MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thay vì biến con thành đứa trẻ luôn xin xỏ, đòi hỏi và phụ thuộc, hãy làm việc này để chúng trở nên độc lập và hiểu chuyện hơn

24-03-2020 - 07:06 AM | Sống

Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng đã hư. Nếu biết phương pháp dạy con đúng đắn, bạn sẽ khiến con mình trở nên ngoan ngoãn hơn rất nhiều. Quan trọng là bạn phải biết đặt ra các giới hạn và khuôn khổ.

Hơn 10 năm trước, khi thực hiện cuộc hẹn kiểm tra định kì cuối cùng trước khi con gái đầu lòng chào đời, tôi đã có một khoảnh khắc đáng nhớ.

Tôi thấy một bé gái. Tôi dám chắc rằng cô bé này nhỏ hơn 12 tuổi - đi bộ xuống phố với chiếc túi mua sắm Pucci lớn, đang nói chuyện rất thô lỗ, xấc xược với mẹ.

Tôi bất giác co rúm người lại và nghĩ: "Thật là một đứa trẻ hư hỏng". Tôi tự nhủ mình sẽ làm mọi thứ để đảm bảo rằng bản thân sẽ không nuôi dạy con thành những đứa trẻ không biết phép tắc như vậy.

Tua nhanh đến 10 năm của hiện tại. Những đứa con gái của tôi giờ yêu thích áo phông và giày thể thao nên ít có khả năng chúng bị bắt gặp đi mua sắm ở Pucci. Tuy nhiên, các con tôi có cuộc sống đầy đủ hơn tôi từng có khi bằng tuổi chúng. 

Tôi thừa nhận đôi khi tôi rất buồn khi chúng muốn thứ gì đó và cầu xin nhiều lần: "Làm ơn, làm ơn, con có thể có cái này được không?". Tôi biết ai cũng gặp tình trạng tương tự khi làm cha mẹ.

Những đứa trẻ luôn đòi hỏi 

Trong video số mới nhất của CNN "Khi phụ huynh hành động", chúng tôi đã hỏi các cha mẹ lý do tại sao họ luôn cảm thấy khó khăn để nói "không" với các con của mình khi chúng muốn một cái gì đó. 

Laura Simms, một bà mẹ ba con ở Atlanta và chủ một công ty quan hệ công chúng chia sẻ: "Tôi cảm thấy như các con không bao giờ hài lòng và hạnh phúc với những gì chúng có. Đó thực sự là vấn đề". 

Chia sẻ về vấn đề này, nhà trị liệu gia đình Tricia cho hay: "Trong một thế giới đang thay đổi, việc nuôi dạy một đứa trẻ và tạo cho chúng suy nghĩ rằng chúng sẽ luôn có được mọi thứ là không tốt. Trẻ em cần một quá trình để đối phó và thích nghi với môi trường thay đổi. Việc này tùy thuộc vào chúng ta, với tư cách là cha mẹ, tạo cho chúng quá trình đó". 

"Với tư cách là cha mẹ, chúng ta muốn con mình nhìn thế giới và nghĩ: 'Mình muốn nhiều hơn', nhưng đạt được những điều đó phải là kết quả từ những nỗ lực và cố gắng từ chính con chứ không phải từ hành động 'chọc vào người ai đó để đòi hỏi thứ gì'", Ferrara chia sẻ. 

Khi con bạn nhìn thấy chiếc xe bán kem và hét lên, "Làm ơn, mẹ ơi, mẹ chưa bao giờ mua cho con kem của Mister Softee cả". Thay vì lấy ngay một que cho con bạn, bạn có thể chủ động mời đứa trẻ ăn kem, với điều kiện con phải cư xử đúng mực.

Đối với nhiều đứa trẻ, điều chúng muốn nhất là cảm thấy mình đang ngày một chín chắn và trưởng thành hơn. Vì vậy, khuyến khích con thực hiện những hành vi thể hiện rằng con là một đứa trẻ lớn sẽ mang lại cho trẻ những lợi ích lớn.

Tại sao "hư hỏng" là một từ nhạy cảm đối với cha mẹ?

Ron Lieber, tác giả của "Sự đối lập với sự hư hỏng: Nuôi dạy những đứa trẻ có lý lẽ, hào phóng và thông minh về tiền bạc" tiết lộ, hầu hết các bậc cha mẹ thừa nhận rằng "hư hỏng" là từ tồi tệ nhất mà ai đó có thể sử dụng để mô tả con cái họ. Đó là từ mà cho họ cảm giác như bản cáo trạng lớn nhất đối với cách nuôi dạy con cái. 

Tuy nhiên, theo người viết chuyên mục "Tiền của bạn" cho tờ New York Times, trước khi biết làm thế nào để không tạo ra những đứa trẻ hư hỏng, cha mẹ cần biết những tác nhân khiến một đứa trẻ trở nên khó dạy bảo. 

Ron nói rằng những đứa trẻ hư hỏng sẽ không theo một khuôn khổ quy tắc nào. Kể cả khi cha mẹ có đặt ra các quy tắc về hành vi, chúng vẫn sẽ làm theo ý mình mà không phải đối mặt với bất kỳ hậu quả nào. Lieber cho biết những đứa trẻ hư hỏng thường có cha mẹ làm hộ mọi thứ cho con và làm mọi cách để chúng không bao giờ thất bại. 

Cuối cùng, những đứa trẻ hư hỏng, trong hầu hết các trường hợp, được làm hoặc có những thứ mà đứa trẻ khác không có được thường không thể hiện bất kỳ sự biết ơn hay trân trọng nào đối với điều đó.

"Nếu hư hỏng không phải là thái độ mà chúng học được ở bên ngoài mà là điều cha mẹ vô tình tạo nên thì chúng ta thực sự phải kiểm tra lại phương pháp dạy con của mình. Đặc biệt là nếu chúng ta có đủ điều kiện để trao cho trẻ không chỉ những gì chúng cần mà còn là những gì chúng muốn", Lieber, người có hai con gái, 10 tháng tuổi và 10 tuổi, cho hay.

Anh nói thêm rằng chìa khóa là thiết lập ra một giới hạn cụ thể cho trẻ. 

"Câu hỏi mà tôi muốn mọi phụ huynh suy nghĩ là làm thế nào tôi có thể đặt ra giới hạn cho con mình, cho dù đó là một đứa trẻ 6, 12 tuổi hay 18 tuổi. Làm cách nào tôi có thể đặt giới hạn sao cho con tôi có quyền kiểm soát tối đa đối với những ham muốn vật chất mãnh liệt mà nhiều người trong số chúng có?", anh nói.

Thay vì biến con thành đứa trẻ luôn xin xỏ, đòi hỏi và phụ thuộc, hãy làm việc này để chúng trở nên độc lập và hiểu chuyện hơn - Ảnh 1.

Học cách đánh đổi

Có một cách để làm điều đó, khi trẻ còn nhỏ, khoảng 6 hoặc 7 tuổi, bạn hãy cho chúng một khoản trợ cấp hàng tuần không liên quan đến công việc. Khi trẻ lớn hơn, bạn có thể cho chúng tự kiểm soát chi tiêu hàng năm cho quần áo hoặc các hoạt động ngoại khóa của chúng, anh nói.

Khi chúng ta, với tư cách là cha mẹ, đặt ra mức độ về việc đứa trẻ phải làm việc với số tiền là bao nhiêu. Cho chúng quyền để kiểm soát số tiền đó. Chúng sẽ có tiền để mua một số đồ yêu thích,nhưng không quá nhiều tiền để mua được tất cả những gì chúng muốn. Chúng phải chọn lựa kĩ và cần phải đánh đổi, giống như người lớn phải làm mỗi ngày.

"Khi chúng ta đặt ra các giới hạn và các khuôn khổ thì sau đó các quyết định sẽ tùy thuộc vào đứa trẻ và chúng sẽ tạo ra sự cân bằng và bắt đầu hiểu khái niệm về các giới hạn", Lieber nói. 

"Khi có những giới hạn cụ thể được tuân theo, thật khó để một đứa trẻ cuối cùng trở nên hư hỏng nếu đó là những ràng buộc mà chúng đang sống".

Điều quan trọng cần nhớ là một đứa trẻ muốn có ba con búp bê American Girl hay có một chiếc BMW hoặc muốn sống trong một căn biệt thự không có nghĩa là chúng hư hỏng. Tất cả chúng ta đều muốn những thứ ta không thể mua được. Tôi rất thích một ngôi nhà trên bãi biển, nhưng số tiền để thực hiện điều đó không có trong thẻ ngay bây giờ.

"Không có gì sai với điều đó. Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa tiêu dùng", Lieber nói. "Câu hỏi là, làm thế nào chúng ta cung cấp được cho con sức mạnh để đưa ra lựa chọn của riêng mình?".

Cung cấp con sức mạnh có nghĩa là chấm dứt việc một đứa trẻ nói: "Làm ơn, làm ơn, mẹ ơi, con có thể có được điều đó không?". 

"Điều tôi muốn mọi phụ huynh làm là họ sẽ không bao giờ ở trong tình huống mà họ là những người phải trả lời câu hỏi đó. Họ nên ở trong một tình huống mà những đứa trẻ đang tìm cách trả lời những câu hỏi ấy cho chính mình. Tức là chúng phải tự hỏi, mình sẽ phải làm gì để có được điều đó".

Bài chia sẻ của Kelly Wallace - phóng viên và biên tập viên của CNN về mảng gia đình, sự nghiệp và cuộc sống.

Vân Phạm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên