MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thất thu hàng chục tỷ đồng từ hàng nghìn hecta nuôi ngao

10-10-2017 - 15:51 PM | Thị trường

Từ năm 2010 đến nay, hơn 30 hộ dân ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) và nhiều hộ ở Nam Định, Thái Bình sang tự ý cắm cọc vây bãi nuôi ngao khiến an ninh trật tự ở địa phương rất phức tạp, ngân sách bị thất thu hàng chục tỷ đồng.

Nguyên nhân là do các hộ thường xảy ra tranh chấp, vùng nuôi chưa được huyện Kiến Thụy quy hoạch chi tiết và chưa được thành phố phê duyệt.

Quây cọc chiếm bãi, cấm ngư dân đánh bắt hải sản

Theo khảo sát, vùng đất mặt nước ven biển cửa sông Văn Úc thuộc xã Đại Hợp có diện tích có thể nuôi ngao khoảng 1.300ha nằm cách bờ từ 3 - 10km, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp rừng ngập mặn mặn, phía Nam giáp bãi bồi ven biển huyện Tiên Lãng và phía Bắc giáp bãi bồi ven biển quận Đồ Sơn.


Ngư dân tự ý vây bãi nuôi ngao ở vùng biển xã Đại Hợp

Ngư dân tự ý vây bãi nuôi ngao ở vùng biển xã Đại Hợp

Từ năm 2010 đến nay, các hộ nuôi ngao thoải mái tự ý cắm cọc chiếm bãi thả ngao, hộ ít thì 3 đến 5ha, hộ nhiều thì 10 đến 15ha. Nhiều hộ sau khi cắm vây “xí phần” nhưng không nuôi ngao mà bán cho người khác ở Thái Bình, Nam Định kiếm lời.

Trước đây, xã chỉ có 29 hộ đăng ký nuôi với diện tích hơn 100ha nhưng nay đã có 47 hộ quây vùng nuôi thả ngao với diện tích khoảng 1.200ha, tổng số chòi canh bảo vệ là 119 chòi và số lao động trên các chòi, lô là 141 lao động.

Theo ông Nguyễn Hồng Ban, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hợp, phần lớn trong số này là hộ mới chia tách hoặc không phải người có hộ khẩu ở địa phương. Việc các hộ tự ý quây bãi thả nuôi ngao, dựng chòi canh và thuê bảo vệ tràn lan đã dẫn đến nhiều mâu thuẫn, phức tạp như tranh giành diện tích nuôi ngao, cấm người dân cào ngao tự nhiên và ngư dân vào bãi ngao tự quây để đánh bắt tôm cá.

Ông N.V.H, một hộ nuôi ngao đầu tiên ở ngoài bãi xã Đại Hợp cho biết, năm 2011, ông và một số hộ nuôi ngao ở xã khi quây bãi nuôi ngao luôn để trống khoảng 2km để bà con ngư dân đánh bắt tôm cá, cào ngao tự nhiên. Khi ngư dân vào khu vực quây lưới nuôi ngao để đánh bắt tôm cá cũng được ông và nhiều hộ khác tạo điều kiện vì hoạt động này không ảnh hưởng đến việc nuôi thả ngao.


Vùng ven biển cửa sông Văn Úc là nơi có tiềm năng lớn về nuôi ngao

Vùng ven biển cửa sông Văn Úc là nơi có tiềm năng lớn về nuôi ngao

Ông Ngô Đăng Tấn ở phường Tân Thành, quận Dương Kinh khi neo tàu đậu ở khu vực Cọc Đáy gần cửa sông Văn Úc để xuống bãi lội bộ đánh lưới bị 1 nhóm người nuôi ngao chặn đánh và bắt ký biên bản cam kết không xâm phạm khu vực nuôi. Một ngư dân khác là ông Đồng Văn Chiếm khi đánh bắt tôm, cá cũng bị 4 bảo vệ bãi ngao dùng gậy đánh gây thương tích.

Tuy vậy, từ năm 2013, khi có nhiều hộ không phải người địa phương đến cắm cọc vây bãi thì họ không để lại diện tích trống như trước và cấm ngư dân vào khu vực trong lưới quây khai thác tôm cá. Việc này dẫn đến nhiều vụ xô xát, hành hung ngư dân phải đi nhập viện.

Thất thu ngân sách hàng chục tỷ đồng

Trước tình trạng phát triển “nóng” về diện tích các bãi nuôi ngao do người dân tự ý vây cắm, từ năm 2011, UBND huyện Kiến Thụy có thông báo về việc quản lý bãi nuôi ngao tại khu vực ven biển xã Đại Hợp để chờ quy hoạch chi tiết vùng nuôi ngao.

Theo đó, 29 hộ nuôi ngao được UBND xã Đại Hợp lập danh sách tiếp tục được nuôi thả trên diện tích cũ đến hết vụ nuôi, sau khi quy hoạch chi tiết vùng nuôi được phê duyệt thì từ đầu vụ nuôi sau yêu cầu các hộ thực hiện đúng theo quy hoạch. UBND xã Đại Hợp phối hợp với Đồn Biên phòng Đoàn Xá giữ nguyên hiện trạng vùng nuôi, nghiêm cấm tự ý cắm thêm lưới vây và thả giống.

Tiếp đó, tháng 9/2013, UBND huyện Kiến Thụy thành lập Ban quản lý dự án nuôi ngao huyện với 15 thành viên. Huyện này cũng có chủ trương ký hợp đồng cho thuê 200ha vùng nuôi ngao ở Cồn Cát, là diện tích đã nằm trong vùng quy hoạch nuôi thủy sản nước mặn thuộc quy hoạch nuôi hải sản giai đoạn 2010 - 2015 của thành phố. Tuy nhiên, những chủ trương này chưa thể thực hiện vì chưa có quyết định phê duyệt quy hoạch cả vùng và dự án nuôi ngao tại khu vực.


Hàng ngày có hàng trăm tấn ngao ở xã Đại Hợp được xuất đi Trung Quốc nhưng ngân sách không thu được đồng nào

Hàng ngày có hàng trăm tấn ngao ở xã Đại Hợp được xuất đi Trung Quốc nhưng ngân sách không thu được đồng nào

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Ban, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hợp cho biết thêm, năm 2012, huyện thuê Cty Tư vấn thiết kế & xây dựng Phú An Hải Phòng lập quy hoạch chi tiết vùng nuôi ngao ven biển xã Đại Hợp. Tuy nhiên, bản quy hoạch này chưa được phê duyệt vì thành phố cho rằng, đơn vị tư vấn không đủ tư cách pháp nhân.

Nếu có quy hoạch thì địa phương mới có thể hợp đồng cho thuê mặt nước nuôi ngao với các cá nhân trên cơ sở kiểm tra vị trí, điều kiện nuôi thủy sản của từng hộ và xác nhận đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản.

Mong muốn của địa phương là TP Hải Phòng sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng nuôi ngao để phân định rõ vùng nuôi ngao và vùng khai thác tự nhiên.

Đồng thời, các đầm nuôi ngao phải dành khoảng trống cho tàu thuyền qua lại cũng như bảo đảm khu vực đánh bắt hải sản tự nhiên của ngư dân. Việc phê duyệt quy hoạch vùng nuôi ngao không chỉ giúp việc quản lý khu vực bãi triều nuôi ngao ở Đại Hợp đảm bảo về an ninh trật tự mà còn tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

“Với hơn 1.200ha mà các hộ đang tự ý vây lưới nuôi ngao như hiện nay, nếu 1ha mặt nước cho thuê với giá rẻ nhất là 5 triệu đồng thì mỗi năm có thể thu về cho thành phố khoảng 6 tỷ đồng. Tính từ năm 2010 đến nay thì ngân sách bị thất thu hơn 40 tỷ đồng ở vùng nuôi ngao ven biển Đại Hợp. Xã chúng tôi có cả bãi triều rộng lớn nhưng cũng không thu được đồng nào vì không ai dám đứng ra thu, trong khi ngân sách địa phương rất khó khăn”, ông Ban cho biết.

Theo Nguyên Hạnh - Triệu Long

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên