MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

The ASEAN Post: Các chuyên gia tin tưởng vào khả năng dập dịch của Việt Nam

Việt Nam là một trong số ít quốc gia được đánh giá cao trong việc đối phó với đại dịch Covid-19. Với đợt dịch mới này, Việt Nam sẽ ứng phó với ra sao?

Ngay từ khi có những ca nhiễm đầu tiên, Việt Nam đã nhanh chóng triển khai việc đối phó với đại dịch và đình chỉ tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc, không lâu sau đó là tất cả các chuyến bay quốc tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã dừng tiếp đón và cấp thị thực đối với du khách nhằm kiểm soát sự lây lan của virus.

Khi vừa có thông tin về dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã ngay lập tức hành động. Cụ thể, Việt Nam đã giám sát chặt chẽ khu vực biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, đồng thời thực hiện khẩn cấp việc kiểm tra sức khoẻ, nhiệt độ của hành khách tại các sân bay.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết, Việt Nam đã áp dụng 4 giải pháp tương đối hiệu quả nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19, bao gồm: xét nghiệm mang tính chiến lược; phát hiện tiếp xúc người nhiễm bệnh thông qua ứng dụng; chiến dịch truyền thông công khai hiệu quả; áp dụng giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, tương tự như bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, các biện pháp ứng phó với dịch bệnh cũng không giúp Việt Nam tránh khỏi tác động tiêu cực đến nền kinh tế đất nước. Điển hình như ngành du lịch của Việt Nam đã bị ảnh hưởng đáng kể do tác động của đại dịch.

Tuy nhiên, vừa qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã dự đoán rằng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch.

Cuối tháng 7 vừa qua, sau gần 100 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, Đà Nẵng - thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam đã thông báo một ca nhiễm mới.

The ASEAN Post: Các chuyên gia tin tưởng vào khả năng dập dịch của Việt Nam - Ảnh 1.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng và kịp thời trong đợt dịch mới. Chính phủ Việt Nam đã quyết định sơ tán 80.000 người dân khỏi Đà Nẵng. Ngoài ra, thành phố đã tiến hành khử trùng quy mô lớn để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 và áp dụng giãn cách xã hội. Thêm vào đó, Đà Nẵng cũng đã thành lập bệnh viện dã chiến với sức chứa 500 giường để tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Giáo sư Michael Toole, nhà dịch tễ học, chuyên gia nghiên cứu chính tại Viện Burnet ở Melbourne (Úc) khẳng định: "Tương tự như đợt dịch lần đầu, Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ đối với lần bùng phát dịch thứ hai này".

Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc ứng phó với đại dịch, không chỉ mình đại dịch Covid-19. Trong quá khứ, Việt Nam đã vượt qua SARS vào năm 2003 và là quốc gia đầu tiên kiểm soát được dịch bệnh này. The Diplomat cũng nhấn mạnh rằng kinh nghiệm của Việt Nam trong việc đối phó với làn sóng Covid-19 lần thứ nhất có thể hữu ích cho việc chống dịch lần này.

Trước đó, Bộ Y tế dự kiến dịch bệnh ở Đà Nẵng sẽ được kiểm soát vào cuối tháng 8. Trên thực tế, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực trong tuần vừa qua. 

Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra nhận định, Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục thể hiện cam kết nghiêm túc trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. "Tôi tin rằng trong vài tuần tới, Việt Nam sẽ ngăn chặn thành công dịch bệnh một lần nữa".

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên