Thấy gì sau 5 năm chuyển đổi tích cực của Ngân hàng Bản Việt?
Sau 5 năm đẩy mạnh kinh doanh bán lẻ, Ngân hàng Bản Việt (BVB) đã có sự chuyển biến tích cực, chuyển mình thành một ngân hàng năng động, chạy đà tích cực cho giai đoạn phát triển kế tiếp 2021-2023.
Đầu năm 2020 khi xuất khẩu thanh long lao đao khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, hoạt động kinh doanh của ông Trần Đình Trung tại Bình Thuận gặp khó khăn. Người nông dân 58 tuổi này tìm đến gõ cửa một ngân hàng tư nhân, sau đó yên tâm ra về với khoản vay có thời hạn 10 năm giúp ông tự tin tiếp tục đầu tư mở rộng vườn thanh long mới.
Giữa năm 2020, sinh viên Nguyễn Bích Trâm, 19 tuổi, mở tài khoản ngân hàng đầu tiên. Thuộc thế hệ Z, ảnh hưởng của công nghệ, khi việc mở tài khoản trực tuyến còn chưa phổ biến, nữ sinh viên năm thứ nhất đại học HUTECH chọn một ngân hàng thương mại cổ phần trong nước tiên phong cho phép mở tài khoản theo hình thức định danh điện tử (eKYC) qua thiết bị di động. Trải nghiệm của Trâm hài lòng đến mức nhóm bạn của cô cũng thành khách hàng của ngân hàng này.
Quãng thời gian này, ở Đăk Lăk, ảnh hưởng bởi thị trường xuất khẩu, giá cà phê thu mua trong nước giảm xuống đến mức thấp nhất trong 10 năm qua, doanh nghiệp tư nhân của bà Nguyễn Phúc Minh gặp nhiều khó khăn. Thiếu vốn lưu động kinh doanh cà phê, nữ doanh nhân 42 tuổi đã tìm đến một ngân hàng trên địa bàn rồi sau đó xoa tay hài lòng vì khoản vay 12 tháng, lãi suất giảm 0,5% so với mặt bằng chung do khoản tín dụng nằm trong gói lãi suất ưu đãi của nhà băng này.
Ba khách hàng nói trên nằm trong số rất nhiều khách hàng đang gắn bó với ngân hàng Bản Việt. Với phương châm hành động "Chúng tôi bắt đầu từ BẠN" - 5 năm qua đánh dấu sự chuyển mình của ngân hàng lấy nhu cầu khách hàng làm trung tâm, Bản Việt đã chinh phục nhiều tập khách hàng từ thành thị tới nông thôn.
Không nổi bật về quy mô nhưng cùng thời gian này ngân hàng Bản Việt thay đổi dần hình ảnh cũ, thực hiện sự "lột xác" mà không phải ngân hàng quy mô vừa và nhỏ trong hệ thống cũng làm được: Bản Việt một trong bảy ngân hàng tiên phong hoàn thành cả 3 trụ cột Basel 2, giải quyết sạch nợ xấu tại VAMC, triển khai hệ thống IFRS9 quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế.
Vào cuối năm 2020, quy mô tài sản của ngân hàng Bản Việt đạt hơn 61 ngàn tỉ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt 56 ngàn tỉ đồng, dư nợ tín dụng đạt 40 ngàn tỉ đồng. Với mạng lưới 87 điểm giao dịch và hơn 1.800 nhân viên, trong hệ thống ngân hàng, Bản Việt chưa nổi bật về quy mô. Tuy nhiên so với cách đây 5 năm, nhà băng này đã có những chuyển mình ấn tượng: mạng lưới tăng gần gấp đôi, quy mô nhân sự tăng 50%, tổng số lượng khách hàng tăng gấp 4 lần,...
"Xuất phát của ngân hàng Bản Việt là một tổ chức quy mô khiêm tốn nên chúng tôi phải khai thác yếu tố linh hoạt trong hoạt động. Vì đây là yếu tố gần như có tính tiên quyết để Bản Việt phát triển và cạnh tranh trong hoạt động bán lẻ," ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc ngân hàng Bản Việt giải thích. Vị lãnh đạo ngân hàng nhớ lại khi mới đẩy mạnh kinh doanh bán lẻ, một trong các thách thức lớn nhất của ngân hàng là sức ỳ do nhân sự định hình trong tập quán kinh doanh cũ. Tuy nhiên từng thách thức được vượt qua khi ngân hàng từng bước thay đổi nhận thức của nhân viên, tập trung tuyển dụng và đào tạo nhân sự, đầu tư công nghệ, ...
Giai đoạn kế tiếp, 2019-2020 ngân hàng nâng cao trải nghiệm khách hàng, đẩy nhanh tốc độ số hóa và nâng cao năng lực canh tranh thông qua hàng loạt các dự án ngân hàng số, trong đó tiêu biểu tiên phong cho khách hàng mở tài khoản định danh trực tuyến eKYC và Bản Việt trở thành đối tác chiến lược của Timo. Kết quả, năm 2020, riêng mảng ngân hàng điện tử, Bản Việt ghi nhận bước nhảy vọt khi số lượng giao dịch đạt 15 triệu lượt, tăng gần 5 lần so với 2019, giá trị giao dịch tăng 3 lần.
Với các sản phẩm truyền thống như tiền gửi và cho vay, Bản Việt thiết kế phù hợp với từng vùng miền, đối tượng khách hàng - các sản phẩm "đo ni đóng giày", được địa phương hóa. Chẳng hạn, cũng cho vay nông nghiệp, ở Đăk Lăk ngân hàng có sản phẩm tín dụng riêng cho hoạt động thu mua dự trữ cà phê; tại Bình Thuận ngân hàng có sản phẩm riêng cho khách hàng đầu tư vườn thanh long; ở ĐBSCL ngân hàng cho vay kinh doanh thủy sản. Khai thác lợi thế linh hoạt, ở mỗi vùng Bản Việt có sản phẩm "sâu" hướng vào các tập khách hàng cụ thể: cá nhân, hộ kinh doanh siêu nhỏ, buôn chuyến nông nghiệp… vừa tăng hiệu quả kinh doanh vừa tăng khả năng quản lý rủi ro.
Kết quả sau 5 năm thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt từ 2018 - 2020, mảng bán lẻ đóng góp 42% thu nhập và chiếm 94% tổng lợi nhuận toàn hàng. Tăng trưởng CASA của ngân hàng hơn 3 lần, mảng kinh doanh thẻ và bảo hiểm liên kết tăng trưởng hơn 75%.
"Quy mô thị trường tài chính Việt Nam còn rất lớn, chúng tôi còn nhiều cơ hội để phát triển khách hàng. Chính vì vậy, chúng tôi đặt trọng tâm trong các chương trình hành động giai đoạn 2021-2023 trở thành ngân hàng bán lẻ dễ tiếp cận từ sản phẩm, dịch vụ, tiện ích đến dễ tiếp cận về địa lý và nâng cao trải nghiệm khách hàng," ông Ngô Quang Trung nói.
Xây dựng chiến lược tiếp theo trong 3 năm để phù hợp và linh hoạt ứng biến theo thực tế, ngân hàng Bản Việt tiếp tục đặt trải nghiệm khách hàng làm trung tâm. Mục tiêu tăng trưởng về quy mô tổng tài sản mỗi năm dự kiến 20% đến 30%, tổng huy động vốn trung bình tăng 25%/năm đến 32%/năm, dư nợ tín dụng trung bình tăng 20% mỗi năm.
Song song việc phát triển ngân hàng truyền thống, tiếp tục mở rộng mạng lưới (dự kiến đến 2023 tăng 57% so với đầu năm 2021) để tiếp cận khách hàng dễ hơn, Bản Việt kỳ vọng trở thành ngân hàng tiên phong cung cấp các giải pháp, tiện ích ngân hàng số đến khách hàng cá nhân để từ nông thôn đến thành thị, ngay cả những vùng chưa có nhiều điều kiện tiếp xúc với ngân hàng cũng dễ dàng giao dịch tài chính. Việc hợp tác chặt chẽ với các công ty fintech để xây dựng các dịch vụ tài chính sâu hơn trong hoạt động cho vay, sản phẩm tiết kiệm.... khi các platform số mở rộng cách tiếp cận khách hàng và phân phối sản phẩm vượt trội so với con đường truyền thống, cũng là một hướng đi của nhà băng này.
"Bản Việt xác định rõ chuyển đổi số không thể chỉ diễn ra trên các kênh mà khách hàng tiếp xúc, vì đó mới là phần nổi, còn "phần chìm" là nền tảng phải thực hiện chính là các quy trình vận hành nội bộ, đảm bảo sự xuyên suốt, liên tục từ ngoài vào trong - khi khách hàng tiếp cận, yêu cầu sử dựng dịch vụ, và từ trong ra ngoài - khi Bản Việt cung cấp sản phẩm/dịch vụ đến khách hàng," ông Ngô Quang Trung cũng chia sẻ thêm.
Đặt mục tiêu số lượng giao dịch và giá trị giao dịch qua kênh ngân hàng số trong giai đoạn 2021-2023 dự kiến trung bình tăng trưởng mỗi năm gấp đôi so với năm trước, đại diện ban lãnh đạo ngân hàng ông Ngô Quang Trung khẳng định về hướng đi sắp tới của ngân hàng: "Song song ngân hàng truyền thống, Bản Việt tiếp tục khai thác yếu tố linh hoạt để đưa ngân hàng số phát triển, tạo dựng vị thế Bản Việt trở thành ngân hàng số có chỉ số sinh lời tốt và là một trong các ngân hàng mang đến trải nghiệm tốt nhất."