MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ việc các "đại gia" lấn sân vào mảnh đất giáo dục?

Nếu năm 1988, ĐH Thăng Long được xem là một trong những cơ sở giáo dục tư nhân hiếm hoi thì đến nay, mảng giáo dục tư nhân đã trở nên sôi động với sự tham gia của nhiều ông lớn.

Sôi động trên thị trường giáo dục 

Tập đoàn FLC vừa chính thức tham gia vào mảng giáo dục với việc khởi công khu đô thị đại học với quy mô đầu tư dự kiến 4.000 tỷ đồng hôm 25/8. Tập đoàn này đã nhanh chóng nối bước những ông lớn khác như VinGroup, TH, tiến vào thị trường giáo dục tư nhân. Dù vậy, họ không phải là những người duy nhất quan tâm đến "mảnh đất" này. 

CTCP Giáo dục Thành Thành Công (TCC Edu) đã được quỹ đầu tư lớn của Malaysia, Navis Capital Partners hoàn tất mua lại. Mặc dù con số đầu tư chưa được tiết lộ nhưng có thể chú ý đến con số 5 tỷ USD mà quỹ này tập trung tại khu vực Châu Á.

Sự hiện diện của Navi Capital Partners đã được nhìn nhận qua hai thương vụ đầu tư vào 2 doanh nghiệp tại Việt Nam là CTCP Dược phẩm OPV và CTCP Gò Đàng và viện Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội. Hướng vào giáo dục, Navis đã bước sang một mảng đầu tư mới ở Việt Nam và hứa hẹn sẽ là một nhân tố có tầm quan trọng.

Một "tay chơi" lâu năm của mảng giáo dục - Tập đoàn Nguyễn Hoàng tính đến đầu năm nay đã sở hữu nhiều đại học nhất cả nước với 4 trường thành viên trực thuộc gồm: ĐH Gia Định (GDU), ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu (BVU), ĐH Hoa Sen (HSU) và ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) cùng hệ thống 30 trường học các hệ trải khắp 15 tỉnh thành.

CTCP Đầu tư phát triển giáo dục Hutech (chủ sở hữu của Trường đại học Công nghệ TP.HCM) mua lại Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM; Tập đoàn Hùng Hậu Holdings sở hữu Trường đại học Văn Hiến và hoàn tất mua hàng loạt trường như Cao đẳng Vạn Xuân, Trung cấp Vạn Hạnh, Trung cấp Vạn Tường, Trung cấp Âu Lạc (Huế) 3 năm trước; Tập đoàn Đầu tư tài chính toàn cầu TPG mua lại phần lớn cổ phần của VAS thông qua việc thoái vốn của 2 quỹ đầu tư Mekong Enterprise Fund II và MAJ Invest.

Đó là chưa kể đến các trường quốc tế với mô hình phi lợi nhuận với mức học phí "trên trời", thường dành cho những gia đình với điều kiện kinh tế cao như Unis Hà Nội (500 triệu đồng/năm), ĐH RMIT Việt Nam (500 – 800 triệu đồng cho toàn bộ khóa học)...

Gia nhập thị trường này phần Vingroup đã công bố thương hiệu VinUni vào năm 2018, hứa hẹn là trường đại học tư thục phi lợi nhuận của Việt Nam được xây dựng theo các chuẩn mực quốc tế.

Tính hai mặt của tư nhân hoá giáo dục 

Những diễn biến sôi động kể trên trong lĩnh vực giáo dục "xã hội hóa" như một minh chứng rõ ràng cho bước chuyển mà Việt Nam cũng nhiều nước trên thế giới nói chung đã thực hiện trong hai thập niên cuối của thế kỉ trước.

Tại Việt Nam, sau khi mở cửa, đã có làn sóng tự do hóa trong các lĩnh vực phúc lợi công, mà điển hình trong đó là giáo dục. Động thái này được Việt Nam khẳng định thêm sau khi gia nhập WTO năm 2006, với Luật giáo dục 2005 lần đầu tiên quy định rõ ràng về chế độ tài chính của các trường tư học tại điều 66, thúc đẩy tiến trình "xã hội hóa" giáo dục:

"Thu nhập của trường dân lập, trường tư thục được dùng để chi cho các hoạt động cần thiết của nhà trường, thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, thiết lập quỹ đầu tư phát triển và các quỹ khác của nhà trường. Thu nhập còn lại được phân chia cho các thành viên góp vốn theo tỷ lệ vốn góp."

Ở bậc đại học, thông điệp này còn được cổ vũ bằng chỉ tiêu 40% sinh viên theo học ở các đại học tư thục vào năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.

Thực tế, từ năm 2012, Việt Nam bắt đầu tích cực cải cách hệ thống giáo dục đại học bằng việc trao thêm quyền cho các trường đại học và cho vào thử nghiệm cơ chế tự chủ tài chính. Tuy nhiên, hình thức này vẫn còn nhiều tranh cãi mà mức học phí của trường Kinh tế Quốc dân là một ví dụ.

Với quy mô dân số đông, tỷ lệ người dân đi học cao cùng với sự ủng hộ từ mặt chính sách, không khó để các nhà đầu tư nhìn nhận giáo dục là một mảnh đất màu mỡ.

Diễn tiến này tại Việt Nam xảy ra đồng hành với xu hướng tự do mới trong giáo dục đang hiện hành trên toàn thế giới, đơn cử Hoa Kỳ, Ireland, Ấn Độ, Philippines...

Lấy ví dụ ở Mỹ, một chính sách mang tên "trường học được chọn lựa" đã được bang Arizona thông qua, thể hiện rõ tầm nhìn tự do mới mà chính quyền Trump nói chung và Bộ trưởng giáo dục Besty Devos ủng hộ.

Besty cho rằng hệ thống giáo dục công cần được chính phủ chuyển hướng để mang dáng hình của một thị trường. Người học sẽ có thêm lựa chọn, những cơ sở giáo dục không đáp ứng được nhu cầu sẽ không tồn tại, đảm bảo chất lượng cao cho người dùng. Dù chính sách nhận được sự ủng hộ để nó được thi hành trên nhiều bang của Mỹ, nhưng cũng nhận nhiều sự phản đối.

Luận điểm phản đối cho rằng chính sách của Besty khiến người nghèo phải chịu thiệt. Một hệ thống giáo dục tư nhân quá mạnh sẽ khiến nguồn ngân sách chính phủ cho các cơ sở giáo dục công sụt giảm, gây nên khó khăn duy trì những phúc lợi và chất lượng giáo dục cần thiết cho những học sinh nghèo.

Nguy cơ này đã trở thành thực tế tại Detroit. Sau hai thập kỉ thị trường hóa, cơ sở giáo dục công của khu vực này đã bị cắt giảm ngân sách và đóng cửa hàng loạt. Tại một số vùng tại Detroit được mệnh danh là "sa mạc giáo dục", nhiều gia đình phải di chuyển 6 tiếng một ngày để đưa đón con đi học tại một trường nằm ngoài khu vực. Giáo dục cũng được coi là một trong những nhân tố lớn nhất góp phần gây ra bất bình đẳng trong xã hội Mỹ.

Đứng trước bối cảnh mới, giáo dục tư nhân mang lại những cơ hội tuyệt vời cho cả doanh nghiệp và các học sinh, sinh viên, nhà giáo dục. Những đầu tư, phát kiến mới trong lĩnh vực giáo dục trong tương lai phần nhiều sẽ phụ thuộc vào địa hạt tư nhân. Đây cũng còn là cơ hội để các cơ sở công tự đánh giá, cải tiến chương trình của mình để đáp ứng được với nhu cầu của người học và xã hội.

Hoàng Hải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên