MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Võ Trí Thành: Bức tranh kinh tế Việt Nam hiện như bầu trời có tia sáng nhưng mây đen còn rất nhiều

Chiều ngày 10/9, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP.HCM (CIIS) tiến hành tổ chức hội thảo: Đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó rủi ro từ khủng hoảng Covid-19.

Tại đây, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng CIEM, TS. Võ Trí Thành khẳng định đại dịch đã ảnh hưởng vô cùng nặng nề đối với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Cuộc khủng hoảng chưa từng có khiến chính phủ các nước phải "lấy đá ghè chân mình"

Đối với nền kinh tế thế giới, ông chỉ ra những "đặc trưng" về những tác động do đại dịch Covid-19 gây ra trên toàn cầu. Thứ nhất đó là đại dịch đã tạo ra làn sóng tâm lý tiêu dùng hoang mang, lo sợ. Mặc dù tâm lý này đã có dấu hiệu thuyên giảm nhưng nhìn chung, người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới vẫn đang cẩn trọng.

Thứ hai, đại dịch đã buộc Chính phủ các nước phải áp dụng các biện pháp "lấy đá ghè chân mình", điển hình như cách ly địa giới, giãn cách xã hội. Những điều này đã có tác động rất tiêu cực đến sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, khi các nền kinh tế thế giới được dẫn dắt bởi rất nhiều chuỗi giá trị, các mảng sản xuất khu vực và toàn cầu, thì nó lại bị đứt gãy do các biện pháp giãn cách xã hội, do các nguồn cung về lao động, về nguyên vật liệu, đầu vào.

Cùng với đó là những đặc trưng liên quan đến các chính sách giải cứu chưa từng có của rất nhiều quốc gia, cả về quy mô và phạm vi.

Đặc trưng tiếp theo đó là mặc dù hiện nay có một số dấu hiệu tích cực về vắc-xin, về mức độ lây lan của dịch có thể sẽ giảm dần nhưng nhìn chung, quá trình hồi phục vẫn rất khó định. Theo TS. Võ Trí Thành, nền kinh tế toàn cầu ít nhất phải đến đầu năm 2022 mới có khả năng quay lại mức như trước giai đoạn Covid-19.

Đặc trưng cuối cùng mà TS. Võ Trí Thành chỉ ra đó là trước giai đoạn dịch bệnh, thế giới đã có rất nhiều xu thế lớn như hình thành địa chính trị, toàn cầu hoá, chuyển đổi số, chuyển đổi cấu trúc dân cư và cách thức tiêu dùng. Tuy nhiên, Covid-19 đã thay đổi ít nhiều nội hàm của các xu thế này.

Ông cũng chỉ ra những ví dụ như căng thẳng thương mại Mỹ Trung; hay chủ nghĩa biệt lập, cách ly quốc gia. Đây là những mâu thuẫn với tiến trình tự do hoá, toàn cầu hoá.

Bên cạnh đó, TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng Covid-19 được coi như một chất xúc tác thúc đẩy công nghệ số, chuyển đổi số.

Hay như cách mạng tiêu dùng, cách thức đô thị hoá, những đòi hỏi như xanh, an toàn, nhân văn thì Covid-19 đã thúc đẩy thêm.

Bức tranh kinh tế của Việt Nam vẫn còn hỗn loạn

Theo TS. Võ Trí Thành, Việt Nam cũng đã chịu những tác động không hề nhỏ do đại dịch Covid-19 gây ra.

Thứ nhất, Việt Nam cũng phải "căng mình" chống dịch, mặc dù chi phí chống dịch được coi là tương đối thấp nhưng cũng phần nào ảnh hưởng.

Thứ hai, Việt Nam trải qua hai đợt giãn cách xã hội: 3 tuần vào hồi tháng 4 trên cả nước và giai đoạn từ cuối tháng 7 đến gần như hết tháng 8 trên một số tỉnh thành.

Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào bên ngoài nhiều, lý do là Việt Nam rất mở về thương mại, đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, du lịch, tài chính.

Các đối tác chính của Việt Nam điển hình như Bắc Mỹ, EU, Đông Bắc Á thì lại chịu tổn thất rất lớn do Covid-19. Chính vì vậy, Việt Nam sẽ không tránh khỏi việc đối mặt với những tổn thất này.

Thứ ba, Việt Nam đã bắt đầu tham gia vào các chuỗi giá trị, các mạng sản xuất và khu vực toàn cầu. Các chuỗi giá trị bị đứt gãy dẫn đến cung và cầu giảm rất mạnh, gây khó khăn cho nền kinh tế trong nước.

Khi nhìn tổng thể vào bức tranh kinh tế, ông nhận định gần như tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, trừ một số lĩnh vực công nghệ, và lĩnh vực liên quan đến các mặt hàng thiết yếu, thì đều chịu ảnh hưởng rất nặng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, gần 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ngoài ra, theo số liệu Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ công bố về kết quả khảo sát tác động của sự bùng phát dịch Covid-19 lần 2 đối với doanh nghiệp, chỉ có 2% doanh nghiệp cho rằng chưa bị ảnh hưởng tạm thời, còn 98% cho rằng họ không cân đối được dòng tiền thu chi.

Đối với lao động, theo thống kê của Bộ lao động, 8 tháng đầu năm, gần 31 triệu lao động Việt Nam bị ảnh hưởng, có thể là mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Tỷ lệ lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong 10 năm nay.

Theo báo cáo điều tra của Liên hợp quốc cho thấy người Việt coi biện pháp giảm lao động là biện pháp cuối cùng. Đây cũng có thể coi là điểm tích cực trong khó khăn hiện nay. Tức là mức giảm lao động của các doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn mức giảm doanh thu khá đáng kể.

Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP cả nước chỉ đạt 1,81%. TS. Võ Trí Thành nêu rõ, con số này không chỉ là thấp nhất trong 10 năm, mà còn là thấp nhất trong cả quá trình đổi mới cải cách hơn 30 năm ở Việt Nam.

Tuy nhiên, điểm tích cực đó là Việt Nam là một quốc gia hiếm có tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Lý giải về điều này, ông Thành đưa ra 3 lý do.

Thứ nhất đó là Việt Nam là khu vực nông nghiệp, đây cũng là bệ đỡ khá là tốt, nhất là cho lực lượng lao động phi chính thức và nhóm người dễ bị tổn thương.

Thứ hai đó là ngành du lịch Việt Nam vẫn đang chiếm một phần nhỏ trong nền kinh tế đất nước.

Thứ ba là các tầng lớp trung lưu mới nổi ở Việt Nam phần lớn đều tiết kiệm nhiều hơn tầng lớp trung lưu ở các nước phát triển. Đây là một bệ đỡ rất quan trọng trong hạn chế tác động do đại dịch Covid-19 này.

Khi nhìn tiếp bức tranh kinh tế trong 3 tháng, kể từ khi nới lỏng giãn cách xã hội hồi tháng 4 cho đến nay, ông Thành nhấn mạnh đây là một bức tranh rất lẫn lộn, có sáng nhưng mảng tối còn khá nhiều.

Cụ thể như chỉ số PMI về sản xuất công nghiệp, cơ bản liên quan đến đơn đặt hàng trong tháng 6 ở trên mức 50 điểm, nhưng đến tháng 7, tháng 8, con số này lại dưới 50.

Thứ hai là ngành bán lẻ trong tháng 6, tháng 7 thì tăng, nhưng đến tháng 8 lại giảm.

Xuất khẩu có dấu hiệu tích cực nhưng nhìn chung ở mức thấp so với hàng chục năm trở lại đây của Việt Nam. Tuy nhiên, do nhập khẩu giảm mạnh nên xuất siêu đã đạt mức kỷ lục, gần 11 tỷ.

Vận chuyển hàng hóa cũng tương tự như vậy, tháng 5,6,7 tốt và thậm chí là hàng không nội địa vượt mức vận chuyển nội địa của năm 2019. Tuy vậy, đến tháng 8 đã giảm rất mạnh, bắt đầu với con số âm.

Cuối cùng, TS Võ Trí Thành kết luận, bức tranh kinh tế Việt Nam hiện đang rất hỗn loạn, như bầu trời có tia sáng nhưng mây đen còn rất nhiều. Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp với tinh thần quyết liệt và thành công, đặc biệt gói hỗ trợ lần thứ nhất được đánh giá là tương đối kịp thời.

Q.L

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên