MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Thầy A7' rời hội đồng quản trị Licogi 14, Hải Phát 3 lần bị nhắc nhở

Tuần qua, thị trường chứng khoán chứng kiến hàng loạt người nhà đua nhau bán tháo cổ phiếu, ông Nguyễn Mạnh Tuấn rút khỏi thành viên Hội đồng quản trị Licogi 14, HoSE nhắc nhở Công ty CP Đầu tư Hải Phát chậm công bố thông tin báo cáo thường niên năm 2022 lần thứ 3.

“Thầy A7” ra khỏi Hội đồng quản trị L14

Trong tuần giao dịch từ 15 - 19/5, chỉ số Vn-Index tăng 0,17 điểm, lên 1.067,07 điểm. Thanh khoản cải thiện tích cực với các phiên đều vượt xa mức 10.000 tỷ đồng. Tương tự, chỉ số Hnx-Index cũng tăng 7,3 điểm, lên 215,1 điểm. Thanh khoản trên sàn HNX đạt tổng giá trị 7.947 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng hơn 785 tỷ đồng trên sàn HoSE, hơn 46 tỷ đồng trên HNX và bán ròng gần 29 tỷ đồng trên thị trường Upcom. Như vậy, tuần qua khối ngoại mua ròng hơn 803 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - thường được dân chơi chứng khoán gọi là “thầy A7” - rời khỏi vị trí thành viên Hội đồng quản trị Licogi 14.

Công ty CP Licogi 14 (mã chứng khoán: L14) vừa công bố danh sách 5 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới 2023 - 2028 gồm các ông Phạm Gia Lý, Nguyễn Anh Dũng, Hoàng Hàng Hải, Nguyễn Văn Tuấn, Phạm Hùng Cường. Như vậy, Licogi 14 đã rút chức danh thành viên Hội đồng quản trị đối với các ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Lại Xuân Hùng và bổ sung ông Hoàng Hàng Hải, Nguyễn Văn Tuấn.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - người thường được dân chơi chứng khoán gọi là “thầy A7” - không còn là thành viên Hội đồng quản trị Licogi 14, ông Tuấn không có nghĩa vụ công bố thông tin về giao dịch mua bán cổ phiếu L14 trong thời gian tới.

Cuối năm 2022, ông Nguyễn Mạnh Tuấn sở hữu 182.159 cổ phiếu L14, chị gái Nguyễn Thúy Ngư sở hữu 830.734 cổ phiếu L14 và người thân của ông là bà Nguyễn Thị Tươi sở hữu 591 cổ phiếu L14.

Người nhà đua nhau bán

Do nhu cầu tài chính cá nhân, bà Phạm Thị Thanh Thủy, vợ ông Bùi Thái Hà - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (mã chứng khoán: LPB) đã bán 2,23 triệu cổ phiếu trong thời gian từ ngày 21/4 đến 9/5/2023. Sau giao dịch, bà Thủy giảm sở hữu tại ngân hàng xuống còn 3.964 cổ phiếu.

Ông Lương Trí Thảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) bán hơn 5,2 triệu cổ phiếu DXG từ ngày 26/4 đến 11/5. Sau giao dịch, ông Thảo còn nắm giữ 959.436 cổ phiếu DXG. Ông Thảo là anh ruột của ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch Hội đồng quản trị DXG. Sau khi ông Thảo bán, 2 phó tổng giám đốc khác của DXG cũng muốn bán cổ phiếu.

Lãnh đạo Đất Xanh liên tục bán tháo cổ phiếu.

Cụ thể, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó tổng giám đốc đăng ký bán 290.000 cổ phiếu DXG từ ngày 19/5 - 16/6. Sau giao dịch, ông Sơn sẽ giảm sở hữu xuống còn 300.084 cổ phiếu.

Tương tự, bà Đỗ Thị Thái - Phó tổng giám đốc cũng đăng ký bán hơn 173.000 cổ phiếu DXG từ ngày 15/5 - 13/6 để giải quyết việc cá nhân. Nếu giao dịch thành công, bà Thái sẽ giảm sở hữu xuống còn 400.000 cổ phiếu.

Một tổ chức đến từ Hồng Kông đã trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán: TTF) khi mua thêm 1,52 triệu cổ phiếu vào ngày 12/5. Cụ thể, Excelsior Oak Limited vừa mua thêm 1.520.000 cổ phiếu TTF để nâng sở hữu từ 4,69% lên 5,06% vốn điều lệ.

SAM Holdings bảo lãnh nợ cho công ty con

Công ty CP SAM Holdings (mã chứng khoán: SAM) thông qua việc bảo lãnh cho công ty con là Công ty CP Dây và Cáp Sacom vay vốn tại Ngân hàng MSB. Cụ thể, SAM Holdings cung cấp thư bảo lãnh thanh toán cho toàn bộ nghĩa vụ nợ (gốc, lãi, phí) của Sacom đối với Ngân hàng MSB chi nhánh TPHCM với hạn mức 100 tỷ đồng.

Trước đó vào tháng 4/2023, SAM Holdings thông qua việc bảo lãnh cho toàn bộ nghĩa vụ nợ của Sacom tại TPBank chi nhánh Bến Thành với giá trị vay 100 tỷ đồng.

Trong tháng 3/2023, SAM Holdings thông qua việc cung cấp thư bảo lãnh thanh toán cho toàn bộ nghĩa vụ nợ của Sacom đối với Ngân hàng TNHH CTBC chi nhánh TPHCM với hạn mức tín dụng là 3 triệu USD.

Liên tục 3 lần liên tiếp, Hải Phát bị HoSE nhắc nhở chậm công bố thông tin.

Tại thời điểm 31/12/2022, SAM Holdings đang sở hữu 99,92% vốn tại Sacom - đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thương mại…

Trong một diễn biến khác, HoSE vừa ra quyết định nhắc nhở Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX) chậm công bố thông tin báo cáo thường niên năm 2022 lần thứ 3. Trước đó, vào các ngày 24/4 và 8/5, HoSE đã nhắc nhở Hải Phát chậm công bố thông tin báo cáo thường niên năm 2022.

HoSE nhấn mạnh, đến ngày 15/5, HoSE vẫn chưa nhận được báo cáo thường niên năm 2022 của Hải Phát. HoSE nghiêm khắc nhắc nhở và đề nghị HPX khẩn trương công bố thông tin báo cáo thường niên năm 2022 theo quy định.

Đồng thời, HoSE cũng quyết định chuyển cổ phiếu HPX từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch từ ngày 23/5 do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với quy định. Như vậy, cổ phiếu HPX chỉ được giao dịch phiên chiều kể từ ngày 23/5.

Theo Duy Quang

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên