không mua vô tội vạ nữa. Còn nhu cầu mua quần áo và mấy thứ trông hay hay nhưng chẳng có tác dụng gì thì mình cắt hoàn toàn".
Thanh Thảo chia sẻ và cho biết nhờ tiết chế việc ăn chơi, mua sắm mà cô vẫn sống khoẻ re suốt mấy tháng trời với số tiền 2-3 triệu mà thi thoảng bố mẹ "tiếp tế". Cuộc sống vẫn thoải mái chứ không đến mức thiếu thốn hay khổ sở quá.
"Thất nghiệp dạy mình nhiều bài học đắt giá"
Cách đây 1 tuần, Thanh Thảo đã tìm được việc làm, chính thức chấm dứt quãng thời gian thất nghiệp. Nhìn lại 3 tháng không kiếm được tiền của mình, Thanh Thảo không ngại thừa nhận nếu không thất nghiệp, có lẽ cô không thể chấm dứt thói quen chi tiêu phung phí.
"Trước đây mình luôn theo chủ nghĩa YOLO, luôn nghĩ tiền lúc nào kiếm chẳng được, nên chẳng nghiêm túc tiết kiệm. Hồi ấy, mình hoàn toàn không nghĩ đến việc có thể sẽ có ngày mình không kiếm được tiền" - Thanh Thảo bộc bạch.
Vì mới chỉ đi làm lại được 1 tuần nên hiện tại, Thanh Thảo vẫn phải "sống dựa" vào bố mẹ đến hết tháng này. Tuy nhiên, cô bạn khẳng định bản thân đã bắt đầu "nghiện" tiết kiệm rồi.
"Mình không biết việc giảm tần suất ăn chơi và từ bỏ thói quen mua linh tinh có được coi là thành tựu không nữa. Dù bây giờ mình chưa có tiền tiết kiệm, nhưng mình thấy sống tiết kiệm như hiện tại ổn hơn nhiều so với ngày xưa. Sức khoẻ mình ổn hơn, suy nghĩ mình tích cực hơn vì mình luôn hướng đến việc tiết kiệm để mua được những thứ to to, ra tấm ra món" - Thanh Thảo kể.
Cô bạn cũng hồ hởi chia sẻ kế hoạch tiết kiệm trong thời gian tới, sau khi đã đi làm trở lại.
"Sau khi nhận tháng lương đầu tiên, mình vẫn chỉ chi tiêu trong mức 3 triệu đổ lại như hồi thất nghiệp thôi. Phần còn lại mình sẽ chia tỷ lệ 7-3: 7 để tiết kiệm/đầu tư (có thể mua vàng, gửi sổ tiết kiệm); 3 phần còn lại mình sẽ để trong 1 tài khoản ngân hàng ít dùng hơn, phòng khi có việc cấp bách".
Thất nghiệp 3 tháng, phải bán vàng để lấy tiền "phục vụ bản thân" và cuối cùng trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình: Khỏe hơn, suy nghĩ tích cực hơn, chi tiêu có mục đích hơn. Cũng không mấy ngoa ngoắt nếu khẳng định 3 tháng thất nghiệp đã giúp Thanh Thảo lột xác.
Đúng là cứ phải đến lúc bí tiền, người ta mới biết nhận ra tầm quan trọng của việc tiết kiệm và quản lý chi tiêu!
Phụ nữ số