MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ “văn bản khẩn” của Cục Hàng không liên quan đến việc cấp phép bay cho các hãng?

Các hãng hàng không Việt Nam chỉ được phép mở bán các chuyến bay cho giai đoạn từ ngày 16/4 sau khi được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép bay.

Ngày 14/4, theo yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không đã gửi đề nghị cấp phép bay cho giai đoạn từ từ 16/4 - 30/4/2020 để Cục tổng hợp, xem xét. Yêu cầu này được đưa ra sau khi các hãng hàng không Việt Nam ra thông báo mở bán các chuyến bay cho giai đoạn từ ngày 16/4.

Trước đó, ngày 29/3, Bộ Giao thông vận tải từng có công điện hoả tốc gửi Cục Hàng không Việt Nam về việc quyết liệt thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 . Theo công điện hoả tốc gửi Cục Hàng không Việt Nam, kể từ 0h ngày 30/3 đến hết 15/4, các hãng hàng không Việt Nam chỉ được khai thác vận chuyển hành khách 1 chuyến/ngày trên đường bay: Hà Nội-TP.HCM - Hà Nội; Hà Nội-Đà Nẵng/Phú Quốc-Hà Nội và chặng bay TP.HCM-Đà Nẵng/Phú Quốc-TP.HCM.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu dừng toàn bộ các chuyến bay trên các đường bay nội địa còn lại đi/đến Hà Nội và đi/đến TP.HCM; không hạn chế khai thác đối với các chuyến bay không vận chuyển hành khách.

Trao đổi với BizLIVE, ông Phạm Đình Vũ, Chánh văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hàng không là một trong những ngành chịu tác động mạnh do dịch Covid-19, đây cũng là ngành đặc thù, để thực hiện chuyến bay, các hãng hàng không cần thời gian chuẩn bị từ nhân lực, vật lực trong đó có việc bán vé, sắp xếp các chuyến bay cho hành khách.

Như vậy, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, Bộ Giao thông vận tải ra công điện yêu cầu các hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng khách 1 chuyến/ngày đối với 1 số đường bay Hà Nội-TP.HCM-Hà Nội, Hà Nội-Đà Nẵng/Phú Quốc-Hà Nội, TP.HCM-Đà Nẵng/Phú Quốc-TP.HCM, nêu thời gian từ 30/3 đến hết 15/4 nên Bộ Giao thông, Cục Hàng không Việt Nam cần chủ động đưa ra hướng dẫn, chỉ đạo các hãng trước thời gian hết hạn cách ly xã hội (15/4) để các hãng có phương án thực hiện theo thay vì đưa ra “văn bản khẩn” sau khi các hãng đã lên kế hoạch khai thác các đường bay nội địa giai đoạn từ 16/4 đến 30/4.

“Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải cần chủ động đưa ra phương án, kịch bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ ngay cả trường hợp tiếp tục thực hiện cách ly xã hội và hướng dẫn các hãng hàng không thực hiện thay vì chỉ đạo sau khi các hãng hàng không đưa ra thông tin. Điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Vũ nói.

Trước những khó khăn của ngành hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải tiếp tục báo cáo Chính phủ sớm cho phép các đơn vị ngành hàng không được giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không) cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.

Riêng với các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.

Trường hợp cân đối Ngân sách gặp khó khăn thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ ngày 01/3 đến ngày 31/8/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh; cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ  ngày 01/3 đến ngày 31/12/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh...

Liên quan đến phương án cách ly xã hội sau Chỉ thị 16, cuối giờ chiều ngày 15/4, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đề xuất của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 cách ly xã hội đến 22/4 đối với TP.HCM, Hà Nội và 10 tỉnh, thành có nguy cơ cao là Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh, Hà Tĩnh.

15 tỉnh, thành thuộc nhóm có nguy cơ trung bình là: Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hải Phòng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước; 36 tỉnh thành còn lại được xếp vào nhóm 3, có nguy cơ thấp không cần tiếp tục cách ly xã hội nhưng cần có quy định cụ thể về hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo yêu cầu chống dịch.

Theo Bảo Vy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên