MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ?

Việt Nam là một trong ít quốc gia thành công trong công cuộc chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định để có được kết quả này, chúng ta cũng phải đánh đổi bằng thiệt hại kinh tế không hề nhỏ.

Ngày 10/9, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP.HCM (CIIS) tiến hành tổ chức hội thảo: "Đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó rủi ro từ khủng hoảng Covid-19".

Tại đây, các chuyên gia đều đống ý rằng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành những chính sách, chương trình hỗ trợ với mục tiêu hỗ trợ kịp thời, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả thực thi của các chương trình vẫn chưa đạt được như mục tiêu ban đầu.

Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM, ông Phạm Bình An nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong công tác chống dịch Covid-19, nhưng để có được kết quả đó, chúng ta đã phải đánh đổi bằng thiệt hại kinh tế không nhỏ. Mặc dù thời gian giãn cách xã hội ngắn, nhưng sức chịu đựng của đa phần doanh nghiệp Việt Nam có giới hạn nên gặp rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM khảo sát về thực trạng doanh nghiệp trong tháng 8/2020, có tới 40% doanh nghiệp cho biết còn rất nhiều khó khăn trong việc phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19; 44% doanh nghiệp vẫn còn khó khăn; 9% doanh nghiệp bắt đầu vượt quá khó khăn; 5% doanh nghiệp quay lại trạng thái hoạt động bình thường.

Đáng chú ý, trong số 88% doanh nghiệp đang gặp khó khăn, 40% doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh, 88% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường, 52% doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm thêm lao động và 14% doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu.

Đặc biệt, đây là kết quả sau khi Chính phủ và TP. HCM đã triển khai hàng loạt chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Điều này cho thấy cái gói hỗ trợ thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Phó Giám đốc Phạm Bình An giải thích, theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố, 76% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước.

Bên cạnh chính sách gia hạn nộp thuế, nộp tiền thuê đất đã được triển khai đến hầu hết đối tượng có nợ thuế và nợ tiền thuê đất thì chỉ có 10% doanh nghiệp tiếp cận chính sách cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay và chưa có thông tin doanh nghiệp nào được vay tiền không tính lãi suất hoặc tính lãi suất thấp để trả lương, giữ chân người lao động; chưa có doanh nghiệp nào được giảm các loại phí, lệ phí.

Vì sao nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ? - Ảnh 1.

TS. Võ Trí Thành

Cũng tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh TS. Võ Trí Thành đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chủ động, quyết liệt cả về chống dịch lẫn ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covi-19.

Nhìn chung, các quyết định, chính sách của Chính phủ đều bám sát tình hình, xây dựng phương án xử lý thích hợp nhất có thể với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn không phá vỡ tính ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy vậy, cho đến nay, tốc độ thực hiện các chương trình, gói hỗ trợ đều chậm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ, dẫn đến việc phục hồi sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

TS. Võ Trí Thành khẳng định, điều kiện để tiếp cận các chương trình hỗ trợ vẫn đang máy móc. Doanh nghiệp khi liên hệ với các đơn vị để tìm kiếm sự hỗ trợ đều được yêu cầu cung cấp rất nhiều thủ tục. Đồng thời, sau khi được hướng dẫn thủ tục, hầu hết các doanh nghiệp đều không thể đáp ứng yêu cầu.

Ví dụ như doanh nghiệp muốn được hỗ trợ vay ngân hàng thì phải đáp ứng tiêu chí đã cắt giảm 50% số lao động so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Trong khi đó, các doanh nghiệp đều đang cố gắng giữ chân người lao động nhiều nhất có thể nhằm tiếp tục sản xuất sau khi dịch bệnh được khống chế.

Ông Võ Trí Thành nêu rõ: "Chính phủ ban hành chính sách rất kịp thời và quyết liệt trong chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự quyết liệt đó không được duy trì xuống các cấp, các ngành và địa phương. Việc triển khai thiếu đồng bộ giữa trung ương và địa phương xuất phát từ tâm lý cứng nhắc, "sợ trách nhiệm" của một bộ phận cán bộ, công chức trong việc phê duyệt hỗ trợ. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cần giải quyết được nút thắt trong khâu thực thi tại cơ sở".

Q.L

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên