MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ vụ thất thoát hơn 349 tỉ đồng ở MHB?

03-01-2019 - 07:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo các luật sư, nhiều vấn đề về đánh giá chứng cứ cần được tòa phúc thẩm xem xét cẩn trọng, khách quan.

Mới đây, ông Huỳnh Nam Dũng, cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), cựu chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán MHB (MHBS), đã gửi đơn kháng cáo kêu oan trong vụ thất thoát hơn 349 tỉ đồng ở ngân hàng này. Ông đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xem xét hành vi của ông trên cơ sở đánh giá chứng cứ khách quan, đúng người, đúng tội.

Từng trả hồ sơ nhiều lần

Theo hồ sơ, MHB thành lập từ năm 1997 với 100% vốn nhà nước. Tháng 6-2002, ông Dũng được bổ nhiệm chủ tịch HĐQT. Tháng 10-2000, ông Nguyễn Phước Hòa được bổ nhiệm tổng giám đốc. Cuối năm 2006, MHBS được thành lập, MHB là cổ đông sáng lập, góp vốn 102 tỉ đồng (60% vốn điều lệ), ông Dũng giữ thêm chức chủ tịch HĐQT MHBS, đại diện phần vốn góp của MHB tại MHBS. Tháng 7-2012, MHB được chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần.

Trong phiên xử sơ thẩm vào ngày 22-11-2018 tại TAND TP.HCM, ông Dũng kêu oan, 15 bị cáo còn lại thì xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường.

Theo cáo trạng, từ năm 2011 đến 2014, ông Dũng góp vốn tại MHBS 13,8 tỉ đồng (chiếm 8,12% vốn điều lệ), ông Hòa góp 2,7 tỉ đồng (chiếm 1,59% vốn điều lệ). Hai ông này đã thông qua việc họp Hội đồng quản lý tài sản nợ - tài sản có của MHB (hội đồng ALCO) thống nhất chủ trương cho phép Sở giao dịch (SGD) MHB chuyển gần 5.000 tỉ đồng cho MHBS với nội dung hợp tác đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP). Nhưng thực chất là chuyển vốn cho MHBS gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại các chi nhánh MHB và mua bán TPCP của chính MHB. Việc này khiến MHB thiệt hại hơn 349 tỉ đồng, ông Dũng, ông Hòa, bà Lữ Thị Thanh Bình (cựu tổng giám đốc MHBS), ông Trương Thanh Liêm (cựu phó giám đốc khối ngân hàng đầu tư MHBS) là những người chịu trách nhiệm chính.

Trước khi xử, TAND TP.HCM đã nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ nhiều vấn đề. Nhưng cuối cùng tòa đã tuyên phạt ông Dũng 13 năm tù, ông Hòa 10 năm tù, bà Bình 11 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 13 bị cáo khác cùng vụ bị tuyên phạt từ ba năm tù treo đến sáu năm tù. HĐXX còn tuyên buộc ông Dũng, ông Hòa, bà Bình và MHBS liên đới bồi thường cho Ngân hàng BIDV 272 tỉ đồng; buộc ông Dũng, ông Hòa, bà Bình, ông Liêm và MHBS liên đới bồi thường cho BIDV hơn 50 tỉ đồng...

Thấy gì từ vụ thất thoát hơn 349 tỉ đồng ở MHB? - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Nam Dũng đã kháng cáo bản án sơ thẩm. Ảnh: S.NGUYỄN

Không chỉ đạo ra chủ trương chuyển vốn?

Ông Dũng không đồng ý với những nội dung của cáo trạng về việc tham gia góp vốn vào MHBS. Ông Dũng xác nhận chị của mình mua cổ phiếu của MHBS từ các cổ đông của MHBS, được thể hiện qua các hợp đồng chuyển nhượng và phiếu chuyển tiền. Nhưng cáo trạng chỉ căn cứ vào việc ông chuyển tiền hộ người chị để mua số cổ phần khi MHBS phát hành thêm cổ phiếu cho các cổ đông nội bộ để cho rằng ông sở hữu cổ phần ở MHBS là không có cơ sở.

Ông Dũng cũng cho rằng việc chuyển tiền cho MHBS để đầu tư TPCP đã được SGD thực hiện nhiều lần mà không hề có bất kỳ chủ trương nào của hội đồng ALCO theo như bản án sơ thẩm nêu. Với chức trách, nhiệm vụ là chủ tịch HĐQT MHB và hội đồng ALCO của MHB, ông chỉ chủ trì hai cuộc họp của hội đồng ALCO. Mục đích là phê duyệt cho phép SGD MHB chuyển tiền vào tài khoản của SGD mở tại MHBS để chờ mua TPCP nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống. Nhưng nội dung Kết luận giám định số 9037 ngày 25-11-2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, trong cáo trạng cáo buộc về trách nhiệm cá nhân ông là không chính xác. Ông cũng phủ nhận đã nhận khoản thù lao 460 triệu đồng từ Công ty MHBS.

Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho ông Dũng cho rằng bị cáo không chỉ đạo hội đồng ALCO chuyển tiền cho MHBS . Kết luận điều tra bổ sung cũng không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện việc ông Dũng chỉ đạo. CQĐT và VKS chỉ dựa vào lời khai của nguyên tổng giám đốc MHB, MHBS và nguyên kế toán trưởng MHBS nhưng những lời khai này nhiều mâu thuẫn so với lời khai của các bị cáo khác nên không thể dùng để buộc tội. Ông Dũng không sở hữu cổ phần của chị ông tại MHBS và không nhận 460 triệu đồng tiền thù lao nên không có căn cứ xác định ông có động cơ vụ lợi.

Cũng theo luật sư, cách tính thiệt hại của vụ án và kết luận giám định đều dựa trên báo cáo kiểm toán để kết luận khoản nợ không có khả năng thu hồi. Nhưng thực tế hiện nay Công ty MHBS có đủ khả năng trả nợ cho MHB nên không có thiệt hại trong vụ án. Do vậy, cần xem lại có đủ căn cứ kết tội ông Dũng hay không. Các luật sư cũng yêu cầu xem xét lại tính chính xác, hợp pháp của kết luận giám định.

Tòa sơ thẩm nói không oan

Theo HĐXX, không có căn cứ chấp nhận quan điểm của ông Dũng cũng như các luật sư bào chữa. Vì ông Dũng đã tổ chức cuộc họp hội đồng ALCO và ký các biên bản họp phê duyệt chủ trương chuyển vốn cho MHBS chờ đầu tư mua TPCP. Từ đây tổng giám đốc MHB chỉ đạo cho SGD MHB chuyển tiền vào tài khoản của SGD mở tại MHBS để chờ mua TPCP nhưng thực chất là chuyển tiền cho MHBS gửi tiết kiệm và chuyển cho công ty trung gian mua bán TPCP của chính MHB để hưởng lợi nhằm khắc phục những khoản thua lỗ của MHBS. Lời khai của tổng giám đốc MHB, tổng giám đốc MHBS và kế toán trưởng MHBS xác nhận ông Dũng chỉ đạo về việc sử dụng nguồn tiền của MHB. Họ đã báo cáo cho ông Dũng và ông Hòa trực tiếp và qua hộp thư điện tử.

Về số tiền 460 tỉ đồng, HĐXX cho rằng căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác và người liên quan thì số tiền này được hạch toán vào chi phí quản lý của MHBS, sau đó các bị cáo đã rút tiền từ tài khoản để hoàn trả quỹ tiền mặt của MHBS có nội dung chi trả khoản thù lao này…

Cấp phúc thẩm cần xem xét kỹ

Qua khảo sát biên bản, nghị quyết của hội đồng ALCO trong hồ sơ vụ án, tôi thấy không có nội dung cho phép SGD MHB chuyển 4.975 tỉ đồng cho MHBS để hợp tác đầu tư TPCP. Các chứng cứ từ phụ lục số 1 đến 11 là các chứng cứ vật chất phản ánh chủ trương nghị quyết của hội đồng ALCO. Do vậy, nếu các chứng cứ là lời khai của các bị cáo, bị hại, những người liên quan hoặc các tài liệu chứng cứ khác có nội dung không phù hợp với những chứng cứ vật chất này thì chưa thể dùng để buộc tội được.

Trong khi nội dung của biên bản, nghị quyết hội đồng ALCO không trái luật và giấy phép đăng ký kinh doanh của MHB cũng như các điều lệ của MHB, và đặc biệt không có nội dung nào cho phép SGD MHB chuyển tiền cho MHBS... Hội đồng ALCO chỉ đánh giá, phê duyệt một phương án là mua TPCP theo tờ trình của SGD MHB, khác với nhận định của cấp sơ thẩm. Các vấn đề này cần được tòa phúc thẩm xem xét, đánh giá cẩn trọng.

Luật sư PHẠM CÔNG HÙNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Kết luận giám định dựa vào đâu?

Theo kết luận giám định của NHNN ngày 25-11-2016 thì đến thời điểm ngày 8-6-2015, MHB không thu hồi được hơn 298 tỉ đồng. Số tiền này gồm tiền SGD MHB chuyển cho MHBS không có khả năng trả là 272 tỉ đồng; tiền lãi MHBS thu được từ việc gửi tiền tại các chi nhánh MHB, do sử dụng nguồn tiền MHB chuyển sang mà có số tiền hơn 26 tỉ đồng. Điều đáng lưu ý là kết luận này không xác định thiệt hại mà chỉ xác định số tiền mà MHBS phải có trách nhiệm hoàn trả cho MHB.

Kết luận này chỉ dựa vào báo cáo kiểm toán mà không đánh giá khả năng trả nợ của MHBS nhưng lại bỏ qua nội dung trong báo cáo kiểm toán năm 2014 về giá trị các tài sản hiện hữu của MHBS, thể hiện MHBS có thể trả được nợ.

Luật sư VŨ XUÂN NAM, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Theo Vũ Mến

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên