MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ nền kinh tế "vay để chia sẻ" ở Việt Nam?

Thấy gì từ nền kinh tế "vay để chia sẻ" ở Việt Nam?

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh khái niệm kinh tế chia sẻ, khi những mô hình kinh doanh mới đang được coi là kinh tế chia sẻ ở Việt Nam lại đang có những biểu hiện không giống với định nghĩa kinh tế chia sẻ trên thế giới.

Ở Việt Nam, những công ty nào đang được coi là hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ?

Theo số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM, cứ bốn người Việt Nam được hỏi thì có ba người cho biết họ thích ý tưởng về mô hình kinh doanh chia sẻ và 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ theo mô hình này.

CIEM cho biết, kinh tế chia sẻ (sharing economy) được biết đến nhiều tại Việt Nam khi hai công ty lớn trên thế giới là Uber và Grab đặt chân vào thị trường năm 2014. Sau đó, trên thị trường đã xuất hiện những loại hình kinh doanh khác nhau dựa trên nền tảng công nghệ như "dịch vụ tìm người giúp việc kiểu Uber" của JupViec.vn, hay "nền tảng thuê phòng trực tuyến kiểu Grab" như Luxstay.com. 

Kinh tế chia sẻ được định nghĩa là một thuật ngữ đề cập đến mô hình kinh doanh khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng cuối cùng và kết hợp với các yếu tố công nghệ để hợp thành một mô hình kinh doanh. 

Mô hình này thường do các doanh nghiệp khởi nghiệp khởi xướng - họ không sở hữu bất kỳ một nhà máy hay một kho hàng nào nhưng lại có cả một kho tài nguyên sẵn có trên toàn cầu và luôn sẵn sàng gia nhập vào hệ thống.

Nền kinh tế chia sẻ được bắt đầu manh nha khái niệm năm 1995, khởi điểm tại Mỹ với mô hình ban đầu có tính chất "chia sẻ ngang hàng" nhưng không rõ rệt. Nó khởi đầu bằng dịch vụ website thông tin cho thuê quảng cáo, người tìm việc, việc tìm người... và giúp cho những cá nhân có thể kiếm được việc làm, kiếm được tiền quảng cáo. 

Mô hình kinh doanh này thật sự phát triển mạnh mẽ khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng năm 2008, người dân buộc phải thay đổi cách tiêu dùng để thích ứng với bối cảnh khó khăn. Việc "chia sẻ" những tài nguyên sẵn có bằng các ứng dụng công nghệ cùng những khoản lợi nhuận khổng lồ đem lại cho nhà cung ứng dịch vụ lẫn người cho thuê và sử dụng tài nguyên, đã khiến mô hình kinh doanh này nhanh chóng phát triển vượt ra khỏi biên giới Mỹ, lan rộng khắp châu Âu và toàn thế giới.

Do đi vào khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng, kết hợp với yếu tố công nghệ để hợp thành mô hình kinh doanh, nên kinh tế chia sẻ có thể coi là một phương thức mới để huy động phương tiện, tài sản nhàn rỗi vào sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay, một số chuyên gia cho rằng một số mô hình kinh doanh ở Việt Nam không còn đúng với định nghĩa kinh tế chia sẻ, khi không còn khai thác tài nguyên sẵn có của người dùng cuối cùng, mà khiến nhiều người phải đầu tư mới. Thậm chí, nhiều người muốn tham gia các mô hình "kinh tế chia sẻ" này phải đi vay.

Thấy gì từ nền kinh tế vay để chia sẻ ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Đình Tuấn, 34 tuổi, tài xế xe công nghệ cho biết anh đã rơi vào khó khăn vì xe anh chạy xe công nghệ là vay ngân hàng để mua, song chạy xe lại thất bát vì Covid-19, anh đang phải vay mượn người thân để trả nợ. Anh Tuấn trước đây chạy taxi, năm 2019, anh mua ô tô giá hơn 500 triệu đồng để chạy xe công nghệ, trả trước 30%, phần còn lại trả góp.

Anh Xuân Vinh, 43 tuổi cho biết, chủ một căn homestay ở TP. HCM chia sẻ, năm 2018-2019, phong trào làm homestay, cho thuê trên ứng dụng công nghệ nở rộ, ai cũng khoe có lãi, anh đi vay 200 triệu đồng thuê sửa lại một căn chung cư cũ. Anh chọn nội thất chất đẹp với hy vọng dễ hút khách thuê.

Ban đầu, nhờ tích cực chạy quảng cáo và là mùa du lịch nên tỷ lệ lấp đầy được 70%, bù được chi phí vận hành và có lãi 4 triệu/tháng. Nhưng đến khi anh dừng quảng cáo, vào mùa thấp điểm thì khách cứ thưa dần, thu không đủ chi. Đến khi Covid-19 bùng phát thì anh phải dừng hẳn, sang nhượng lại tài sản, thu về chỉ còn một nửa vốn.

"Do những biến tướng của mô hình kinh tế chia sẻ, việc đầu tư quá mức trong một số lĩnh vực kinh doanh kinh tế chia sẻ, khi nhu cầu thị trường gặp khó khăn có thể dẫn tới lãng phí nguồn lực đã đầu tư" - CIEM nhận định.

Nhã Mi

Tổ Quốc

Trở lên trên