MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì qua những con số nhà nước chi tiêu hai tháng đầu năm?

Chỉ trong 2 tháng đầu năm, chi thường xuyên đã chiếm đến hơn 83% chi ngân sách nhà nước. Trong khi đó, chi đầu tư phát triển chỉ chiếm có 4,2%.

Bộ Tài chính cho biết ngân sách nhà nước trong 2 tháng tổng chi 177.675 tỷ đồng, bằng 11,7% dự toán, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, chi thường xuyên (không bao gồm chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế) đạt 147.783 tỷ đồng, chiếm 83,1% tổng chi ngân sách.

Chi trả nợ lãi đạt 21.990 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng chi.

Chi đầu tư phát triển chỉ đạt khoảng 7.487 tỷ đồng, chiếm 4,2%.

Thấy gì qua những con số nhà nước chi tiêu hai tháng đầu năm? - Ảnh 1.

So sánh giữa tỷ lệ chi ngân sách 2 tháng đầu năm của năm 2017 và 2018

So sánh với cùng kỳ năm ngoái, có thể thấy tỷ lệ chi thường xuyên trong ngân sách nhà nước vẫn trong xu hướng tăng, trong khi đó, chi đầu tư phát triển đã bị giảm hơn một nửa.

Cụ thể, tổng chi ngân sách 2 tháng năm 2017 ước đạt 175.800 tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 17.500 tỷ, chiếm gần 10%.

Chi trả nợ lãi xấp xỉ 19.000 tỷ đồng, chiếm 10,8%.

Chi thường xuyên đạt 139.100 tỷ đồng, chiếm 79,1%.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, tương quan chênh lệch lớn giữa tỷ lệ chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển của hai tháng đầu năm 2018 là chưa nói lên được điều gì.

Nguyên nhân chi đầu tư thường được giải ngân vào các giai đoạn cuối năm nhiều hơn, đầu năm thường là giai đoạn xây dựng kế hoạch, định hướng xem đầu tư cái gì, vào đâu. Do vậy, giải ngân đầu năm rõ ràng sẽ ít hơn so với các kế hoạch cụ thể.

Tuy nhiên, ông Đinh Tuấn Minh cũng nhiều lần lưu ý về vấn đề chi thường xuyên qua các năm không có xu hướng giảm mà lại tăng lên. "Đây là vấn đề muôn thưở khi bộ máy biên chế không được tinh giản biên chế", ông Minh nói và cho biết đến nay các kế hoạch cắt giảm vẫn chưa "đi đến đâu vào đâu".

Chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh nếu không có giải pháp tái cơ cấu chi thường xuyên thì Việt Nam sẽ gặp sức ép lớn về ngân sách do các nguồn thu từ thuế đang trong xu thế bị giảm mạnh do ngày một hội nhập sâu rộng.

Ông Doanh cho rằng nếu biên chế, tổ chức cứ phình ra sẽ không thể giảm chi thường xuyên, từ đó, không tái cơ cấu ngân sách nhà nước. Do đó, theo ông cần có sự phối hợp, chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, tinh giản biên chế cần phải đi vào thực chất, thực tiễn hơn.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên